Có rất nhiều loại sản phẩm thường xuyên xuất hiện quanh ta, nhưng chúng ta lại mù mờ về những người làm ra chúng. So với nhiều con “khủng long” như Microsoft, Toyota… thì họ bé tý!
>>>Khó khăn thử thách để lại gì?
Dù nhỏ bé, nhưng các doanh nghiệp này không hoàn toàn vô danh, mà là nhà vô địch trong lĩnh vực kinh doanh của mình.
HỌ LÀ AI?
Theo H. Simon, lý thuyết gia về quản lý của Đức, thế giới có hơn 2.000 doanh nghiệp “bé nhưng vô địch” như thế. Họ có mặt khắp thế giới, tập trung nhiều nhất tại các quốc gia có nền công nghiệp tiên tiến hướng đến xuất khẩu. Chẳng hạn như thành phố nhỏ Bern (Thụy Sỹ) chiếm 60% thị phần thế giới về trang thiết bị nội thất máy bay dân dụng. Hơn 300 hãng hàng không, gồm cả Airbus, Boeing, đều là khách hàng của thành phố này.
Nếu đã được vào Nhà thờ lớn Cologne, Nhà hát quốc gia Bắc Kinh và cả nhiều nơi khác trên thế giới, bạn sẽ được nghe tiếng đàn organ quyến rũ của hãng Klais nổi tiếng. Dù công ty toàn cầu này chỉ có 65 nhân viên, nhưng rất nổi tiếng.
Chẳng mấy người biết Công ty Delo- “tác giả” loại keo dùng để dán các con chíp vào thẻ ATM và hộ chiếu. Thế nhưng có tới 80% thẻ điện tử trên thế giới có sử dụng chất kết dính của Delo.
Hay như Công ty Mcilheny có mỗi cơ sở sản xuất ở bang Louisiana Hoa Kỳ, nhưng họ bán tràn lan khắp 160 quốc gia thứ nước sốt Tabasco nổi tiếng nhất, được ưa chuộng nhất toàn cầu.
Rượu vang? Ôi ai chẳng thích! Amorim là nhà xuất khẩu lớn nhất thế giới, không phải rượu vang, mà là nút chai rượu vang làm từ vỏ cây sồi bần. Người Bồ Đào Nha trồng trên đất nước của mình 90 triệu cây sồi bần đủ để cho Amorim mỗi năm làm 3 tỷ cái nút chai bán khắp 5 châu.
Ở Kyoto, cố đô Nhật Bản, có hãng Nissha với slogan “Hãy để đấy cho Nissha!”. Họ cung cấp đến 80% màn hình cảm ứng nhỏ của thế giới. Tất nhiên, lợi nhuận của Nissha không nhỏ như sản phẩm của họ.
NHỎ NHƯNG CÓ VÕ
Mặc dù chiếm giữ vị trí áp đảo thị trường toàn cầu, là những thương hiệu cực kỳ nổi tiếng trong môi trường hẹp của họ, song các doanh nghiệp “bé nhưng vô địch” lại là những kẻ “yếm thế”, không muốn ai biết đến mình.
Họ ví mình như “ngựa cày” không mất thời gian, sức lực để đánh bóng hình ảnh trước công chúng như “ngựa triển lãm”. Năng lượng của họ để dành vào công việc chính - kinh doanh. Sản phẩm của họ ít được mọi người chú ý, thậm chí nằm trong các lĩnh vực siêu chuyên biệt, như hãng Tente dẫn đầu thế giới về cấp bánh xe cho giường bệnh viện hay công ty Poc, Thụy Điển, cũng là số một làm mũ bảo hiểm cho người trượt băng.
Tuy bé, nhưng khả năng tồn tại của các nhà vô địch này cực kỳ cao. Họ dễ dàng vượt qua và phục hồi nhanh chóng trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008-2009. Thành công của họ xuất phát từ việc liên tục cố gắng làm tốt hơn người khác. Điều khác lạ là các nhà vô địch này đặt khả năng sống còn của công ty lớn hơn cả lợi nhuận, mặc dù lợi nhuận của họ cao hơn cả những công ty nằm trong danh sách Fortune Global 500.
Khi chúng ta gia nhập vào nền kinh tế toàn cầu, sự nghiệt ngã của thương trường đã làm cho nhiều doanh nghiệp chưa kịp lớn đã chết yểu. Có lẽ phần lớn doanh nghiệp Việt Nam còn nhỏ và yếu không ra được gió! Tuy nhiên, “bé” vẫn có thể thành nhà vô địch nếu họ có khát vọng lớn và tìm được cách thực hiện mục tiêu của mình, như các nhà vô địch bí ẩn ở trên.
Có thể bạn quan tâm
Kinh doanh trên nền tảng số (Kỳ 3): Các yếu tố tác động hoạt động của doanh nghiệp
11:00, 03/02/2022
Không gian phát triển mới cho doanh nghiệp
05:48, 03/02/2022
Phát triển bền vững “liều vaccine” của doanh nghiệp
03:40, 03/02/2022
Doanh nghiệp đã sẵn sàng đầu tư vào AI, Blockchain, Metaverse?
02:00, 03/02/2022