Sự xuất hiện của biến chủng Omicron đang đặt ra câu hỏi, liệu biến chủng này sẽ thay thế Delta hay báo hiệu đại dịch sắp kết thúc?
>> WHO kêu gọi nâng cao cảnh giác với biến chủng Omicron
Mới đây, ông Vladimir Nikoforov, chuyên gia trưởng bệnh truyền nhiễm thuộc Cơ quan Sinh học y tế Liên bang Nga nhận định sự xuất hiện của biến thể Omicron có thể là dấu hiệu đầu tiên dự báo đại dịch bước vào giai đoạn kết thúc. Cụ thể, theo chuyên gia này, bến thể mới có nguồn gốc từ miền nam châu Phi dễ lây nhiễm hơn (Delta), nhưng mặt khác có dữ liệu gợi ý rằng nó gây ra triệu chứng nhẹ hơn, tức không gây tổn thương nặng ở phổi.
"Tôi cho rằng đây có thể là sự khởi đầu cho đoạn kết của cơn ác mộng này. Tôi thật sự muốn lạc quan đây là dấu hiệu đầu tiên cho thấy virus bắt đầu thoái lui dần", ông Nikoforov trả lời trên Đài phát thanh Govorit Moskva. Nhiều khả năng, biến chủng Omicron có thể dẫn virus SARS-CoV-2 đi vào con đường trở thành căn bệnh cúm mùa trong tương lai.
Theo Cố vấn Y tế Trưởng của Nhà Trắng, Tiến sĩ Anthony Fauci cho biết, sau những số liệu ban đầu từ Nam Phi cho thấy nó có thể không tệ như lo ngại ban đầu, dữ liệu sơ bộ về mức độ nghiêm trọng của biến thể Omicron là "đáng khích lệ". Chuyên gia này chỉ ra, ở Nam Phi, biến chủng đã cho thấy ưu thế về sự lây nhiễm do độ phủ vaccine thấp”. Do đó, cho đến nay có vẻ như chưa có dấu hiệu cho thấy biến chủng này sẽ gây ra mức độ nghiêm trọng lớn.
Đáng chú ý, trong dữ liệu báo cáo sơ bộ ban đầu về biến chủng này, phần lớn bệnh nhân thuộc khu vực không phụ thuộc vào các biện pháp can thiệp y tế như thường thấy trong các đợt dịch trước, và hầu hết bệnh nhân được xác định nhiễm Covid-19 do đến khám một cách ngẫu nhiên hoặc nhập viện vì một lý do khác.
Trên thực tế, các chuyên gia dịch tế học đã nhận định, virus thường tiến hóa để dễ lây lan hơn, chứ không gây tử vong nhiều hơn. Virus muốn có nhiều bản sao virus con, chứ không muốn giết chết vật chủ một cách dễ dàng. Trước khi xuất hiện Omicron, các nhà khoa học từng đặt câu hỏi liệu Delta có phải "trạng thái đỉnh cao" của nCoV, khi virus được tối ưu hóa và ít đột biến hơn trong tương lai.
"Các biến chủng phù hợp hơn có thể sinh ra theo thời gian, nhưng chúng sẽ không xuất hiện mãi mãi. Trong tự nhiên, không có gì là vô hạn. Một lúc nào đó, virus sẽ đạt đến ngưỡng ‘lây nhiễm tuyệt đối’ (maximum transmission). Sau đó, đột biến mới không mang lại lợi thế lây nhiễm nữa. Virus ổn định, biến chủng cuối cùng này sẽ chiếm ưu thế và trở thành chủng trội, trải qua các thay đổi nhỏ lẻ và không thường xuyên", theo một nghiên cứu đăng tải trên Nature.
Tuy nhiên, một số ý kiến khác cho rằng, không nên quá lạc quan về những tín hiệu của Omicron. Venky Soundararajan, nhà khoa học tham gia nghiên cứu, giải thích bằng cách chèn đoạn mã di truyền vào chuỗi gene, Omicron có thể mô phỏng "trông thuộc về con người hơn" nhằm né tránh hệ miễn dịch.
>>Thêm nhiều cách thức mới đối phó với biến chủng Omicron
Đáng lo ngại, bản báo cáo từ châu Phi lưu ý rằng, một yếu tố khác biệt của biến chủng Omicron so với các biến chủng khác là cấu hình tuổi của người nhiễm bệnh. Phân tích 166 bệnh nhân nhập viện trong khoảng thời gian từ ngày 14 đến ngày 29 tháng 11, báo cáo cho thấy nhiều người nhập viện thuộc độ tuổi trẻ hơn và cũng có nhiều trẻ em nhiễm Covid-19 hơn.
“Trong hai tuần qua, không dưới 80% người nhập viện thuộc nhóm tuổi dưới 50 tuổi. Điều này phù hợp với hồ sơ độ tuổi nhập viện tại tất cả các bệnh viện công và tư ở Tshwane và khắp tỉnh Gauteng thuộc Nam Phi trong hai tuần qua ... 19% là trẻ em từ 0-9 tuổi và số lượng nhập viện cao nhất là trong nhóm 30-39 tuổi, chiếm 28% tổng số bệnh nhân, báo cáo nêu rõ.
Nhiều khả năng, sự gia tăng số lượng người trẻ tuổi nhập viện có thể là do tỷ lệ tiêm chủng thấp ở nhóm này. Tuy nhiên, đây cũng là một dấu hiệu đáng lưu ý để các nhà nghiên cứu mở rộng quan sát tại các nước đang có sự xuất hiện của biến chủng Omicron.
Như nhà khoa học tạo ra vaccine AstraZeneca Sarah Gilbert cảnh báo, có khả năng Covid-19 chưa phải đại dịch cuối cùng và con người có thể đối diện đại dịch chết chóc hơn. "Đây không phải lần cuối một loại virus đe dọa cuộc sống và sinh kế của chúng ta. Sự thật là đợt dịch tiếp theo có thể tồi tệ hơn. Nó có thể dễ lây hơn hoặc dễ gây chết người hơn hoặc cả hai", bà nhấn mạnh. Do đó, chuyên gia này khẳng định, cần tiếp tục vận dụng những tiến bộ khoa học để chuẩn bị cho đại dịch tiếp theo có thể xảy đến trong tương lai.
Có thể bạn quan tâm
WHO kêu gọi nâng cao cảnh giác với biến chủng Omicron
00:58, 05/12/2021
Thêm nhiều cách thức mới đối phó với biến chủng Omicron
07:13, 03/12/2021
Biến chủng Omicron có thật sự đáng sợ?
04:00, 03/12/2021
Biến chủng Omicron ảnh hưởng thế nào đến việc mở lại đường bay quốc tế?
20:30, 02/12/2021
Tranh cãi hiệu quả của vaccine COVID-19 với biến chủng Omicron
05:03, 02/12/2021