Chưa hoàn thiện các thủ tục pháp lý liên quan, một dự án thủy điện có “tuổi đời” gần 14 năm vẫn không biết đến khi nào mới có thể đi vào hoạt động...
>>Nghệ An xin ý kiến Bộ Công Thương giải quyết tồn tại ở dự án thuỷ điện Bản Vẽ
Đó là dự án thủy điện Suối Choang nằm ở xã Châu Khê, huyện Con Cuông, tỉnh Nghệ An. Đáng nói, việc dự án vẫn “treo” dai dẳng từ năm này qua năm khác đã kéo theo nhiều hệ lụy khi không chỉ khiến cho định hướng phát triển của địa phương bị ảnh hưởng mà còn gián tiếp “đẩy” hàng trăm hộ dân sống xung quanh vùng dự án rơi vào cảnh khó khăn, khổ cực.
Đất đai chưa giao nhưng dự án đã xây dựng
Trung tuần tháng 8 vừa qua, UBND huyện Con Cuông đã ban hành Quyết định số 2084/QĐ-XPVPHC về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai đối với Công ty CP đầu tư và phát triển điện Meco, đơn vị chủ đầu tư dự án thủy điện Suối Choang. Công ty này có địa chỉ tại ngõ 102 Trường Chinh, phường Phương Mai, quận Đống Đa, TP Hà Nội.
Nguyên do là bởi Công ty CP đầu tư và phát triển điện Meco đã có hành vi chiếm dụng hàng nghìn m2 đất khi tự ý sử dụng đất trên thực địa mà chưa hoàn thành các thủ tục giao đất, cho thuê đất theo quy định của pháp luật. Theo đó, đến thời điểm hiện tại, công ty đã tiến hành xây dựng một số hạng mục, công trình trái phép, bao gồm: Đập dâng 3.536m2, nhà máy 475m2, trạm trộn 25m2, nhà bếp 50m2, nhà công vụ 151m2; với tổng diện tích đã chiếm là 4.237m2.
Chính vì vậy, UBND huyện Con Cuông đã phạt hành chính đơn vị chủ đầu tư với số tiền là 30 triệu đồng. Đồng thời, buộc công ty này phải nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi chiếm đất với số tiền hơn 4 triệu đồng. Còn về biện pháp khắc phục hậu quả, đơn vị chủ đầu tư phải thực hiện tiếp thủ tục giao đất, thuê đất theo đúng quy định của pháp luật.
>>Nhùng nhằng vướng mắc tại các dự án thuỷ điện ở Nghệ An
Mới đây, Công ty CP đầu tư và phát triển điện Meco tiếp tục có động thái xin điều chỉnh dự án, trong đó đề nghị điều chỉnh tiến độ thực hiện dự án thành “Vận hành và phát điện lên điện lưới quốc gia vào tháng 6/2024”.
Liên quan đến vấn đề này, mới đây Sở Công Thương Nghệ An cũng đã có công văn đề nghị Sở TN&MT làm rõ trách nhiệm quản lý nhà nước của tổ chức, cá nhân có liên quan và vi phạm của chủ đầu tư đối với lĩnh vực đất đai. Bởi, hiện nay dự án chưa hoàn thành các thủ tục cho thuê đất theo quy định của pháp luật nhưng việc thi công các hạng mục cơ bản hoàn thành.
Sai số về “công suất lắp máy”?
Theo như tìm hiểu chúng tôi được biết, hơn 15 năm trước, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành Quyết định số 155/QĐ-UBND.CN ngày 16/01/2008 về việc phê duyệt quy hoạch thủy điện vừa và nhỏ tỉnh Nghệ An; trong đó có thủy điện Suối Choang với công suất lắp máy chỉ 2,1MW.
Thế nhưng, 1 năm sau đó, ngày 6/3/2009, Bộ Công thương đã có văn bản về việc điều chỉnh quy hoạch thủy điện nhỏ tỉnh Nghệ An. Trong đó, thỏa thuận để UBND tỉnh Nghệ An xem xét phê duyệt điều chỉnh quy hoạch dự án thủy điện Suối Choang, nâng công suất lắp máy lên 4MW. Tuy nhiên, từ đó đến nay, tỉnh Nghệ An chưa ban hành quyết định phê duyệt điều chỉnh quy hoạch dự án.
>>Nghệ An: Người dân tái định cư thuỷ điện Bản Vẽ ngóng chờ hỗ trợ
Vậy nhưng, không hiểu vì sao trong giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, dự án thủy điện Suối Choang lại có quy mô công suất lắp máy là 4MW? Và trên thực tế, các hạng mục đập thủy điện hiện cũng đang được xây dựng với quy mô là 4MW?
Trao đổi với báo chí, ông Phạm Văn Hóa - Giám đốc Sở Công Thương Nghệ An cho biết:” Nguyên nhân để xảy ra sai số về công suất lắp máy ở Thủy điện Suối Choang là do thủ tục hành chính ngày xưa thực hiện không chặt chẽ. Nếu không cho làm sao doanh nghiệp dám làm”.
“Hiện tại, sở đang phối hợp với các sở ngành liên quan tập trung hoàn thiện hồ sơ cho doanh nghiệp. Đồng thời, phối hợp với các bên liên quan làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan để xảy ra vấn đề trên”, ông Hóa cho biết thêm.
Ngoài loạt bất cập nói trên, một vấn đề khác cũng đang khiến dư luận quan tâm, đó là đến bao giờ 8ha rừng tự nhiên được chuyển đổi mục đích sử dụng? Bởi lẽ, nếu thủy điện Suối Choang đi vào hoạt động, số diện tích rừng nói trên sẽ bị “nhấn chìm” dưới lòng hồ kéo theo nhiều hệ luỵ trước mắt và lâu dài…
Bài 2: Trăm khổ đổ đầu… dân bản
Có thể bạn quan tâm
Long đong nghề muối ở Nghệ An – Bài 2: Làm sao để phát triển bền vững?
01:17, 06/09/2023
Nghệ An: Loạt xe tải trọng lớn “trẩy hội… ăn đất” ở đập Hủng Cốc?
02:30, 04/09/2023
Long đong nghề muối ở Nghệ An – Bài 1: Diêm dân “bỏ ruộng, bỏ nghề”?
08:45, 01/09/2023
“Đòn bẩy” để Nghệ An bứt tốc thu hút vốn FDI
13:35, 31/08/2023
Nghệ An: Tiềm năng, lợi thế hấp dẫn nhà đầu tư
06:00, 30/08/2023