Kinh doanh trên nền tảng số (Kỳ 3): Các yếu tố tác động hoạt động của doanh nghiệp

Diendandoanhnghiep.vn COVID-19 mang đến nhiều biến động với nền kinh tế số và sự tăng trưởng bứt phá của kinh doanh thương mại đã góp phần đưa Việt Nam trở thành một trong những thị trường tiềm năng nhất Asean

Thanh toán điện tử Đông Nam Á sẽ theo mô hình của Ấn Độ

Sau đây là các yếu tố tác động đến tình hình phát triển hoạt động kinh doanh thương mại (KDTM) trên nền tảng số của doanh nghiệp (DN) bán lẻ.

Nhân viên giao hàng tuân thủ 5K. Ảnh: Lazada

Nhân viên giao hàng tuân thủ 5K. Ảnh: Lazada

Môi trường pháp lý

Để KDTM trên nền tảng số phát triển, trước hết cần có một hệ thống pháp luật và chính sách vững vàng, tạo môi trường thuận lợi cho các giao dịch trên nền tảng số. Điều này sẽ khuyến khích các DN bán lẻ Việt Nam, cơ quan và tổ chức tham gia vào KDTM trên nền tảng số, tạo lòng tin và bảo vệ người tiêu dùng. KDTM trên nền tảng số với đặc trưng có hạ tầng công nghệ phát triển rất nhanh, do đó xây dựng cơ sở pháp lý cho KDTM trên nền tảng số không những phải đạt được mục tiêu tạo thuận lợi cho các hoạt động KDTM, mà còn phải mang tính mở để tạo điều kiện ứng dụng những công nghệ mới cho KDTM trên nền tảng số ngày càng phát triển hơn.

Khi tiến hành xây dựng cơ sở pháp lý và chính sách cho KDTM trên nền tảng số phải giải quyết được các vấn đề chính sau: (1) Thừa nhận giá trị pháp lý cho tất cả những giao dịch được thực hiện thông qua các phương tiện điện tử; (2) hài hòa hóa giữa các quy định có liên quan của pháp luật KDTM trên nền tảng số như: Có giá trị như văn bản bình thường, vấn đề bản gốc, vấn đề chữ ký và con dấu, vấn đề giá trị làm chứng cứ mà trong các luật chung hoặc luật chuyên ngành yêu cầu đối với các giao dịch truyền thống, phải được quy định cụ thể đối với giao dịch trên nền tảng số; (3) có chính sách để đầu tư và phát triển đối với thị trường ICT (Information and Communication Technology), chính sách ưu tiên phát triển và ứng dụng công nghệ ICT vào trong hoạt động của các tổ chức, DN bán lẻ và cá nhân; (4) có chính sách bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và bảo vệ người tiêu dùng.

Cơ sở hạ tầng số

Doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam cần có một hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật thiết yếu cho sự phát triển KDTM trên nền tảng số. Cụ thể: (1) DN cần phát triển hạ tầng CNTT và truyền thông, máy tính điện tử và mạng Internet; (2) DN cần mua tên miền, thuê máy chủ, thiết kế trang web, xây dựng mô hình cấu trúc, chức năng, đánh giá trang web, xây dựng trang web và cập nhật thông tin, quản trị nội dung trang web, chạy thử ; (3) DN bán lẻ cần có đầy đủ hệ thống cơ sở hạ tầng vật chất kỹ thuật, kho tàng, bến bãi, vận tải... phục vụ cho hoạt động KD. Ngành dịch vụ gắn chặt với việc phục vụ khách hàng trên một phạm vi, địa điểm nhất định.

Trang web là nơi DN bán lẻ và khách hàng gặp nhau, cung cấp thông tin về sản phẩm và dịch vụ, trang web trở thành một kênh tư vấn khách hàng trực tuyến hữu hiệu. Đồng thời, trang web là một phương tiện để giới thiệu DN, quảng bá, marketing và PR (Public Relation). Trang web là nơi đặt dịch vụ, chẳng hạn như các dịch vụ đặt phòng khách sạn, nhà hàng, tour du lịch rất cần một trang web để tự động hóa việc phục vụ khách hàng. Đầu tư xây dựng hạ tầng CNTT và truyền thông: là những giao dịch thương mại được thực hiện chủ yếu thông qua máy tính và mạng Internet.

Do đó, để KDTM trên nền tảng số có thể phát triển được, yêu cầu về hạ tầng CNTT và truyền thông là không thể thiếu. Các yếu tố trong hạ tầng CNTT và truyền thông bao gồm: Ngành công nghiệp thiết bị ICT (máy tính, thiết bị mạng...). Đây là các yếu tố thuộc về “phần cứng” trong đầu tư cho KDTM; ngành công nghiệp phần mềm; ngành viễn thông; Internet và các dịch vụ gia tăng dựa trên nền Internet; bảo mật, an toàn và an ninh mạng.

Nguồn nhân lực

Một lĩnh vực hay ngành nghề KD nào cũng cần có nguồn lực như nguồn vốn, cơ sở vật chất, nhân lực thì mới thực hiện được. Đối với mọi tổ chức kinh tế thì yếu tố con người luôn là yếu tố quan trọng hàng đầu, nguồn nhân lực là nguồn lực quan trọng đóng vai trò quyết định đến kết quả KD của DN bán lẻ Việt Nam. KDTM trên nền tảng số là một lĩnh vực mới, dựa trên sự giao thoa và tương tác của nhiều ngành khoa học khác nhau như kinh tế, kinh doanh, quản trị, marketing, CNTT, hệ thống thông tin, luật... Do vậy đối với KDTM trên nền tảng số nguồn nhân lực lại càng đóng vai trò quan trọng.

Hạ tầng thanh toán số tại Việt Nam đã sẵn sàng

Tốc độ phát triển nhanh của ngành KDTM trên nền tảng số tại các DN bán lẻ Việt Nam kéo theo nhu cầu nguồn nhân lực ngày càng cao. Thực tế cho thấy, các DN bán lẻ Việt Nam hiện đang cần nguồn lao động có trình độ về công nghệ thông tin, bởi kinh doanh trên mạng xã hội và sàn giao dịch TMĐT đang đem lại hiệu quả kinh tế cao. Theo Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin (Bộ Công Thương), căn cứ kết quả khảo sát hàng năm đối với một bộ phận ứng dụng thường xuyên KDTM trên nền tảng số, có hơn 80% DN tham gia khảo sát (tương đương hơn 1.000 DN) cho thấy, nhu cầu nhân lực TMĐT được đào tạo là rất cần thiết đối với chính DN đó .

Trong giai đoạn tới, nhu cầu này sẽ tăng lên rất nhiều khi Việt Nam trở thành quốc gia có hàm lượng ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý, sản xuất kinh doanh lớn, do đó việc tiến hành trao đổi thương mại qua mạng sẽ ngày càng phổ biến hơn.

Dịch vụ logistics

Chuyển phát hàng hóa (logistics) hay còn gọi là giao hàng trong KDTM là một khâu cực kỳ quan trọng, phát sinh chi phí khá lớn, trong lúc chưa hẳn công ty sẽ thu của khách hàng. Mức chi phí thực sự của công ty có thể chỉ đem lại sự thuận tiện cho khách hàng. Có rất nhiều hãng kinh doanh trực tuyến đã áp dụng biện pháp thu một mức phí giao hàng cố định dựa trên giá trị của đơn đặt hàng và sự lựa chọn về tốc độ giao hàng (thông thường, nhanh và nhanh nhất) của khách hàng. Chi phí giao hàng phụ thuộc vào trọng lượng hàng hóa. Nếu công ty bán một lô hàng với ít nhất một sản phẩm, dịch vụ thì công ty đó có cách để cung cấp các thông tin về trọng lượng của mỗi sản phẩm, dịch vụ với các giải pháp giao hàng mà khách hàng lựa chọn.

Trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam ngày càng hội nhập và mở cửa, khối lượng hàng hóa luân chuyển không ngừng tăng lên, nhu cầu của người tiêu dùng cũng ngày càng tăng đã kéo theo sự tăng trưởng của logistics. Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, năm 2019, dịch vụ vận tải hàng hóa đạt 1.684,1 triệu tấn, tăng 9,7% so với năm trước, trong đó vận tải trong nước đạt 1.650 triệu tấn, tăng 9,8%, vận tải nước ngoài đạt 34,1 triệu tấn, tăng 4,3%. Năm 2020, dù hoạt động vận tải là một trong những lĩnh vực chịu nhiều ảnh hưởng từ các biện pháp kiểm soát đại dịch COVID-19 nhưng mức giảm của vận tải hàng hóa không quá nhiều so với nhiều lĩnh vực khác, giảm 7,3% so với cùng kỳ năm 2019, trong đó vận tải trong nước chiếm trên 98% khối lượng hàng hóa cũng chỉ giảm 7,2%, vận tải nước ngoài dù giảm tới 14,9% nhưng chỉ chiếm khoảng 2% khối lượng hàng hóa.

Trong khoảng thời gian chống dịch COVID-19 cao điểm từ tháng 2 đến tháng 4, thói quen tiêu dùng và mua sắm của người tiêu dùng từ mua hàng trực tiếp sang mua hàng trực tuyến đã có sự chuyển biến mạnh mẽ chưa từng có trước đây. Việc giao dịch mua bán trên mạng với các mặt hàng thiết bị y tế, khẩu trang, nước rửa tay, thực phẩm… tại các DN bán lẻ được ghi nhận mức tăng rất mạnh. Điều đó đã góp phần tác động giúp một bộ phận logistics đang bị ảnh hưởng bởi dịch không bị thiệt hại quá sâu. Bên cạnh sự bùng nổ của thương mại điện tử trong năm 2018 – 2019, các chuyên gia cho rằng vận tải và logistics trong KDTM cũng có bước chuyển mình mạnh mẽ. Sự gia tăng lưu lượng hàng hóa giao dịch qua các kênh trực tuyến khiến nhu cầu vận tải, logistics và giao hàng tăng cao.

Hệ sinh thái số

Theo nhận định của các chuyên gia, dù là điểm khá mới trong giai đoạn đầu về chuyển đổi số tại Việt Nam, việc ứng dụng công nghệ, đặc biệt nhằm tạo ra mô hình kinh doanh mới, giờ đây sẽ gắn liền với khái niệm về hệ sinh thái số . Hiện nay, hệ sinh thái số có thể đươc coi bao gồm mạng xã hội và các dịch vụ tìm kiếm. Một trong những khâu cơ bản trong quy trình thực hiện KDTM trên nền tảng số là khâu thanh toán. Sự phát triển của hoạt động thanh toán đã giúp cho hoạt động thương mại trở nên dễ dàng và là một chu trình khép kín.

Thanh toán điện tử có sử dụng đến các phương tiện điện tử kết nối mạng viễn thông cho nên thanh toán trong KDTM cũng có những đặc thù riêng. Trong đó, hoạt động thanh toán điện tử không nhất thiết phải gắn liền với một ngân hàng hay tổ chức tài chính truyền thống mà có thể thông qua một tổ chức trung gian cung cấp dịch vụ thanh toán qua mạng. Các phương thức thanh toán trực tuyến phổ biến hiện nay bao gồm: Thẻ thanh toán quốc tế (VISA/MASTER); thẻ thông minh; ví điện tử; tiền điện tử; thanh toán qua điện thoại di động; séc điện tử; thẻ mua hàng; chuyển tiền điện tử...

Mạng xã hội và các công cụ tìm kiếm vẫn là hai nền tảng được DN bán lẻ đánh giá là đem lại hiệu quả cao trong hoạt động quảng bá trực tuyến với tỷ lệ tương ứng là 44% và 35%. Trong nhiều năm liền, Facebook luôn dẫn đầu là kênh DN bán lẻ tin dùng nhiều nhất để hỗ trợ quảng cáo trang web/ứng dụng di động trong công ty (năm 2018 tỷ lệ DN có dùng mạng xã hội để quảng cáo lên tới 49% và tăng 6% so với năm 2017), hình thức thông dụng thứ 2 là các công cụ tìm kiếm (33%) và thông qua tin nhắn/ email quảng cáo (28%).

Nhìn chung trong vòng bốn năm trở lại đây, xu hướng quảng cáo trực tuyến thông qua hai nền tảng là mạng xã hội và các công cụ tìm kiếm đang tăng trưởng mạnh vượt qua các phương thức cũ, đặc biệt là mạng xã hội với tỷ lệ đánh giá hài lòng của người dùng đang ở mức cao nhất trong nhiều năm, tuy nhiên các chỉ tiêu này cũng có giảm chút trong năm 2019 so với năm trước đó . Trong đó, hai thành phố là Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh vẫn có sự nhỉnh hơn đáng kể so với các thành phố Trung ương còn lại trong việc đánh giá hiệu quả của các công cụ tiếp thị trực tuyến.

Tỷ lệ doanh nghiệp đánh giá hiệu quả cao các công cụ quảng cáo trực tuyến phân theo nhóm năm thành phố trực thuộc Trung ương

Tỷ lệ doanh nghiệp đánh giá hiệu quả cao các công cụ quảng cáo trực tuyến phân theo nhóm năm thành phố trực thuộc Trung ương



Văn hoá người tiêu dùng

Khi nền kinh tế đang chuyển dần sự phụ thuộc từ nông nghiệp sang công nghiệp, tỷ lệ đô thị hóa của Việt Nam cũng giữ được mức tăng tốt. Việt Nam là một trong những nữớc có tốc độ đô thị hóa nhanh so với các nữớc trong khu vực trong 7 năm qua, trung bình 3.2% hàng năm, dự kiến đạt 50% vào năm 2025 theo Ngân hàng Thế giới. Như hình 1, tỷ lệ đô thị hóa và GDP bình quân đầu người thể hiệu sự liên kết chặt chẽ. Tốc độ đô thị hóa nhanh sẽ hỗ trợ thu nhập bình quân hộ gia đình, từ đó thúc đẩy tiêu dùng.

Tỷ lệ đô thị hóa (%) & GDP bình quân đầu người (USD)

Tỷ lệ đô thị hóa (%) & GDP bình quân đầu người (USD)


Cùng với tốc độ đô thị hóa nhanh và tầng lớp thu nhập trung bình tăng cao, thói quen mua sắm của người Việt cũng thay đổi đáng kể. Các chuỗi bán lẻ hiện đại đang dần thay thế các kênh bán lẻ truyền thống, mang lại sự tiện lợi về thời gian, chất lượng, đa chức năng, đáng tin cậy và minh bạch về giá cả. Có thể thấy rằng cuộc sống hiện đại đang làm người tiêu dùng bận rộn hơn. Tỷ lệ tham gia của lao động ở giới nữ Việt Nam, những người thường chịu trách nhiệm mua sắm chính, ở mức cao là 74% so với mức trung bình của thế giới là 49.5%. Người tiêu dùng hiện nay có ít thời gian hơn cho việc mua sắm hàng tiêu dùng, đặc biệt là thế hệ trẻ, do đó, nhu cầu về các sản phẩm sử dụng nhanh sẽ hưởng lợi. Ngoài ra, thế hệ này sẵn sàng chi cao hớn để có được sự tiện lợi, thể hiện qua sự bùng nổ của dịch vụ giao đồ ăn nhanh và tiêu thụ FMCG (ví dụ: đồ ăn nhẹ, ngũ cốc, mì ăn liền, v.v.). Số lượng cửa hàng tạp hóa và tiện lợi tăng gần gấp đôi trong giai đoạn 2017 - 2019, trong khi số lượng nhà bán lẻ truyền thống bao gồm chợ ẩm thực và cửa hàng tạp hóa truyền thống hầu như không thay đổi trong 10 năm qua. Theo Euromonitor và McKinsey, Việt Nam được xếp hạng là thị trường phát triển nhanh nhất về hàng tạp hóa hiện đại trong nhóm Đông Nam Á. Dự kiến tốc độ tăng trưởng kép hàng năm là 26% cho lĩnh vực này trong 5 năm tới với quy mô thị trường cơ sở là 47.5 tỷ USD tính đến năm 2018 .

Xu hướng thương mại quốc tế

Chính phủ và các cơ quan quản lý và phát triển KDTM trên nền tảng số đã triển khai các chương trình hợp tác quốc tế với các nước tiên tiến như: Mỹ, Na Uy, Nhật Bản, Thái Lan... và các công ty toàn cầu về KDTM trên nền tảng số như: Visa Inc., Google...Đặc biệt là đối với công ty Visa – công ty về thẻ thanh toán điện tử toàn cầu, có trụ sở đóng tại California, Mỹ – đã cam kết trong việc hỗ trợ phát triển thanh toán điện tử ở Việt Nam; hỗ trợ phát triển ngành Thương mại điện tử và triển khai đề án thanh toán không dùng tiền mặt. Bộ Công Thương cũng đã xác định thanh toán điện tử và chuyển phát hàng hóa là hai hạ tầng quan trọng cần phải được đầu tư, phát triển, trong đó đặc biệt là các giải pháp thanh toán điện tử phải tạo được niềm tin, từ đó thay đổi thói quen dùng tiền mặt của người tiêu dùng hiện nay. Đối với các doanh nghiệp dịch vụ có thể tranh thủ sự giúp đỡ của các tổ chức quốc tế và các nước khác về đào tạo nguồn nhân lực, công nghệ, chính sách, pháp luật. Trong hợp tác đa phương cần ưu tiên hợp tác với các tổ chức kinh tế – thương mại quốc tế và khu vực như WTO, APEC, ASEAN, ASEM và các tổ chức chuyên trách về thương mại của UN như UNCTAD, UNCITRAL, AFACT. Trong hợp tác song phương cần ưu tiên hợp tác với các nước tiên tiến về TMĐT và có quan hệ thương mại mật thiết với Việt Nam như Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore.

Giá trị TMĐT tại Đông Nam Á

Giá trị TMĐT tại Đông Nam Á

Theo một nghiên cứu mới từ Facebook và Bain & Company, người tiêu dùng trong lĩnh vực TMĐT tại Đông Nam Á sẽ chi tiêu nhiều gấp ba lần vào năm 2025. Nghiên cứu chung của gã khổng lồ truyền thông và các nhà tư vấn quản lý toàn cầu cho thấy mặc dù người tiêu dùng tại Đông Nam Á chi trung bình 125 đô la Mỹ cho việc mua hàng trực tuyến trong năm 2018, con số đó dự kiến sẽ tăng gấp ba lần lên 390 đô la Mỹ vào năm 2025. Hơn 90% người Đông Nam Á kết nối với Internet chủ yếu thông qua điện thoại thông minh và sự kết nối này – cùng với sự gia tăng thu nhập – đã mở ra một cơ hội mới cho những doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực TMĐT. Bên cạnh đó, giá trị TMĐT tại Đông Nam Á đã tăng gấp 7 lần chỉ trong 4 năm từ 5,5 tỷ USD vào năm 2015 lên hơn 38 tỷ USD vào năm 2019. TMĐT được dự đoán sẽ vượt 150 tỷ USD vào năm 2025 – hơn 50 tỷ USD so với dự báo trước đó.

Nhóm tác giả: TS. Bùi Thanh Tráng; ThS. Hoàng Thu Hằng; TS. Đỗ Thị Hải Ninh; ThS. Dương Ngọc Hồng;  ThS. Hoàng Ngọc Như Ý - Khoa Kinh doanh Quốc tế - Marketing. 

Kỳ cuối: Kinh doanh trên nền tảng số: Giải pháp thúc đẩy bán lẻ cho doanh nghiệp Việt

Đánh giá của bạn:

Mời các bạn tham gia vào group Diễn đàn Doanh nghiệp để thảo luận và cập nhật tin tức.

Bạn đang đọc bài viết Kinh doanh trên nền tảng số (Kỳ 3): Các yếu tố tác động hoạt động của doanh nghiệp tại chuyên mục Doanh nghiệp của Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác: email toasoan@dddn.com.vn, hotline: 0985698786,
Bình luận
Bạn còn /500 ký tự
Xếp theo: Thời gian | Số người thích
SELECT id,type,category_id,title,description,alias,image,related_layout,publish_day FROM cms_post WHERE `status` = 1 AND publish_day <= 1714154948 AND in_feed = 1 AND top_home <> 1 AND status = 1 AND publish_day <= 1714154948 ORDER BY publish_day DESC, id DESC LIMIT 0,11
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10