Dù hàng loạt tổ chức "tín dụng đen" liên tục bị triệt phá trong thời gian gần đây, nhưng đến nay, nhóm tội phạm này vẫn nở rộ như nấm sau mưa với nhiều biến tướng tinh vi…
>>“Tín dụng đen” núp bóng App vay tiền: Triệt phá đường dây nghìn tỉ tại 28 tỉnh
Theo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, hiện nay vấn nạn “tín dụng đen” tiếp tục hoành hành trở lại với những chiêu thức ngày càng tinh vi, được quảng cáo công khai, rộng rãi như: dịch vụ hỗ trợ tài chính, cầm đồ, vay nhanh, trả gọn. Đặc biệt, hoạt động của nhóm tội phạm này đã biến tướng dưới mọi hình thức như khuyến mãi, hoa hồng, huy động vốn để đầu tư, ủy thác đầu tư trái phiếu… với lãi suất cao.
Đáng chú ý, những lời mật ngọt kiểu “cho vay trả góp”, “cho vay không cần thế chấp”, “không lãi suất, giải ngân nhanh 5 phút”…được dán khắp các ngõ, ngách trên từng con đường, thậm chí những loại quảng cáo ấy “bủng nổ” trên internet và các nền tảng mạng xã hội. Quan ngại hơn, "tín dụng đen" đã len lỏi vào đời sống của công nhân lao động. Không ít công nhân vì cuộc sống còn nhiều khó khăn đã sa chân vào bẫy. Người phải làm việc còng lưng trả nợ, người phải chịu các hình thức khủng bố tinh thần, thậm chí là đe dọa đến tính mạng…
Điển hình như trường hợp anh Nguyễn Văn Q (công nhân khu công nghiệp Bắc Thăng Long, Hà Nội), do cần gấp một khoản tiền để giải quyết việc gia đình nên đầu tháng 3/2022, anh Q đã vào một ứng dụng cho vay tài chính để vay tiền. Thủ tục rất đơn giản với các thao tác: cung cấp số điện thoại, chụp ảnh mặt trước, mặt sau của CCCD, tên công ty, địa chỉ nhà, chụp ảnh thẻ ngân hàng, chứng minh thu nhập qua tin nhắn. Chỉ chưa đầy 30 phút sau, khoản vay 50 triệu đồng của anh đã được “giải ngân” 44 triệu đồng. 6 triệu đồng bị thiếu kia sau đó anh mới biết là tiền lãi. Quy trình trả nợ được tính đến ngày lương vào tài khoản, anh Q phải chuyển tiền đến số tài khoản của chủ nợ. Nếu lương không đủ trả, chủ nợ tiếp tục giữ lại thẻ và tính lãi theo giá “phạt”, mỗi ngày thêm 500 nghìn đồng.
Anh Nguyễn Văn Q không phải cá biệt bởi thực tế, lợi dụng việc công nhân lao động gặp khó khăn về tài chính, thời gian qua, "tín dụng đen" đã chen chân vào các khu công nghiệp, những khu vực tập trung nhiều công nhân để hoành hành với nhiều chiêu thức tinh vi, gây ra rất nhiều hệ lụy tiêu cực, ảnh hưởng đến an ninh trật tự trên địa bàn. Thậm chí, công nhân vay nợ, cán bộ công đoàn, lãnh đạo công ty cũng bị nhắn tin quấy nhiễu, bêu xấu.
>>Đường dây cho vay nặng lãi xuyên quốc gia vừa bị triệt phá hoạt động thế nào?
Tương tự, chị M - công nhân làm việc tại một Công ty trong Khu công nghiệp Bàu Xéo (huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai )- vay 50 triệu đồng của tín dụng đen từ tháng 4/2022. Đến cuối tháng 6/2022, số tiền cả gốc và lãi của chị đã vọt lên tới 128 triệu đồng. Chưa xoay tiền trả nợ thì chị đã bị các đối tượng lạ mặt khủng bố bằng cách gọi điện, nhắn tin, đăng hình lên mạng xã hội rồi vu khống, xúc phạm... khiến chị M không dám đến công ty làm việc.
“Tôi bị nhiều người gọi điện đòi nợ, đăng hình gia đình lên các trang mạng xã hội để bôi xấu. Sau 2 tuần liên tục bị khủng bố, tôi phải cầu cứu người thân, gia đình ở quê hỗ trợ trả nợ mới được yên thân” - Chị M nói.
Còn chị H - công nhân ở một công ty tại huyện Nhơn Trạch - cho biết: “Chồng tôi vay 10 triệu đồng qua app, chưa kịp trả nợ đã bị các đối tượng đòi nợ khủng bố tinh thần hơn 1 tháng”.
Nhiều công nhân khi bị "truy nã" thường đổi số điện thoại, đổi phòng trọ nhưng vẫn bị các đối tượng tín dụng đen truy tới tận công ty, khiến nhiều cán bộ công đoàn và cả quản lý công ty liên luỵ.
Ông T - Chủ tịch Công đoàn cơ sở một công ty tại Khu công nghiệp Nhơn Trạch 1 (Đồng Nai), có trên dưới 20.000 công nhân - chia sẻ: “Cách đây vài tháng, Ban Chấp hành Công đoàn cơ sở, kế toán trưởng và trưởng phó phòng nhân sự công ty tôi đều trở thành nạn nhân của tín dụng đen vì công nhân của công ty vay tiền nhưng mất khả năng chi trả. Cứ 5 phút là họ nhá máy một lần, liên tục nửa tháng trời khiến chúng tôi không làm việc được; chặn số thì họ lại lấy số khác gọi. Thậm chí, con cái của cán bộ công đoàn học ở đâu, bao nhiêu tuổi... các đối tượng này cũng biết và đưa ra để đe doạ” - ông T bức xúc.
Trong một diễn biến mới đây, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) đã phải có động thái gửi công văn đến Cục An ninh kinh tế – Bộ Công an. Theo VASEP, gần đây Văn phòng VASEP nhận được phản ánh của nhiều doanh nghiệp thành viên về việc lãnh đạo của doanh nghiệp bị quấy nhiễu, đe dọa và bôi nhọ một cách trắng trợn, công khai (qua điện thoại, tin nhắn, mạng xã hội…) từ các cá nhân không quen biết, được cho là từ các tổ chức tín dụng cho vay tiêu dùng cá nhân, gây ảnh hưởng nặng nề và tiêu cực đến các doanh nghiệp, tâm lý lãnh đạo doanh nghiệp cũng như trật tự xã hội. Nguyên nhân xuất phát từ việc công nhân, người lao động vay nợ. Khi người vay không trả được nợ, các đối tượng này đã thực hiện gọi điện và nhắn tin liên tục đe dọa, quấy nhiễu, chửi bới đến Ban giám đốc, Công đoàn, đến các phòng ban của công ty mà người lao động đang làm việc.
Còn nữa…
Có thể bạn quan tâm
Đường dây cho vay nặng lãi xuyên quốc gia vừa bị triệt phá hoạt động thế nào?
00:10, 22/07/2022
Vay tiền qua App (Bài 1): Nghìn lẻ một bẫy lừa
11:06, 25/11/2021
Vay tiền qua App (Bài 2): “Vòng xoáy” không lối thoát
11:00, 29/11/2021
Vay tiền qua App (Bài 3): Hãi hùng những đòn “khủng bố”
11:10, 01/12/2021
Vay tiền qua App (Bài 4): "Lật tẩy" kẻ đứng sau các App “đen”
11:00, 02/12/2021