Việt Nam là một trong những nước bị ảnh hưởng nhiều nhất về biến đổi khí hậu. Đây là mối đe dọa nghiêm trọng nhất đối với công bằng xã hội hiện nay.
GS,TS Phạm Hồng Chương, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân nhấn mạnh tại Lễ công bố báo cáo về An sinh xã hội thế giới giai đoạn 2024-2026 do Trường Đại học Kinh tế Quốc dân phối hợp với Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tổ chức, ngày 30/10.
Theo GS,TS Phạm Hồng Chương, những năm gần đây Chính phủ Việt Nam đã có những bước tiến quan trọng hơn nữa nhằm tạo cơ sở cho việc từng bước mở rộng mức độ bao phủ an sinh xã hội, được thể hiện trong NQ 28-NQ/TW (năm 2018) về Cải cách chính sách bảo hiểm xã hội.
Nghị Quyết 42-NQ/TW (năm 2023) về Đổi mới chính sách xã hội, sửa đổi Luật BHXH (2024) và đang sửa đổi Luật BHYT và Luật Việc Làm.
“Những thay đổi này đưa Việt Nam tiếp cận gần hơn đến việc đạt được các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDGs), phù hợp với các Tiêu chuẩn Lao động Quốc tế (ILS) và các thông lệ quốc tế tốt nhất”, GS,TS Phạm Hồng Chương nói.
Tuy nhiên, GS,TS Phạm Hồng Chương đánh giá vẫn còn nhiều thách thức đối với việc mở rộng an sinh xã hội (ASXH) cho toàn dân, như thị trường lao động phi chính thức còn lớn và già hoá dân số nhanh trong điều kiện thu nhập trung bình. Đặc biệt, trong những năm gần đây biến đổi khí hậu đang nổi lên là một thách thức lớn.
“Việt Nam là một trong những nước bị ảnh hưởng nhiều nhất về biến đổi khí hậu. Điều này ảnh hưởng đến tất cả chúng ta và là mối đe dọa nghiêm trọng nhất đối với công bằng xã hội hiện nay”, GS,TS Phạm Hồng Chương nhấn mạnh.
Để đối phó với những thách thức đó, GS,TS Phạm Hồng Chương cho rằng ASXH toàn dân là công cụ hàng đầu hiện có giúp đảm bảo khủng hoảng khí hậu không làm gia tăng tình trạng bất bình đẳng và ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững.
Để tiếp tục thúc đẩy ASXH toàn dân ở Việt Nam, cần đổi mới chính sách ASXH, đảm bảo hệ thống chính sách ASXH phù hợp với tiêu chuẩn Lao động Quốc tế (ILS) và các thông lệ quốc tế tốt nhất, tập trung vào cách tiếp cận toàn diện và tích hợp đảm bảo rằng hệ thống ASXH của Việt Nam có thể giải quyết các thách thức hiện nay từ quá trình chuyển đổi số, biến đổi khí hậu, già hóa dân số, không bỏ ai lại phía sau.
“Đầu tư cân bằng cho cả tăng trưởng kinh tế và các chính sách xã hội mới sẽ giúp đạt mục tiêu trở thành nước thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và bao phủ ASXH toàn dân”, GS,TS Phạm Hồng Chương bày tỏ.
Bà Ingrid Christensen, Giám đốc Văn phòng Tổ chức Lao động Quốc tế tại Việt Nam (ILO Việt Nam) bình luận, trên toàn thế giới các xu hướng lớn như biến đổi khí hậu, xu hướng nhân khẩu học, phát triển công nghệ tiếp tục mang đến những thách thức mới cho xã hội, cũng như các nhà hoạch định chính sách và Việt Nam cũng không ngoại lệ.
“Đơn cử, cơn bão Yagi và Trami gần đây đã làm nổi bật tính dễ bị tổn thương của Việt Nam trước biến đổi khí hậu và các hiện tượng thời tiết cực đoan. Các mối nguy hiểm tự nhiên từ hai cơn bão này cũng như các đợt nắng nóng, hạn hán, lũ lụt đe dọa tài nguyên thiên nhiên như nước và các khu vực ven biển, các ngành kinh tế thiết yếu bao gồm nông nghiệp và năng lượng, phát triển đô thị, đồng thời cũng mang lại những tác động tiêu cực lâu dài”, bà Ingrid Christensen nói.
Vẫn theo bà Ingrid Christensen, dù có những tiến bộ và thành tựu đáng ghi nhận trong những thập kỷ gần đây, nhưng Việt Nam vẫn sẽ phải tiếp tục tăng cường cam kết đầu tư cho hệ thống bảo trợ xã hội để có thể tiếp tục tận dụng những tiến bộ kinh tế vượt trội của mình. Cải cách chính sách ASXH mạnh mẽ hơn là điều buộc phải có.
“Đây cũng là sự cần thiết cho sự phát triển kinh tế của Việt Nam và để thành quả của sự phát triển mà Việt Nam đạt được được phân bổ công bằng và hợp lý, không ai bị ở lại phía sau”, bà Ingrid Christensen khẳng định.
Ông Nguyễn Hải Đạt, Điều phối Chương trình ASXH Văn phòng ILO tại Việt Nam đề xuất cần đầu tư nhiều hơn cho ASXH khi đưa ra con số: “Thế giới cần thêm 1.400 tỷ USD hay 3,3% GDP để bao phủ ASXH. Trong đó Châu Á- Thái Bình Dương cần 554 tỷ USD hay 2,0% GDP”.
ASXH toàn dân là công cụ hàng đầu giúp đảm bảo rằng khủng hoảng khí hậu không làm gia tăng tình trạng bất bình đẳng và ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững.
“Do đó, phải mở rộng hệ thống ASXH hiện có và thúc đẩy ASXH toàn dân. Cần mở rộng nhanh và bao phủ cho người lao động cả lao động khu vực phi chính thức, lao động nền tảng và lao động di cư”, ông Nguyễn Hải Đạt nhấn mạnh.