Các doanh nghiệp bất động sản cũng như các doanh nghiệp khác đã bắt đầu hoạt động trở lại sau giãn cách xã hội, tuy nhiên nhiều khó khăn hệ lụy để lại từ cao điểm dịch vẫn hiện hữu.
Nhiều doanh nghiệp đang đối mặt với hậu quả của dịch COVID-19 vừa qua là việc chậm tiến độ của các dự án.
Nhiều dự án “bất khả kháng” chậm tiến độ
Ông Phạm Ngọc Quang, Giám đốc điều hành dự án nhà ở cao tầng của công ty CP Đầu tư LDG (LDG Group) cho biết, thời điểm trước và sau Tết, công nhân nghỉ rất nhiều vì đặc thù ngành nghề. Đa phần, công nhân là dân nhập cư nên nghỉ Tết rất sớm và vào làm lại rất trễ. Thêm vào đó, đại dịch khiến cho công nhân không dám đi làm.
"Để đảm bảo tiến độ, chúng tôi đã trả công cao hơn để thu hút công nhân nhưng vẫn không đủ số công nhân như trước đó. Thời gian giãn cách xã hội, gần như công trình ngưng trệ hoàn toàn theo chỉ thị của Chính phủ. Bất khả kháng, chậm trễ bàn giao dự án là điều chủ đầu tư không mong muốn, nhưng khó tránh”.
Ông Quang chia sẻ, việc chậm trễ thi công và bàn giao dự án đang làm tăng chi phí đầu tư xây dựng của chủ đầu tư và gây ra những hệ lụy khác đối với công ty. Nêu ví dụ như dự án khu căn hộ ven sông Marina Tower, theo hợp đồng mua bán, dự án này sẽ phải bàn giao trong tháng 6/2020 này.
Trước thời điểm dịch, dự án đã hoàn thiện các khu căn hộ để có thể bàn giao cho khách hàng (ngoại trừ phần tiện ích). Theo tiến độ dự kiến, tháng 4 sẽ hoàn thành phần tiện ích và đủ điều kiện theo quy định để bàn giao cho khách hàng hàng. Tuy nhiên, việc giãn cách xã hội đã làm trễ tiến độ hạng mục này.
Ông Quang cho biết, hiện công ty đang phải hối thúc nhà thầu nhanh chóng tuyển dụng công nhân để hoàn thành kịp tiến độ bàn giao cho người dân.
Chậm thủ tục pháp lý, chủ đầu tư đối mặt khiếu nại của người dân
Không chỉ tiến độ dự án, việc chậm thủ tục pháp lý, nghiệm thu đưa vào sử dụng cũng ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động kinh doanh của chủ đầu tư và nhiều chủ đầu tư đang đối mặt với các khiếu nại, bức xúc của người dân.
Chủ đầu tư dự án Marina cho biết, dù đã gửi toàn bộ hồ sơ đến cơ quan chức năng để xin được nghiệm thu đưa vào sử dụng và bàn giao nhà cho người dân nhưng do dịch, cơ quan chức năng không thể đến dự án khảo sát và kiểm tra nghiệm thu nên thủ tục này kéo dài, khiến cho chủ đầu tư không thể bàn giao nhà.
Nhiều khách hàng thông cảm đã xin được bàn giao sớm để nhận nhà trang trí nội thất trước. Trong khi đó, nhiều khách hàng không chấp nhận nên nhiều lần khiếu nại, gây áp lực lớn đến doanh nghiệp.
“Không chỉ làm ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh dự án, việc chậm trễ thủ tục pháp lý cộng với tác động của đại dịch đã gây ra không ít hậu quả mà doanh nghiệp đang phải cố gắng giải quyết. Tất cả những điều này đều là bất khả kháng, nằm ngoài dự liệu và tầm tay doanh nghiệp. Chúng tôi vẫn đang cố gắng phối hợp, đáp ứng các yêu cầu và tích cực…khiếu nại đến chính quyền địa phương. Phần nào chủ động giải quyết được sẽ xử lý sớm và dứt điểm để đưa mọi hoạt động trở lại bình thường. Đồng thời, hơn lúc nào hết, doanh nghiệp rất mong nhận được sự chia sẻ và thông cảm của khách hàng, nhà đầu tư, cổ đông”.
Theo Luật sư thành Dương Minh Trung, doanh nghiệp cần chủ động thông báo các thông tin bất khả kháng cho đối tác và khách hàng. Đồng thời, doanh nghiệp cần nắm bắt các văn bản pháp lý các cơ cơ quan chức để hoàn thiện hồ sơ thủ tục pháp lý theo quy định. Với các trường hợp dự án bị chậm trễ, cần có tư vấn pháp lý để xác định được thời gian, các yếu tố pháp lý để có thể cung cấp cho khách hàng và đối tác khi có tranh chấp, khiếu nại xảy ra.
“Ảnh hưởng của đại dịch lần này thật sự là một điều kiện bất khả kháng. Điều quan trọng nhất là đại dịch lần này đã ảnh hưởng không nhỏ đến doanh nghiệp nên cần phải chủ động thực hiện các quy định của nhà nước về điều kiện bất khả kháng để không bị thiệt hại trong thực hiện hợp đồng và giảm thiểu bớt những khó khăn phải đối mặt”, ông Trung lưu ý.
Có thể bạn quan tâm