Động lực từ lợi thế giá thuê đất thấp, hạ tầng giao thông, cảng biển, hàng không giúp BĐS công nghiệp vùng Duyên Hải phía Bắc sẽ trở nên sôi động trong thời gian tới.
>>Bất động sản Duyên hải Bắc bộ 2022: Nhiều xung lực để hồi phục và phát triển đột phá
Phát biểu tại Diễn đàn “Bất động sản khu vực Duyên hải Bắc bộ 2022: Chuyển mình đón sóng đầu tư” , ông Phạm Hồng Điệp – Tổng giám đốc Shinec, Chủ đầu tư KCN Nam Cầu Kiền cho biết, Hải Phòng định hướng 2021 – 2030 sẽ trở thành thành phố công nghiệp theo hướng hiện đại hóa, trọng điểm kinh tế biển, trung tâm dịch vụ logistics quốc gia. Hải Phòng cũng là tỉnh thu hút FDI thuộc top đầu cả nước, nhất là vốn FDI đổ vào các KCN, thị trường BĐS KCN do đó được kỳ vọng phát triển mạnh.
Hiện ngoài 5000 ha của 12 khu công nghiệp mà Hải Phòng đang triển khai đầu tư, Hải Phòng còn triển khai thêm 15 khu công nghiệp với diện tích 6200 ha thu hút thêm 12-15 tỷ USD. Tỉ lệ lấp đầy các KCN tại Hải Phòng rất cao đạt trên 90% với mức giá thuê trung bình BĐS công nghiệp đã lên tới 96 USD/m2/ chu kỳ thuê, thuộc mức cao tại thị trường Miền Bắc. 3 điểm nóng là Hải An, An Dương và Thủy Nguyên khi có chung đường biên giới và khả năng tiếp cận tốt với sân bay, cảng biển, các trục đường chính.
Ông Phạm Hồng Điệp đánh giá, đây là “mỏ vàng” hấp dẫn các nhà đầu tư khai thác với đầy đủ 5 loại hình giao thông, vị trí địa lý thuận lợi, cửa ngõ xuất nhập khẩu của khu vực phía Bắc.
Đặc biệt, Hải Phòng hiện sở hữu 2 khu công nghiệp tiên phong theo hướng sinh thái, chiếm tới 16.5% về diện tích các KCN ở Hải Phòng, tiên phong trong tốc độ thu hút và tỉ lệ lấp đầy là KCN Nam Cầu Kiền và Deep C.
Cũng chia sẻ tại Diễn đàn, ông Phạm Hồng Điệp thông tin, điểm sáng bất động sản công nghiệp khác của vùng Duyên hải Bắc bộ là Quảng Ninh đang là tỉnh có nhiều chính sách lớn để thu hút dòng vốn FDI, với nhiều khu công nghiệp (KCN), khu kinh tế (KKT) của cả nước. Đây là tỉnh có nhiều tài nguyên khoáng sản, nguyên vật liệu như than đá, đá vôi… cùng hệ thống hạ tầng giao thông đồng bộ ở mọi loại hình, Quảng Ninh có lợi thế tuyệt đối cho việc phát triển KCN cũng như bất động sản công nghiệp.
Một điểm sáng khác là Thái Bình hiện cũng đang tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng trọng điểm, hạ tầng các khu, cụm công nghiệp, hạ tầng nông thôn mới, hạ tầng giao thông kết nối và các trục giao thông đầu mối kết nối các đô thị trong tỉnh với trung tâm kinh tế vùng và tỉnh, thành phố lân cận như Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hà Nam, Hải Dương, Hưng Yên.
Ngày 18/02/2022, tỉnh Thái Bình đã diễn ra 5 lễ khởi công các dự án lớn như Nhà máy chế biến thực phẩm sạch TH, Nhà xưởng Nam Tai Group, Nhà máy Lotes, Nhà máy Ohsung Vina Thái Bình,…
“Với giá cả thuê đất KCN thấp hơn 20 – 33% so với các nước lân cận như Indonesia, Thái Lan,… và hạ tầng giao thông, mở cửa chuyến bay quốc tế,… bất động sản khu công nghiệp vùng Duyên Hải phía Bắc sẽ trở nên sôi động trong thời gian tới” – ông Điệp nhận định.
Song, để tạo động lực mạnh mẽ hơn nữa để phát triển thị trường, ông Điệp cho rằng với Hải Phòng, cần sớm phê duyệt quy hoạch chung để có cơ sở phê duyệt quy hoạch cũng như giải phóng mặt bằng thực hiện các dự án mới.
Mặt khác, hiện nay thủ tục đất đai là một trong những điểm nghẽn với các nhà đầu tư, nhiều dự án “ách tắc” vì các chồng chéo và thiếu tích hợp trong luật.
Do vậy, ông Điệp kiến nghị việc cải cách thủ tục hành chính, tạo hành lang thủ tục thông thoáng, minh bạch là vô cùng cần thiết. Điều đó đòi hỏi có một hệ thống tích hợp thủ tục đất đai để chính quyền địa phương, doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận và giải quyết thủ tục nhanh chóng.
Có thể bạn quan tâm
Diễn đàn Bất động sản khu vực Duyên hải Bắc Bộ 2022: “Lực hấp dẫn” từ thị trường
11:00, 24/04/2022
HANSIBA và Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp ký kết thỏa thuận hợp tác
22:10, 22/04/2022
Cần “cú hích” nguồn cung bất động sản Hải Phòng
16:07, 25/04/2022
Bất động sản Duyên hải Bắc bộ 2022: Cơ hội lớn từ hội nhập
15:13, 25/04/2022
Bất động sản Duyên hải Bắc bộ 2022: Nhiều xung lực để hồi phục và phát triển đột phá
14:20, 25/04/2022