Kinh tế địa phương

Bình Đại (Bến Tre) tăng tốc phát triển về hướng Đông

Bích Ngọc 21/09/2024 16:00

Với ưu thế có hơn 27km đường bờ biển, Bình Đại xác định kinh tế biển là ngành kinh tế mũi nhọn của huyện.

Dây chuyền sản xuất tại Công ty Cổ Phần Chế Biến Thủy Sản Trường Long, huyện Bình Đại
Dây chuyền sản xuất tại Công ty Cổ Phần Chế Biến Thủy Sản Trường Long, huyện Bình Đại.

Đẩy mạnh thu hút đầu tư, tập trung phát triển kinh tế biển, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thủy sản theo hướng nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh cho sản phẩm, thích ứng biến đổi khí hậu, đang được huyện Bình Đại triển khai quyết liệt.

Tập trung phát triển kinh tế thủy sản bền vững

Huyện Bình Đại đã quy hoạch vùng nuôi tập trung và đánh bắt thủy sản xa bờ gắn với đầu tư xây dựng, hoàn thiện đồng bộ cơ sở hạ tầng, nhất là hệ thống thủy lợi, điện, đường giao thông, góp phần phục vụ tốt nhu cầu sản xuất của người dân.

Hàng năm, huyện duy trì diện tích nuôi thủy sản trên 18.000ha, chủ yếu là nuôi tôm, với nhiều hình thức, như: nuôi thâm canh và bán thâm canh, nuôi xen rừng, nuôi tôm - lúa, nuôi quảng canh cải tiến, nuôi ứng dụng công nghệ cao .

Hiện toàn huyện đã phát triển diện tích nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao là 1.737ha, tại các vùng nuôi tập trung thuộc các xã: Thừa Đức, Thới Thuận, Thạnh Phước, Bình Thắng, Đại Hòa Lộc. Tổng sản lượng thủy sản năm 2023 đạt 90.101 tấn.

Bà Bùi Thị Huyền Trang, Chủ tịch UBND huyện Bình Đại cho biết, đánh bắt thủy sản được huyện phát triển mạnh theo hướng khai thác xa bờ, duy trì tổng số tàu 1.166 chiếc, trong đó 580 tàu đánh bắt xa bờ. Huyện đã cấp phép 777 tàu khai thác, cấp giấy đăng kiểm 607 tàu cá và có 100% tàu lắp đặt thiết bị giám sát hành trình. Năm 2023, sản lượng khai thác hải sản của huyện đạt trên 86.000 tấn… Bên cạnh đó, nghề chế biến hải sản được duy trì và phát triển trong các hộ dân và ngày càng có nhiều doanh nghiệp đầu tư chế biến, xuất khẩu. Sản phẩm chủ yếu là tôm khô, cá khô các loại, mắm tôm chua…

Thực hiện chủ trương phát triển kinh tế hướng Đông của tỉnh, huyện phấn đấu duy trì và phát triển giữ mức tổng diện tích nuôi thủy sản 18.200ha, tổng sản lượng nuôi đạt 90.000 tấn. Trong đó, tiếp tục nhân rộng và phát triển diện tích nuôi tôm biển ứng dụng công nghệ cao tập trung tại các vùng có điều kiện trên địa bàn huyện đạt diện tích 2.000ha đến năm 2025.

Đặc biệt, phấn đấu xây dựng cơ bản chuỗi giá trị tôm biển liên kết được đầu vào và đầu ra cho sản phẩm tôm biển, tăng năng suất, giá trị con tôm. Củng cố và phát triển các hình thức liên kết sản xuất, liên kết các khâu khai thác, thu mua, tiêu thụ thủy sản theo chuỗi giá trị. Tuyên truyền cho ngư dân thực hiện nghiêm quy định về đánh bắt và truy xuất nguồn gốc thủy sản…

Huy động nguồn lực đầu tư, phát triển hạ tầng

Theo bà Bùi Thị Huyền Trang, huyện Bình Đại đã và đang tập trung huy động mọi nguồn lực để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, phù hợp với quy hoạch và đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế biển. Trong đó, tập trung phát triển hạ tầng giao thông, thủy lợi, điện, nước sạch đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch, công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, ưu tiên phát triển công nghiệp chế biến để nâng cao giá trị nông sản.

Huyện cũng tập trung phối hợp với các sở, ngành tỉnh triển khai nhanh hạ tầng khu công nghiệp (KCN) Phú Thuận để mời gọi doanh nghiệp vào đầu tư phát triển công nghiệp; mời gọi đầu tư cụm công nghiệp Bình Thới. Triển khai các dự án hạ tầng vùng nuôi thủy sản và các công trình, dự án giao thông, thủy lợi trên địa bàn như: Đường từ cảng Giao Long đến KCN Phú Thuận, Đường Bắc Nam phục vụ KCN Phú Thuận và Cụm công nghiệp Phong Nẫm liên huyện Bình Đại - Giồng Trôm; nâng cấp, mở rộng mặt đường, hệ thống thoát nước và bó vỉa đường huyện ĐH.57, Dự án Âu thuyền An Hóa… từng bước hoàn thiện các tuyến giao thông trọng điểm trong phát triển đô thị và huyện nông thôn mới.

Đồng thời, phối hợp triển khai hoàn thành các công trình đường dây 110 KW từ Giao Long - Phú Thuận, Phú Thuận - Bình Thới, Trạm 110kV Phú Thuận và các công trình nâng cấp hạ tầng điện phục vụ sản xuất và sinh hoạt của nhân dân…

Huyện cũng đang triển khai thực hiện Quy hoạch tỉnh và quy hoạch xây dựng vùng huyện Bình Đại giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030 huyện Bình Đại phù hợp với điều kiện phát triển từng vùng, địa phương.

Trong đó, tập trung mời gọi, tạo điều kiện thu hút các doanh nghiệp đầu tư phát triển diện tích nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao, đảm bảo cung ứng nguyên liệu cho các nhà máy chế biến thủy sản trong và ngoài tỉnh. Tập trung phát triển du lịch gắn với phát triển kinh tế biển và bảo vệ môi trường, mời gọi đầu tư phát triển các khu du lịch: Thừa Đức, Cồn Chài Mười, Cồn nổi Phú Long…

Cùng với hỗ trợ nhà đầu tư triển khai hoàn thành Dự án Nhà máy điện gió Sunpro, nhà máy điện gió số 19, số 20, Bình Đại tiếp tục mời gọi thu hút đầu tư phát triển năng lượng tái tạo (điện gió), đóng góp tích cực vào nguồn cung cấp điện quốc gia và phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo vệ môi trường.

“Phát triển về hướng Đông sẽ là định hướng xuyên suốt để xây dựng Bình Đại trở thành một trong những trung tâm phát triển đô thị, du lịch, kinh tế - xã hội ven biển, đóng góp quan trọng vào sự phát triển chung của tỉnh Bến Tre” – bà Bùi Thị Huyền Trang nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Bình Đại (Bến Tre) tăng tốc phát triển về hướng Đông
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO