Bí ẩn thương vụ nghìn tỷ của Bầu Thụy

NHA TRANG 12/03/2021 03:00

Khách sạn Kim Liên đã nổi tiếng lại càng nổi tiếng hơn kể từ thương vụ bầu Thụy mua "phá giá" cổ phần.

Cổ phiếu TDH của CTCP Thaiholdings tiếp tục tăng giá mạnh trong vài phiên gần đây và đã vượt ngưỡng 200 nghìn đồng/cp. Tính từ đầu tháng 12/2020 tới nay, cổ phiếu này đã tăng khoảng 10 lần, từ mức 20.000 đồng/cp lên 202.000 đồng/cp như hiện tại.

Nếu chỉ tính riêng khối tài sản quy ra từ cổ phiếu Thaiholdings, Bầu Thụy là người giàu thứ 6 trên sàn chứng khoán

Nếu chỉ tính riêng khối tài sản quy ra từ cổ phiếu Thaiholdings, Bầu Thụy là người giàu thứ 6 trên sàn chứng khoán

Ông Nguyễn Đức Thụy (Bầu Thụy) hiện nắm giữ gần 86 triệu cổ phiếu Thaiholdings trên sàn chứng khoán, trị giá khoảng 17,3 nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, trên thực tế, tài sản của ông Thụy có thể lớn hơn.

Nếu chỉ tính riêng khối tài sản quy ra từ cổ phiếu Thaiholdings, Bầu Thụy là người giàu thứ 6 trên sàn chứng khoán, chỉ sau 6 tỷ phú USD được Forbes xếp hạng là: ông Phạm Nhật Vượng, ông Trần Đình Long, bà Nguyễn Thị Phương Thảo, ông Hồ Hùng Anh (chủ tịch Techcombank), ông Nguyễn Đăng Quang (Masan).

Ông Nguyễn Đức Thụy thậm chí còn xếp trên cả ông trùm bất động sản phía Nam Bùi Thành Nhơn (chủ tịch Novaland) và trên bà Phạm Thu Hương, vợ ông Phạm Nhật Vượng.

Thời gian gần đây, tên tuổi của ông Nguyễn Đức Thụy lại được nhắc đến nhiều hơn từ thương vụ khách sạn Kim Liên. 

Thương vụ "khó hiểu"

Không phải là khách sạn 5 sao như Metropole Hà Nội hay Intercontinental Hanoi Westlake nhưng khách sạn Kim Liên (thuộc sở hữu của Công ty cổ phần du lịch Kim Liên - Kim Liên) cũng là một trong những địa điểm nổi tiếng vì nằm trên mảnh "đất vàng" Hà Nội. Khách sạn Kim Liên tọa lạc tại mảnh đất rộng 3,5ha phố Đào Duy Anh với mặt tiền rất rộng. Đây được coi là "đất vàng" duy nhất còn sót lại của các quận nội thành.

Cách đây gần 15 năm, dù quy mô khá nhỏ (vốn điều lệ năm 2008 chỉ 44 tỷ đồng) nhưng Kim Liên gặt hái được lãi ròng cao. Từ năm 2008 đến nay, Kim Liên chỉ lỗ duy nhất trong năm 2015. Trước đó, lợi nhuận sau thuế của công ty từ năm 2008 đến 2014 lần lượt là 19,4 tỷ đồng, 31,7 tỷ đồng, 38,4 tỷ đồng, 30,9 tỷ đồng, 21,3 tỷ đồng, 14,5 tỷ đồng và 13,5 tỷ đồng.

Thời gian gần đây, tên tuổi của ông Nguyễn Đức Thụy lại được nhắc đến nhiều hơn từ thương vụ khách sạn Kim Liên.

Thời gian gần đây, tên tuổi của ông Nguyễn Đức Thụy lại được nhắc đến nhiều hơn từ thương vụ khách sạn Kim Liên.

Vì vậy, Kim Liên đạt tỷ suất lợi nhuận/vốn góp chủ sở hữu rất cao. Năm 2008, con số này lên đến 44%. Tới năm 2010 - thời điểm Kim Liên đạt kỷ lục về lãi ròng, tỷ lệ này vọt lên đến 65%.

2015 là năm "lịch sử" của Kim Liên khi công ty có nhiều sự kiện quan trọng. Trong đó, đáng chú ý nhất là sự có mặt của ông Nguyễn Đức Thụy (bầu Thụy) - Chủ tịch quản trị của ThaiGroup. Bầu Thụy mua cổ phần khách sạn Kim Liên với mức "phá giá" thị trường. Năm đó, Kim Liên lần đầu tiên ghi nhận khoản thua lỗ khủng.

Cụ thể, sau khi đạt đỉnh lợi nhuận vào năm 2010, Kim Liên giảm dần đều lãi. Dù vậy, đến năm 2014, công ty vẫn lãi 13,5 tỷ đồng. Nhưng đến năm 2015, Kim Liên bất ngờ lỗ tới 25,6 tỷ đồng.

Điều đáng nói, khoản lỗ này xuất hiện dù doanh thu năm 2008 vẫn tăng nhẹ, tăng từ 123 tỷ đồng lên 125 tỷ đồng. Kim Liên "âm nặng" khi chi phí quản lý doanh nghiệp "đội lên" khó hiểu, tăng 38,2 tỷ đồng, tương đương 173% lên 60,3 tỷ đồng.

Tuy nhiên, Kim Liên không lý giải tại sao chi phí quản lý doanh nghiệp lại "tăng tốc" nhanh đến như vậy.

Một dấu hỏi lớn mà nhà đầu tư đặt ra cho khoản thua lỗ của khách sạn Kim Liên chính là sự chênh lệch về con số. Báo cáo tài chính năm 2015 chỉ ra Kim Liên lỗ 25,6 tỷ đồng. Còn trong báo cáo tài chính năm 2016, con số này vọt lên tới 33,8 tỷ đồng. Nguyên nhân là do ở phần lợi nhuận khác. Thay vì con số lãi 137 triệu đồng, chỉ tiêu này được ghi nhận thành lỗ hơn 8 tỷ đồng trong báo cáo năm 2016.

Năm 2015, nhà đầu tư chứng khoán đổ dồn sự chú ý của mình vào phiên đấu giá cổ phần tại Công ty cổ phần Du lịch Kim Liên (chủ sở hữu khách sạn Kim Liên) của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC). Cuộc đấu giá thu hút nhiều doanh nghiệp đình đám trên thị trường tham gia như: ThaiGroup, REE, PTI, Tổng công ty xây dựng Hà Nội, Văn Phú Invest, GP Invest,…

Vào cuối tháng 12/2015, phiên đấu giá diễn ra đầy ấn tượng khi thu hút được 19 nhà đầu tư tổ chức và 17 nhà đầu tư cá nhân. Mặc dù giá khởi điểm "chỉ" là 30.600 đồng/cổ phần nhưng giá đặt mua cao nhất và cũng là giá trúng thầu thành công vọt lên 274.200 đồng/cổ phần, cao gấp 9 lần so với giá khởi điểm.

Điều đáng nói, chỉ có một tổ chức duy nhất mua được trọn lô cổ phần sau khi chi ra hơn 1.000 tỷ đồng. Không lâu sau đó, danh tính nhà đầu tư tổ chức "chơi lớn" đó được hé lộ. Đó là ThaiGroup của bầu Thụy. Sau thương vụ này, ThaiGroup sở hữu tới 52,4% vốn Kim Liên.

Tới đầu năm 2019, Thaiholdings - một công ty khác của bầu Thụy - đã mua gần 1,2 triệu cổ phần Kim Liên với giá mua 305.100 đồng/cổ phần, tương ứng, tổng giá trị đầu tư hơn 365 tỷ đồng. Sau thương vụ, Thaiholdings nắm giữ 17,2% vốn điều lệ của chủ sở hữu khách sạn Kim Liên.

Tại thời điểm 31/12/2019, phía bầu Thụy vẫn là cổ đông lớn nhất tại Kim Liên.

Ngay sau khi về tay bầu Thụy (năm 2015), khách sạn Kim Liên nhanh chóng có lãi. Lợi nhuận sau thuế năm 2016 của Kim Liên đạt 7,5 tỷ đồng, cải thiện đáng kể so với con số lỗ 33,8 tỷ đồng của năm 2015.

Tuy nhiên, khoản lãi này không đến từ hoạt động kinh doanh mà đến từ việc "hãm phanh" chi phí đột ngột.

Cụ thể, doanh thu về bán hàng và cung cấp dịch năm 2016 của Kim Liên chỉ đạt 128 tỷ đồng, tăng rất nhẹ so với con số 125 tỷ đồng của năm 2015. Công ty chỉ thoát lỗ nhờ "mạnh tay" cắt giảm chi phí quản lý doanh nghiệp. Chỉ tiêu này giảm tới 44,7 tỷ đồng, tương đương 74,1% so với năm 2015 xuống chỉ còn 15,6 tỷ đồng.

Trong cơ cấu chi phí quản lý doanh nghiệp, chỉ tiêu thuế, phí và lệ phí giảm sâu nhất, giảm từ 52,9 tỷ đồng năm 2015 xuống 6,2 tỷ đồng.

Vì vậy, có thể thấy, bầu Thụy hoàn toàn không có đóng góp vào việc "vực dậy" Kim Liên. Các năm sau đó, lợi nhuận tại Kim Liên có xu hướng nhích lên nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với khoảng thời gian trước năm 2015. Từ năm 2016 đến 2019, lợi nhuận sau thuế của Kim Liên lần lượt đạt 7,5 tỷ đồng, 8,9 tỷ đồng, 8,6 tỷ đồng và 12,5 tỷ đồng.

Dưới thời của bầu Thụy, tỷ suất lợi nhuận/vốn góp chủ sở hữu của Kim Liên giảm sâu. Trong các năm 2016, 2017, 2018 và 2019, tỷ lệ này lần lượt là 10,8%, 12,8%, 12,4%và 18%.

Vì lãi ròng chưa tìm lại được thời hoàng kim nên tại thời điểm 31/12/2019, vốn chủ sở hữu của Kim Liên bị "ăn mòn" chỉ còn là 48,7 tỷ đồng thay vì 69,6 tỷ đồng vốn góp chủ sở hữu. Nguyên nhân là do lợi nhuận sau thuế chưa phân phối của Kim Liên vẫn lên đến âm 26,2 tỷ đồng.

Chưa "đổi đời" đã thành vật thế chấp

Dễ dàng nhận thấy sau khi trở thành "người nhà" của bầu Thụy, công ty cổ phần Du lịch Kim Liên không những không cải thiện tình hình mà còn đi lùi so với những năm trước đây (ngoại trừ năm 2015). Thời điểm đó, nhiều ý kiến cho rằng, bầu Thụy mua cổ phần Kim Liên là nhắm vào "đất vàng" chứ không phải muốn cải thiện hoạt động kinh doanh khách sạn, nhà hàng.

Tại thời điểm 31/12/2019, vốn góp chủ sở hữu của Công ty cổ phần Du lịch Kim Liên chỉ là 69,6 tỷ đồng, "bất động" sau nhiều năm. Vì vậy, tại ĐHĐCĐ bất thường năm 2019, bầu Thụy muốn tăng vốn công ty lên 2.768 tỷ đồng, tức là tăng gấp gần 40 lần.

Việc tăng vốn này nhằm mục đích liên kết với đối tác để triển khai dự án Khu phức hợp Kim Liên. Dự án ngốn tới gần 14.300 tỷ đồng. Tuy nhiên, kế hoạch tăng vốn này bị cổ đông phản đối và không thể thực hiện được. Không lâu sau đó, bầu Thụy rời ghế Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty.

Tuy nhiên, tới tháng 10/2020, Hội đồng quản trị CTCP Thaiholdings (THD) đã công bố Nghị quyết HĐQT về việc vay 500 tỷ đồng tại ngân hàng LienVietPostBank để bổ sung vốn lưu động phục vụ hoạt động kinh doanh thương mại thực phẩm.

Theo đó, Thaiholdings sẽ dùng 819.450 cổ phiếu do CTCP Du lịch Kim Liên (chủ sở hữu khách sạn Kim Liên) phát hành, mà công ty sở hữu, để làm tài sản đảm bảo. Số cổ phần khách sạn Kim Liên được Thaiholdings mang ra thế chấp chiếm gần 70% tổng cổ phần mà công ty sở hữu tại khách sạn.

Đây là bước đi tiếp theo sau bài toán "niêm yết cửa sau" của Thaigroup thông qua Thaiholdings trong bối cảnh Thaigroup chưa đáp ứng các tiêu chuẩn niêm yết do có lỗ lũy kế.

Hồi giữa tháng 8 (hai tháng sau khi Thaiholdings lên sàn HNX), Đại hội cổ đông bất thường của CTCP Thaiholdings của ông Nguyễn Đức Thụy đã thông qua nghị quyết về việc tăng vốn từ 539 tỷ đồng lên 3.500 tỷ đồng để mua cổ phần Thaigroup - một doanh nghiệp cũng của ông Thụy và trước là công ty mẹ của Thaiholdings.

Theo đó, Thaiholdings chi 2.954 tỷ đồng mua 147,5 triệu cổ phiếu Thaigroup để nắm giữ 59% cổ phần của doanh nghiệp này, thâu tóm ngược lại công ty mẹ trước đây. Trước đó, Thaigroup từng sở hữu 74% vốn Thaiholdings nhưng tính đến cuối năm 2019 đã thoái toàn bộ vốn.

Cả Thaiholdings và Thaigroup đều là doanh nghiệp có liên quan ông Nguyễn Đức Thụy. Ông Thụy hiện là Chủ tịch HĐQT Thaigroup và là cổ đông lớn nhất tại Thaiholdings (nắm 20% vốn). Trước đó, ông Thụy cũng là người đảm nhiệm vị trí Chủ tịch HĐQT Thaiholdings nhưng đã từ nhiệm từ tháng 2.

Trong "nhà" của bầu Thụy có gì?

Nhìn vào kết quả kinh doanh quá khứ và các tài sản đang nắm giữ thì sẽ khó trong việc lý giải chuỗi tăng giá vừa qua của cổ phiếu THD. Tuy nhiên, động lực của công ty này có thể lý giải qua Thaigroup - công ty con của Thaiholdings, cũng do bầu Thuỵ sáng lập nhưng không đủ điều kiện niêm yết trên sàn chứng khoán. Cơ cấu tài sản cũng như hoạt động kinh doanh chính của Thaigroup sẽ phần nào đã phản ánh bức tranh tài sản của Thaiholdings cũng như bầu Thuỵ.

Thaigroup hiện gián tiếp sở hữu nhiều bất động sản có giá trị lớn, đặc biệt là 98% cổ phần Công ty cổ phần Enclave Phú Quốc, đơn vị triển khai dự án khu phức hợp quy mô 350ha tại Bãi Thơm, Phú Quốc với 50ha đất sổ đỏ vĩnh viễn và chiều dài gần 8km mặt biển. Đây sẽ là ẩn số lớn mang lại hiệu quả đầu tư cho công ty và các cổ đông. Tuy nhiên, cho đến nay, việc triển khai dự này hiện vẫn trong giai đoạn xin cấp phép.

Bên cạnh đó, tập đoàn còn gián tiếp sở hữu 80,45% cổ phần tại Công ty cổ phần Tôn Đản Hà Nội, đơn vị sở hữu tòa nhà Thaiholdings Tower tại trung tâm Hà Nội cung cấp cho thị trường hơn 25.300 m2 văn phòng cho thuê.

Nhắc đến Thaigroup không thể không kể đến thương vụ đình đám chi hơn 1.000 tỷ đồng để mua lại 52,43% cổ phần Công ty cổ phần Du lịch Kim Liên - đơn vị sở hữu mảnh đất đắc địa có quy mô 3,5 ha tại số 5-7 Đào Duy Anh, Đống Đa, Hà Nội.

Ngoài ra, tập đoàn này còn triển khai dự án đất nhà ở với diện tích 2,7ha tại trung tâm Thành phố Ninh Bình được định giá gần 810 tỷ đồng và Cảng Ninh Phúc được định giá hơn 400 tỷ đồng.

Bên cạnh những tài sản chiến lược nắm giữ lâu dài, thời gian tới, Thaigroup đang có kế hoạch thoái vốn khỏi một số khoản đầu tư như Nhà máy xi măng Quảng Nam; 2,7 ha đất đô thị tại Khu đô thị Xuân Thành, Ninh Bình thu về 810 tỷ đồng hay 18,7 ha đất tại Cảng Ninh Phúc với kỳ vọng doanh thu từ giao dịch này đạt 400 tỷ đồng.

Các thương vụ chuyển nhượng có thể mang lại lợi nhuận ngắn hạn cho Thaigroup và phần nào giảm bớt áp lực về mặt tài chính để thực hiện các dự án bất động sản tiềm năng nhưng đang “đắp chiếu” nhiều năm.

Tuy nhiên, kết quả kinh doanh của Thaigroup lại không thực sự tích cực. Năm 2019, tập đoàn ghi nhận doanh thu hợp nhất 3.580 tỷ đồng, nhưng lỗ ròng đến 389 tỷ. Khoản lỗ này đã đẩy lỗ lũy kế Thaigroup tính đến hết ngày 31/12/2019 lên đến 641 tỷ đồng, chiếm 24% vốn chủ sở hữu. Thêm vào đó, với việc nợ ngắn hạn trên BCTC 2019 lớn hơn tài sản ngắn hạn 1.957 tỷ, ThaiGroup bị nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục.

Trong khi đó, kết quả kinh doanh Thaiholings có phần khả quan hơn tuy nhiên con số vẫn rất khiêm tốn so vốn hóa hiện tại của doanh nghiệp này.

Năm 2019 là một năm tăng trưởng đột biến của Thaiholdings. Dù vậy, ghi nhận trên báo cáo tài chính kiểm toán năm 2019, lãi ròng của Thaiholdings cũng chỉ dừng ở mức 47,5 tỷ đồng, tương ứng lãi cơ bản trên mỗi cổ phiếu (EPS) đạt 1.147 đồng.

Năm 2020, doanh thu thuần của Thaiholdings năm 2020 đạt 1.821 tỷ đồng, tăng 139% so với năm 2019. Lãi gộp thu về trong năm 2020 tăng trưởng 110%, đạt 175 tỷ đồng.

Với bức tranh kinh doanh đó và những động thái trong việc triển khai dự án mới còn ì ạch, liệu cổ phiếu THD đang bị thị trường định giá quá cao so với giá trị thực?

Với bức tranh kinh doanh của Thaiholdings và những động thái trong việc triển khai dự án mới còn ì ạch, liệu cổ phiếu THD đang bị thị trường định giá quá cao so với giá trị thực?

Hoạt động tài chính của doanh nghiệp này lỗ hơn 13 tỷ đồng trong năm 2020. Chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp tăng mạnh so với năm 2019, lần lượt đạt 2,5 tỷ đồng và 27,3 tỷ đồng.

Đáng chú ý, khoản mục lợi nhuận khác của Thaiholdings ghi nhận cao đột biến ở mức hơn 1.134 tỷ đồng, cao hơn cả lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp này. Nhờ đó, Thaiholdings báo lãi sau thuế năm 2020 đạt hơn 1.000 tỷ đồng, cao nhất trong vòng 3 năm trở lại đây.

Kết quý IV/2020, tổng tài sản của Thaiholdings đạt giá trị hơn 10.765 tỷ đồng, tăng gấp 12,6 lần so với thời điểm đầu năm. Trong đó, các khoản phải thu ngắn hạn tăng gấp 16 lần lên 2.802 tỷ đồng.

Tại ngày 30/12/2020, hàng tồn kho, bất động sản đầu tư và tài sản dở dang dài hạn của Thaiholdings lần lượt đạt hơn 119 tỷ đồng, 105 tỷ đồng và 337 tỷ đồng. Trong khi tại thời điểm đầu năm 2020 và cả năm 2019, năm 2018 đều không ghi nhận giá trị ở các khoản mục này.

Báo cáo tài chính quý IV/2020 cho thấy Thaiholdings năm vừa qua đã mạnh tay chi cho đầu tư tài sản cố định. Tại thời điểm cuối năm 2020, tài sản cố định của doanh nghiệp này đạt giá trị 1.064 tỷ đồng, gấp 297 lần so với con số 3,57 tỷ đồng ở thời điểm cuối năm 2019.

Tổng nợ vay ngắn hạn và dài hạn của Thaiholdings là hơn 3.162 tỷ đồng, chiếm 37% tổng nợ phải trả.

Với bức tranh kinh doanh đó và những động thái trong việc triển khai dự án mới còn ì ạch, liệu cổ phiếu THD đang bị thị trường định giá quá cao so với giá trị thực?

Có thể bạn quan tâm

  • Bí ẩn của Zhong Shanshan - vị tỷ phú kì lạ nhất nhì thế giới

    Bí ẩn của Zhong Shanshan - vị tỷ phú kì lạ nhất nhì thế giới

    03:00, 11/03/2021

  • Món nợ 125.000 USD và 5 bài học tự chủ tài chính của doanh nhân Thái Vân Linh

    Món nợ 125.000 USD và 5 bài học tự chủ tài chính của doanh nhân Thái Vân Linh

    03:00, 10/03/2021

  • Ông

    Ông "trùm giải cứu" Mai Hữu Tín và kỳ vọng ở Gỗ Trường Thành

    03:00, 09/03/2021

  • Mềm dẻo và linh hoạt đã giúp doanh nhân nữ vượt qua đại dịch

    Mềm dẻo và linh hoạt đã giúp doanh nhân nữ vượt qua đại dịch

    19:00, 08/03/2021

  • Chiến lược kinh doanh thông minh

    Chiến lược kinh doanh thông minh

    12:00, 08/03/2021

  • Thế lưỡng nan của nữ doanh nhân - Cân bằng để hạnh phúc

    Thế lưỡng nan của nữ doanh nhân - Cân bằng để hạnh phúc

    06:28, 07/03/2021

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Bí ẩn thương vụ nghìn tỷ của Bầu Thụy
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO