Dù nền kinh tế và tình hình xã hội trong nước được duy trì tương đối ổn định, Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn để đảm bảo phục hồi thu nhập công bằng cho các nhóm hộ khác nhau.
Khảo sát với các hộ gia đình Việt Nam về tác động Covid-19 của Ngân hàng Thế giới (WB) vừa công bố, cho thấy đã gần một năm trôi qua kể từ khi dịch Covid-19 bắt đầu xuất hiện, song các tác động kinh tế vẫn ảnh hưởng không đồng đều lên các nhóm hộ gia đình.
Hầu hết các hộ gia đình đang phục hồi thu nhập, nhưng mức độ phục hồi lại không đồng đều giữa các nhóm. Tỷ lệ phục hồi thu nhập thấp hơn đối với đối tượng là các hộ gia đình nằm ở cuối đường phân phối thu nhập trước thời điểm xảy ra Covid-19, phụ nữ và dân tộc thiểu số.
Những kết quả này cho thấy, dù nền kinh tế và tình hình xã hội trong nước được duy trì tương đối ổn định, Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn để đảm bảo phục hồi thu nhập công bằng cho các nhóm hộ khác nhau.
Đặc biệt, mức độ bất bình đẳng có thể lớn hơn. Về chỉ số thu nhập hộ gia đình, mức thu nhập hộ gia đình được tính là 100 vào tháng 6/2020 - thời điểm thực hiện vòng đầu tiên của Khảo sát đánh giá tác động của Covid-19 đến các hộ gia đình tại Việt Nam. Đến tháng 1/2021, thu nhập bình quân hộ gia đình được ước tính thấp hơn 11-22% so với tháng 6/2020. Mức thu nhập giảm lớn nhất vào thời điểm giữa vòng điều tra đầu tiên và thứ hai, và được duy trì tương đối ổn định kể từ vòng 2.
Xu hướng phục hồi thu nhập thay đổi, tùy theo nhóm hộ gia đình, đặc biệt khi so sánh các hộ gia đình dựa trên nhóm thu nhập của họ vào 2018, trước thời điểm dịch COVID xảy ra. Theo các ước tính trong trường hợp tác động cao và tác động thấp, các hộ gia đình trên đường phân phối thu nhập đều có tỷ lệ giảm thu nhập tương đương tính đến hết tháng 9/2020.
Tuy nhiên, các hộ gia đình trong nhóm 2 - nhóm 5 đều có thu nhập tương đối ổn định trong giai đoạn từ tháng 9/2020 đến tháng 1/2021, trong khi thu nhập của các hộ gia đình ở nhóm có thu nhập thấp nhất bị ảnh hưởng lớn hơn trong giai đoạn này.
Đến tháng 1/2021, thu nhập hộ gia đình trung bình của nhóm có thu nhập cao nhất thấp hơn khoảng 11,4- 21,6% so với mức thu nhập tháng 6/2020. Mặt khác, các hộ gia đình ở nhóm thu nhập thấp nhất vẫn bị giảm thu nhập liên tục trong mỗi vòng khảo sát, trong đó mức thu nhập tháng 1/2021 ước tính đã giảm từ 14-25% so với thời điểm tháng 6/2020.
Tỷ lệ giảm thu nhập tích lũy kể từ khi đại dịch bắt đầu xảy ra lớn hơn do chỉ số thu nhập hộ gia đình được xây dựng chỉ bắt đầu từ tháng 6/2020. Khi đánh giá mức độ thay đổi trong thu nhập hộ gia đình so với cùng kỳ năm trước, gần một nửa số hộ đều báo cáo mức thu nhập thấp hơn vào tháng 1/2021 so với tháng 1/2020.
Theo WB, một kết quả tích cực là, tỷ lệ các hộ gia đình có mức thu nhập giảm mạnh từ 50-99% so với cùng kỳ năm trước đang giảm dần. Khoảng 24% hộ gia đình cho biết, mức thu nhập vào tháng 7/2020 thấp hơn 50-99% so với cùng thời điểm năm trước. Đến tháng 1/2021, chỉ có 16% hộ gia đình cho biết, mức thu nhập của họ thấp hơn 50-99% so với cùng thời điểm/2020.
Với hầu hết các hộ gia đình, họ thích ứng với mức giảm thu nhập thông qua các chiến lược ứng phó khác nhau. Chiến lược ứng phó phổ biến nhất là giảm chi tiêu, nhiều người cũng vay mượn từ gia đình/bạn bè hoặc không thực hiện biện pháp gì cả. Rất ít hộ gia đình cho biết chiến lược ứng phó của họ bao gồm thực hiện các hoạt động tạo thu nhập mới.
Các khoản tiết kiệm hiện tại của hộ gia đình và mạng lưới hỗ trợ hộ gia đình có thể giúp các hộ gia đình hạn chế tác động đến các nguồn thu nhập của họ. Tuy nhiên, hiện chưa rõ liệu các hộ gia đình có thể xoay sở thêm được bao lâu trong bối cảnh thu nhập bị giảm.
Có thể bạn quan tâm
26,6 triệu hộ gia đình được giảm giá điện
18:49, 18/12/2020
WB: Sự bất bình đẳng trong tiếp cận và hiệu quả vaccine của các nền kinh tế
04:00, 27/03/2021
Kinh tế Việt Nam năm COVID-19 thứ nhất (Kỳ IV): WB đưa giải pháp "sống chung với bất định"
06:30, 26/12/2020
WB: Việt Nam cần có chiến lược cân bằng rủi ro và cơ hội trong phát triển vùng ven biển
11:02, 22/10/2020