Bê bối Pegasus phơi bày mặt tối của 'quốc gia khởi nghiệp' Israel

Theo ngaynay 29/07/2021 04:28

Công ty công nghệ của Israel cho biết họ không kiểm soát việc khách hàng sử dụng phần mềm như thế nào, nhưng có chọn lọc và kiểm tra chặt chẽ đối tượng khách hàng.

Mới đây, truyền thông thế giới đã rúng động trước sự việc phần mềm gián điệp Pegasus của công ty công nghệ Israel NSO đã được nhiều quốc gia sử dụng để theo dõi, xâm nhập vào điện thoại di động của các chính trị gia, nhà báo,...

Phía NSO khẳng định rằng phần mềm Pegasus có cơ chế hoạt động được kiểm soát nghiêm ngặt, chỉ được dùng để truy bắt những kẻ khủng bố, những tên tội phạm, đồng thời, đóng vai trò quan trọng trong việc cứu sống các nạn nhân.

Công ty công nghệ của Israel cho biết họ không kiểm soát việc khách hàng sử dụng phần mềm như thế nào, nhưng có chọn lọc và kiểm tra chặt chẽ đối tượng khách hàng. Nếu phát hiện ra việc sử dụng phần mềm sai mục đích, công ty này sẽ cắt quyền truy cập của những khách hàng đó.

Nhưng những tiết lộ gần đây về Pegasus đã khiến cả NSO và Israel bị dư luận đặt nghi vấn. Ngoài những yêu cầu xem xét về tính hợp pháp của các phần mềm theo dõi, cả dư luận Israel cũng như cộng đồng quốc tế đã kêu gọi tái cấu trúc phương thức quản trị nhằm điều chỉnh thị trường sản xuất phần mềm gián điệp trên không gian mạng.

Khi nghệ thuật tình báo kết hợp công nghệ

Sự thống trị của Israel trong lĩnh vực an ninh mạng đã không phải là điều xa lạ. Đặc biệt là lực lượng tình báo Mossad từ lâu đã rất nổi tiếng với các hoạt động gián điệp kín tiếng, táo bạo và là hình mẫu cho nhiều bộ phim của Hollywood.

Một trong những đơn vị tinh nhuệ nhất của Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) là Đơn vị tình báo 8200 – cơ quan tình báo mạng, nơi đã sản sinh ra rất nhiều những chuyên gia công nghệ hàng đầu của quốc gia Do Thái này.

Với tư cách là một trung tâm đổi mới công nghệ và phát triển mô hình khởi nghiệp, Israel đã xây dựng cho mình được một tầm ảnh hưởng vượt trội trong ngành công nghiệp an ninh mạng.

Theo ông Tal Pavel – trưởng bộ phận nghiên cứu an ninh mạng thuộc trường Cao đẳng Học thuật Tel-Aviv Yaffo, Israel có hệ thống giáo dục chất lượng cao, cộng với nghĩa vụ quân sự bắt buộc, đã giúp thanh niên trẻ tuổi nước này được đào tạo chuyên sâu về an ninh mạng và tấn công mạng trước khi tham gia các chương trình cử nhân.

Ông Pavel cũng lưu ý rằng phần lớn những công nghệ tiên tiến nhất của Israel đều bắt nguồn từ các dự án quân sự.

“Một trong những điều tạo nên sự khác biệt của Israel chính là ‘cynergy', từ ghép giữa không gian mạng và sức mạnh tổng hợp của các ngành công nghiệp", ông Pavel cho biết.

Sự thất bại của NSO

Công ty công nghệ NSO được thành lập vào năm 2009, nhưng phải đến năm 2016, vị thế của NSO mới bị giám sát chặt chẽ.

Trong năm đó, các nhà nghiên cứu thuộc phòng thí nghiệm Citizen tại Đại học Toronto từng tiết lộ nhà hoạt động nhân quyền của UAE Ahmed Mansoor đã bị một bên sử dụng phần mềm Pegasus của NSO xâm nhập vào điện thoại cá nhân. Và đến năm 2018, Mansoor bị kết án 10 năm tù vì tội danh "làm tổn hại danh tiếng" của UAE trên mạng xã hội.

Phần mềm Pegasus cũng bị cáo buộc là có liên quan đến vụ sát hại nhà báo Jamal Khashoggi của tờ Washington Post hồi năm 2018. Điện thoại của ông Khashoggi có dấu hiệu bị xâm nhập thông qua phần mềm này.

Năm 2019, Omar Abdulaziz - một người bạn của Khashoggi, đã đệ đơn kiện NSO và cáo buộc công ty này vi phạm luật pháp quốc tế khi bán phần mềm theo dõi gián điệp cho các quốc gia theo chế độ độc tài.

Theo tờ The Guardian, hồi đầu năm ngoái, một thẩm phán của Israel cũng đã từ chối yêu cầu của NSO về việc bác bỏ vụ kiện, vì cho rằng những lập luận của NSO là thiếu "trung thực". Tuy nhiên, công ty này sau đó vẫn nhiều lần lên tiếng phủ nhận việc phần mềm của họ được sử dụng để theo dõi nhà báo Khashoggi và gia đình ông ta.

Một cuộc điều tra được tiến hành các hãng tin và các tổ chức nhân quyền quốc tế trong thời gian gần đây, đã tìm thấy bằng chứng cho thấy sự xuất hiện của phần mềm Pegasus trên điện thoại của 37 nhân vật khác nhau. Dựa trên mô tả của NSO về mục đích của phần mềm Pegasus, lẽ ra họ không phải là những đối tượng bị nhắm đến.

Trước những cáo buộc trên, một số quốc gia, bao gồm Pháp, đã công bố các cuộc thăm dò về việc sử dụng phần mềm công nghệ này. Bên cạnh đó, Tập đoàn công nghệ Amazon của Mỹ cũng đã thông báo "đóng cơ sở dữ liệu và những tài khoản" liên kết với NSO và sử dụng dịch vụ của Amazon.

Phần nổi của tảng băng chìm

Theo nhà cố vấn chiến lược và truyền thông Israel c, NSO chỉ là một phần của hoạt động tình báo mạng có quy mô rộng lớn.

"Thành thật mà nói, nhiều quốc gia đang liên tục thu thập thông tin tình báo nhằm gia tăng sức cạnh tranh và chống lại đối phương. Họ đều cố gắng theo dõi những người xung quanh. NSO là một công cụ, nhưng vẫn còn rất nhiều các công cụ theo dõi khác", ông Bachar lập luận.

Theo ông Bachar, các công ty như NSO cũng góp phần giúp Israel nâng cao vị thế trên phương diện ngoại giao, khi giờ đây quốc gia Do Thái này có thể công khai vun đắp mối quan hệ với các cựu thù trong quá khứ thay vì phải âm thầm làm điều đó trong suốt nhiều năm qua.

"Một trong những công cụ mà Israel thường sử dụng trong tiến trình ngoại giao chính là khả năng tình báo. Israel luôn sẵn sàng chia sẻ những thông tin tình báo có được với các quốc gia Ả Rập", ông Bachar cho biết.

Tuy nhiên, giáo sư luật Yuval Shany từ Đại học Hebrew ở Jerusalem, lại nhận định rằng chiến lược này đang bắt đầu phản tác dụng và gây ra những bất lợi đối với hình ảnh của Israel.

"Tôi nghĩ rằng vụ bê bối mới đây đã khiến cho NSO cũng như Israel cảm thấy đôi phần lúng túng, có lẽ trong ngắn hạn các tiêu chuẩn kiểm soát xuất khẩu công nghệ sẽ bị thắt chặt hơn", giáo sư Shany cho biết.

Kiểm soát thứ không thể kiểm soát

Không giống như những vũ khí thông thường, phần mềm công nghệ thường vô hình và có thể dễ dàng được bán và chuyển giao trên toàn cầu. Chính lý do này khiến cho những nỗ lực kiểm soát công nghệ như phần mềm Pegasus gặp phải càng nhiều khó khăn hơn nữa.

Theo giáo sư Shany, sản phẩm của công ty NSO và những công nghệ cấp quân sự tương tự được quản lý chặt chẽ thông qua cơ chế kiểm soát xuất khẩu của Bộ Quốc phòng Israel. Hệ thống này sẽ xem xét, đánh giá một cách toàn diện cả về công nghệ và những thực thể nào - nhà nước hoặc ngoài nhà nước - đang mua công nghệ đó.

Tuy nhiên, trước những cáo buộc về phần mềm Pegasus của NSO, ông Shany cho rằng "cơ chế này vẫn còn tồn tại những hạn chế đáng quan ngại".

Đáp lại những cáo buộc gần đây nhất về công nghệ của NSO, Bộ trưởng Quốc phòng Israel Benny Gantz cho biết họ đang tiến hành "nghiên cứu" các đề xuất, và thông tin với báo giới rằng một nhóm liên ngành giữa các bộ có liên quan đã được chỉ định, để xem xét lại cơ chế hiện hành, đồng thời, đánh giá xem liệu công nghệ của Israel có đang bị lạm dụng ở nước ngoài hay không.

Theo quan điểm của giáo sư Shany, giải pháp tốt nhất cho Israel vào thời điểm hiện tại là thực hiện ký kết chính thức Thỏa thuận Wassenaar giữa 42 quốc gia, nhằm đảm bảo tính minh bạch trong việc xuất khẩu công nghệ trong lĩnh vực quân sự, đồng thời ngăn chặn việc những công nghệ này bị các phần tử cực đoan mua lại.

Israel hiện đang tuân thủ những cam kết trong thỏa thuận trên nhưng vẫn chưa phải là thành viên chính thức.

Nhưng nhiệm vụ quan trọng nhất vẫn là cải cách toàn diện cơ chế kiểm soát công nghệ, bà Karine Nahon, giảng viên tại Trung tâm đa ngành Herzliya và là Chủ tịch Hiệp hội Internet Israel, khẳng định.

“Nếu Israel không xuất khẩu công nghệ thì các nước khác cũng vẫn sẽ làm vậy, và nếu áp dụng một hình thức giám sát thay vì cấp giấy phép hoạt động cho các kỹ sư và công ty khởi nghiệp, thì họ cũng vẫn chuyển sang các quốc gia khác để có thể kinh doanh công nghệ ”, bà Nahon chỉ ra.

Mặc dù hình ảnh của NSO và của Israel có vẻ như đã bị ảnh hưởng tiêu cực trước vụ bê bối Pegasus, nhưng sau cùng, nó lại đang giúp cho Israel chứng minh được vai trò của mình với tư cách là một quốc gia đi đầu trong các hoạt động tình báo và sở hữu những công nghệ tiên tiến bậc nhất.

“Tôi nghĩ những lời chỉ tích như vậy sẽ vẫn xuất hiện trong một khoảng thời gian nữa, nhưng rồi mọi người vẫn sẽ nhớ đến công nghệ của Israel, của NSO là những công nghệ tốt nhất, vượt trội nhất”, chuyên gia truyền thông Bachar cho biết.

https://ngaynay.vn/be-boi-pegasus-phoi-bay-mat-toi-cua-quoc-gia-khoi-nghiep-israel-post110444.html

Nguồn CNN

Có thể bạn quan tâm

  • Thêm 1 công ty công nghệ Việt gia nhập thị trường sản xuất camera AI 

    Thêm 1 công ty công nghệ Việt gia nhập thị trường sản xuất camera AI 

    11:00, 24/07/2021

  • Từ một startup non trẻ Houzz trở thành công ty công nghệ tỷ USD

    Từ một startup non trẻ Houzz trở thành công ty công nghệ tỷ USD

    04:38, 28/04/2021

  • “Cuộc chơi lớn” của công ty công nghệ Trung Quốc

    “Cuộc chơi lớn” của công ty công nghệ Trung Quốc

    06:30, 09/07/2020

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Bê bối Pegasus phơi bày mặt tối của 'quốc gia khởi nghiệp' Israel
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO