BIDV đã nhận được Quyết định số 155/QĐ-NHNN về sửa đổi nội dung vốn điều lệ và giấy phép hoạt động. Theo đó BIDV là ngân hàng có vốn điều lệ lớn nhất hệ thống các TCTD...
Ngày 17/02/2022, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam(BIDV) nhận được Quyết định số 155/QĐ-NHNN ngày 16/02/2022 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (về việc sửa đổi nội dung về vốn điều lệ tại Giấy phép thành lập và hoạt động của Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam). BIDV xin được công bố Quyết định số 155/QĐ-NHNN ngày 16/02/2022 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam như đính kèm.
Theo đó, tại Điều 1 của Quyết định 155/QĐ-NHNN ngày 16/02/2022 ghi rõ: Sửa đổi nội dung về vốn điều lệ quy định tại Điều 2 Giấy phép thành lập và hoạt động số 84/GP-NHNN ngày 23/4/2012 do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cấp cho Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam thành: “Vốn điều lệ của Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam là 50.585.238.160.000 đồng (bằng chữ: Năm mươi nghìn năm trăm tám mươi lăm tỷ hai trăm ba mươi tám triệu một trăm sáu mươi nghìn đồng)”.
Quyết định 155/QĐ-NHNN ngày 16/02/2022 có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký và là một bộ phận không thể tách rời của Giấy phép thành lập và hoạt động số 84/GP-NHNN ngày 23/4/2012 do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cấp cho BIDV
Quyết định số 103/QĐ-NHNN ngày 21/01/2020 về việc sửa đổi nội dung về vốn điều lệ tại Giấy phép thành lập và hoạt động của BIDV hết hiệu lực thi hành kể từ ngày Quyết định 155/QĐ-NHNN ngày 16/02/2022 có hiệu lực thi hành.
Về kết quả kinh doanh, tại Hội nghị trực tuyến Triển khai nhiệm vụ công tác Đảng và công tác kinh doanh năm 2022 diễn ra mới đây, Ban lãnh đạo BIDV cho biết ngân hàng đã hoàn thành kế hoạch lợi nhuận năm 2021 được Ngân hàng Nhà nước và Đại hội đồng cổ đông giao.
Tính đến cuối năm 2021, tổng dư nợ tín dụng và đầu tư đạt 1,65 triệu tỷ đồng; trong đó dư nợ tín dụng đạt 1,33 triệu tỷ đồng, tăng 11,8% so với năm 2020, tuân thủ giới hạn tín dụng NHNN giao (12%) và chiếm hơn 13% dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế, đứng đầu thị trường về thị phần tín dụng.
Đáng chú ý hơn là nợ xấu, đặc biệt là nợ có khả năng mất vốn của BIDV giảm rất mạnh. Cụ thể, tỷ lệ nợ xấu theo Thông tư 11/2021 giảm 0,73 điểm % so với năm 2020 xuống còn 0,81% và tỷ lệ nợ nhóm 5 ở mức 0,42%, giảm 0,82 điểm %.
Đi cùng đà giảm của nợ xấu, tỷ lệ bao phủ nợ xấu (dư quỹ dự phòng rủi ro tín dụng/dư nợ xấu) của BIDV đã đạt 235% vào cuối năm 2021, mức cao nhất trong các năm gần đây.