Tình trạng đồng hồ nhái, đồng hồ "hàng xách tay" không có hóa đơn đang được bán tràn lan trên thị trường, hàng giả nhưng được giới thiệu là hàng chính hãng để lừa dối người tiêu dùng…
Những năm gần đây, lực lượng chức năng đã liên tục xử lý những vụ buôn bán đồng hồ giả, đồng hồ nhái, thế nhưng tình trạng này vẫn không hề có dấu hiệu thuyên giảm. Tại Hội nghị chống hàng giả do Bộ Công Thương tổ chức năm 2019, ông Hồ Quang Thái - Phó Chánh Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo 389 quốc gia chia sẻ, theo một đơn vị thẩm định đồng hồ thật, giả có uy tín công bố, trong số 20.000 chiếc đồng hồ được thẩm định thì có đến 8.600 chiếc được phát hiện là giả (tương đương tới 43%).
Kết quả kiểm tra thị trường đồng hồ cũng cho thấy, 80-90% đồng hồ tại Việt Nam là hàng giả và xuất hiện ở khắp mọi nơi. Có thể thấy, tình trạng “bát nháo” này chính là cơ hội cho những người bán hàng tung hỏa mù khiến cho khách hàng càng khó phân biệt được đâu là hàng thật, đâu là giả.
Chia sẻ về vấn đề này, anh Nguyễn Văn Huy, chủ một chuỗi các cửa hàng đồng hồ uy tín tại Hà Nội cho biết, đa phần các loại đồng hồ nhái đều có xuất xứ từ Trung Quốc. Giá bán các loại đồng hồ nhái này rất rẻ, mỗi chiếc được bán từ 200 nghìn đồng đến 1 triệu đồng tùy loại tại biên giới. Thế nhưng, sau khi được đưa vào thị trường trong nước, chúng được đóng hộp, làm giả thẻ bảo hành để bán ra với giá gấp ba, thậm chí gấp 10 lần với giá gốc.
“Đa phần họ bán qua mạng để qua mặt cơ quan quản lý thị trường. Những loại đồng hồ giả này họ đều nói là sẽ bảo hành nhưng đã có nhiều người khi gặp sự cố tìm đến thì họ nói là phải chờ để thay thế linh kiện. Một thời gian sau, họ tráo một đồng hồ khác - cũng là đồng hồ nhái - cho khách để giữ uy tín”, anh Huy cho biết.
Cũng trong năm 2019, thông tin từ Tổng cục Quản lý thị trường khiến nhiều người không khỏi “giật mình”, đó là khi đơn vị này kiểm tra tại cửa hàng mua sắm ASEAN thuộc Công ty TNHH Thương mại và Du lịch Bảo Hưng và Thương trường Quốc tế Hồng Nguyên, tại đây lực lượng chức năng ghi nhận trường hợp đồng hồ Patek Phillipe được bày tại Cửa hàng mua sắm ASEAN với giá 400 triệu đồng. Tuy nhiên, khi hình ảnh của những chiếc đồng hồ này được chụp và gửi đến chuyên gia thẩm định của hãng thì được khẳng định đây là hàng giả.
Nhiều chuyên gia về đồng hồ cho biết, người tiêu dùng có thói quen nhìn vào giá cả và giấy tờ tem mác để đánh giá chất lượng đồng hồ. Với tâm lý "đắt xắt ra miếng", sẵn sàng chi một số tiền lớn để mua đồng hồ "hàng hiệu" vì cho rằng mức giá này chỉ có thể là hàng thật. Thế nhưng, những chiếc đồng hồ "hàng hiệu" này thực chất được nhập với giá chỉ vài chục cho đến vài trăm ngàn đồng, thậm chí còn được bán theo cân.
Gần đây nhất, theo thông tin trên báo chí, một khách hàng ở Hà Nội phản ánh cửa hàng Galle Watch (Big C Thăng Long, Hà Nội) bán đồng hồ 20 triệu đồng nhưng chất lượng không bằng “hàng mã”, “hàng chợ”, một năm rơi vít đáy tới… 4 lần.
Theo đó, anh H.Q.H (trú tại huyện Hoài Đức, Hà Nội) đã phải lên tiếng “tố” cửa hàng Galle Watch (Big C Thăng Long, Hà Nội) bán đồng hồ đắt tiền nhưng chất lượng “hàng mã”, thường xuyên phải mang đi bảo hành.
Thông tin cụ thể, khoảng tháng 9/2018, anh H. mua một chiếc đồng hồ Roamer, thương hiệu Thụy Sĩ tại cửa hàng Galle Watch Big C Thăng Long với giá 20 triệu đồng, thời gian bảo hành là 2 năm. Thế nhưng chỉ sau khoảng 3 tháng sử dụng, anh H. bất ngờ phát hiện chiếc đồng hồ bị vào nước, kiểm tra kỹ thì thấy chiếc đồng hồ đã rơi mất 3 chiếc vít đáy từ bao giờ...
Các chuyên gia cho rằng, hiện nay, thị trường đồng hồ Việt Nam còn rất phân mảnh, phần lớn thị trường nằm trong tay các cửa hàng tư nhân nhỏ lẻ và chợ đồng hồ. Đối với các dòng đồng hồ thời trang thì tình trạng “vàng thau lẫn lộn” càng trở nên phổ biến với việc đóng thương hiệu nhiều hãng thời trang nổi tiếng nhưng mức giá lại bình dân.
Một trong những nguyên nhân dẫn tới tình trạng nhiều người bất chấp pháp luật để buôn bán đồng hồ fake, đồng hồ xách tay không có hóa đơn là do lợi nhuận "khủng". Tỷ suất lợi nhuận của ngành bán lẻ đồng hồ vượt qua lợi nhuận của ngành hàng kinh doanh vàng bạc đá quý, điện thoại,…, thậm chí đạt ở mức 60-70%.
Với tình trạng thị trường đồng hồ “vàng thau lẫn lộn” người tiêu dùng nên có những biện pháp để trở thành người tiêu dùng thông minh và bảo vệ chính túi tiền của mình trước những mánh khóe tinh vi của người bán hàng.
Có thể bạn quan tâm
06:06, 16/04/2020
15:24, 17/03/2020
04:50, 16/12/2019
11:30, 12/12/2019
09:00, 03/12/2019