BIDV kiến nghị về khoản thu hồi 2.550 tỷ đồng vụ án Phạm Công Danh và đồng phạm

Dương Thuỳ 27/01/2018 07:00

Xung quanh ý kiến của Viện Kiểm sát kiến nghị về khoản thu hồi 2.550 tỷ trong vụ án Phạm Công Danh, BIDV cho rằng kiến nghị này hoàn toàn không thuyết phục ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động của BIDV nói riêng và toàn hệ thống ngân hàng nói chung...

BIDV kiến nghị khoản thu hồi 2550 tỷ từ Viện Kiểm sát là hoàn toàn không thuyết phục gây ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh của BIDV

BIDV kiến nghị khoản thu hồi 2.550 tỷ từ Viện Kiểm sát là hoàn toàn không thuyết phục gây ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh của BIDV

Liên quan đến vụ án Phạm Công Danh và đồng phạm phạm tội “Cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại VNCB – giai đoạn 2, trong Bản luận tội của đại diện Viện Kiểm sát giữ quyền công tố trình bày tại phiên toà ngày 22/01/2018 có kiến nghị thu hồi 6.126 tỷ (làm tròn) từ các ngân hàng BIDV, Sacombank, TPBank để khắc phục hậu quả, trong đó, cáo trạng xác định khoản tiền từ BIDV là 2.550 tỷ đồng (làm tròn).

BIDV tôn trọng ý kiến của đại diện Viện Kiểm sát nhưng khẳng định kiến nghị đó là không thuyết phục, có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động BIDV nói riêng và hệ thống ngân hàng, nền kinh tế của đất nước nói chung.

Việc cho vay, thu nợ của BIDV là tuân thủ quy định của pháp luật, thể hiện ở những điểm sau: BIDV thực hiện tuân thủ quy trình, quy định cho vay theo quy định của pháp luật:

Việc cho vay của BIDV đối với 12 Công ty hoàn toàn tuân thủ các điều kiện cho vay theo quy định tại Điều 7 Quy chế cho vay của tổ chức tín dụng đối với khách hàng ban hành kèm theo Quyết định số 1627/2001/QĐ-NHNN ngày 31/12/2001: Từ thẩm định khách hàng, đánh giá mục đích vay vốn, khả năng tài chính, phương án kinh doanh, cũng như biện pháp bảo đảm tiền vay.

Quy trình cấp tín dụng được thực hiện theo đúng quy trình hiện hành của ngân hàng: Trụ sở chính phê duyệt chủ trương và giao các Chi nhánh thực hiện tiếp nhận hồ sơ vay vốn, thẩm định khách hàng, phương án kinh doanh, xem xét quyết định cấp tín dụng, đảm bảo thu đủ nợ gốc và lãi.

Quá trình thực hiện, các Chi nhánh đều thực hiện đúng các bước theo quy định của pháp luật khi kiểm tra sử dụng vốn vay và thấy khách hàng sử dụng vốn vay sai mục đích, ngân hàng đã áp dụng các biện pháp theo đúng quy định pháp luật để thu hồi nợ vay.

Việc nhận tiền gửi và nhận cầm cố hợp đồng tiền gửi của VNCB tuân thủ theo quy định của pháp luật:

Việc gửi tiền trên liên ngân hàng của VNCB tại BIDV là hoạt động bình thường, được VNCB thực hiện nhiều lần với số tiền gửi lớn trước và sau khi VNCB giới thiệu 12 Công ty. Việc nhận tiền gửi của VNCB được thực hiện phù hợp với quy định tại Thông tư số 21/2012/TT-NHNN ngày 18/6/2012 và Thông tư số 01/2003/TT ngày 07/01/2013 của Ngân hàng Nhà nước.

Và theo yêu cầu của VNCB, ngày 05/05/2014 BIDV đã thực hiện tất toán và chuyển trả toàn bộ gốc, lãi của tiền gửi liên ngân hàng của VNCB theo quy định và VNCB cũng đã thực hiện hạch toán nhận lại khoản tiền gửi này theo đúng chế độ tài chính và chuẩn mực kế toán.

Theo đó,Tổ Giám định Ngân hàng Nhà nước xác định VNCB gửi tiền và BIDV nhận tiền là phù hợp với quy định của pháp luật.

BIDV thực hiện thu hồi nợ đúng quy định của pháp luật và thỏa thuận tại Hợp đồng tín dụng:

BIDV không tự động trích từ khoản tiền gửi của VNCB để thu nợ (khoản tiền gửi này đã được BIDV tất toán và chuyển trả đầy đủ cho VNCB trước đó).

BIDV không tự động trích tiền thu nợ của các Công ty mà do các Công ty tự chuyển trả: Sau khi kiểm tra sử dụng vốn vay sau giải ngân, do các Công ty này không thực hiện đúng cam kết nên các Chi nhánh BIDV đã yêu cầu các Công ty trả nợ trước hạn.

Tính đến ngày 05/5/2014, các Công ty này đã lập ủy nhiệm chi chuyển tiền từ tài khoản của các Công ty trả hết nợ gốc và lãi cho các Chi nhánh BIDV. Các Chi nhánh BIDV đã thu hết nợ gốc, lãi vay và tất toán, ký biên bản thanh lý hợp đồng tín dụng, hợp đồng bảo đảm.

 Theo BIDV, nếu thực hiện theo kiến nghị của Viện Kiểm sát thu hồi khoản tiền 2.550 tỷ đồng của BIDV thì sẽ xảy ra những hệ lụy sau:

Việc đặt vấn đề xem xét tính hợp pháp của nguồn trả nợ từ tài khoản của chính khách hàng vay sẽ làm thay đổi bản chất của quan hệ tín dụng, khi đó bất cứ việc thu hồi nợ nào của TCTD từ tài khoản của khách hàng cũng đòi hỏi phải chứng minh nguồn tiền trả nợ là hợp pháp. Khi đó, ai là người có trách nhiệm xác định nguồn tiền hợp pháp hay là phải kiến nghị NHNN là cơ quan quản lý nghiệp vụ hoạt động ngân hàng xác minh vấn đề này.

BIDV cho rằng, cần phải có phân tích và có quan điểm xuyên suốt, thấu triệt về vấn đề này, tạo hành lang pháp lý để các tổ chức tín dụng thực hiện cho vay và thu nợ, kích thích tăng trưởng tín dụng, thúc đẩy kinh tế phát triển. Việc không truy hồi các nguồn tiền đã thu nợ hợp pháp là phù hợp với thông lệ quốc tế và tạo sự an tâm cho các tổ chức tín dụng (kể cả các tổ chức tín dụng nước ngoài).

Thiệt hại xảy ra cho VNCB là thiệt hại tại Ngân hàng TMCP Xây dựng trước khi NHNN mua bắt buộc, thiệt hại này do các chủ sở hữu trước đây (ông Phạm Công Danh) gánh chịu. Và thực tế thiệt hại này do chính sai phạm của VNCB gây lên.

Và hậu quả là các Bị cáo đã phải chuyển quyền sở hữu ngân hàng (tư cách cổ đông) cho Nhà nước. Nếu thu hồi lại các khoản tiền này, liệu có tính đến quyền lợi của các Bị cáo là cổ đông tại thời điểm xảy ra tổn thất không. Và khoản tiền này có được tính bù đắp cho trách nhiệm của các Bị cáo trong vụ án không?

Như tất cả các TCTD, các ngân hàng khác được NHNN cấp phép cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán cho khách hàng theo Luật các TCTD, BIDV đã tuân thủ các quy định của pháp luật khi thu nợ của12 Công ty do VNCB giới thiệu trên cơ sở hoàn toàn trung thực và ngay tình. Do đó, nếu chấp nhận quan điểm của Đại diện VKS về việc thu hồi các khoản tiền đã thu nợ hợp pháp, hợp lệ, theo đúng thông lệ quốc tế và thông lệ thị trường nhất là khi khoản nợ đó đã được tất toán từ nhiều năm trước sẽ gây xáo trộn thị trường tài chính tín dụng.

Đặc biệt sẽ cản trở hoạt động thu hồi nợ của các TCTD, gây thiệt hại cho các TCTD khi mà các cán bộ ngân hàng có tâm lý e ngại vì sợ “thu nợ sai”, hoặc “sẽ không thu nợ vì không biết được nguồn gốc sâu xa của khoản tiền đó” trong khi rõ ràng, pháp luật không quy định và thực tế không thể và không buộc phải biết nguồn gốc của số tiền thu nợ đó.

Về phía BIDV, theo quy định pháp luật và thông lệ, các khoản tiền thu nợ đã được tổng hòa chung vào nguồn vốn hoạt động chung của ngân hàng và BIDV đã thực hiện phân bổ theo các cấu phần thu nhập, chi phí theo quy chế tài chính, trong đó bao gồm nhiều khoản chi trong năm 2014, 2015 như: trả tiền gửi, trả lãi tiền gửi huy động từ dân cư, chi trả lãi vay, chi nộp thuế và các khoản thực hiện nghĩa vụ ngân sách khác; chi trả cổ tức cho cổ đông (trong đó có cổ đông lớn nhất là nhà nước);...

Tất cả các khoản tiền thu nợ và việc phân bổ chi phí nêu trên đã được thực hiện hạch toán kế toán theo đúng quy định của pháp luật kế toán và ghi nhận tại các Báo cáo tài chính đã được kiểm toán hàng năm (do các Công ty kiểm toán quốc tế có uy tín thực hiện) đảm bảo tính khách quan và công khai minh bạch quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh.

Nếu đặt ra vấn đề này thì giải quyết hệ quả của các giao dịch, hạch toán nêu trên như thế nào?Các khoản vay đã được BIDV tất toán từ tháng 05/2014. Tại thời điểm trước khi tất toán, các khoản vay này đều được bảo đảm bằng các bất động sản có giá trị lớn của khách hàng vay và của bên thứ ba (các giao dịch bảo đảm tiền vay đã được thực hiện các thủ tục công chứng, đăng ký giao dịch bảo đảm theo đúng quy định để xác định thứ tự ưu tiên thanh toán cao nhất cho BIDV), tổng giá trị tài sản bảo đảm lớn hơn giá trị khoản vay.

Do khách hàng vay đã trả được nợ, nên BIDV đã thực hiện giải chấp các tài sản bảo đảm này theo đúng quy định. Vậy nếu đặt ra vấn đề thu hồi số tiền BIDV đã thu nợ trong vụ án này, liệu có khôi phục lại được và khôi phục như thế nào các quyền, quyền lợi dân sự của BIDV đối với khách hàng vay (quyền đòi nợ) và quyền của bên nhận thế chấp đối với các tài sản bảo đảm (khi các tài sản thế chấp này hiện có còn thuộc sở hữu của bên thế chấp hay không...

Việc này không chỉ ảnh hưởng đến quyền lợi của BIDV mà còn kéo theo rất nhiều những hệ lụy của các giao dịch liên quan đến các khách hàng vay và tài sản bảo đảm sau khi được giải chấp.

BIDV là Ngân hàng TMCP do nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối (trên 95% vốn điều lệ). Việc yêu cầu BIDV (Ngân hàng do Nhà nước sở hữu chi phối) phải chịu trách nhiệm với thiệt hại do các bị cáo gây ra cho VNCB theo đề nghị của Viện Kiểm sát sẽ xâm phạm đặc biệt nghiêm trọng đến lợi ích nhà nước, gây thiệt hại lớn cho nhà nước...

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
BIDV kiến nghị về khoản thu hồi 2.550 tỷ đồng vụ án Phạm Công Danh và đồng phạm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO