Bình Dương cần cơ chế riêng phát triển nhà ở xã hội

ĐAN THANH 21/07/2024 16:41

UBND tỉnh Bình Dương đề nghị cần có chính sách tăng mức biên lợi nhuận cho chủ đầu tư nhà ở xã hội, tạo điều kiện cho nhà đầu tư, người mua được tiếp cận nguồn vốn thuận lợi hơn.

>>> Vì sao khó đạt chỉ tiêu 130.000 căn nhà ở xã hội trong năm nay?

Chính phủ giao chỉ tiêu cho Bình Dương phát triển 86.877 căn nhà ở xã hội trong giai đoạn 2021-2030, tuy nhiên, Bình Dương đã nâng cao mục tiêu này khi dự kiến đầu tư khoảng 160.325 căn.

Xem xét có chính sách tăng mức biên lợi nhuận cho chủ đầu tư

Bình Dương đang triển khai nhiều kế hoạch tạo điều kiện cho người lao động tiếp cận nhà ở giá rẻ

UBND tỉnh Bình Dương đã phê duyệt Đề án phát triển nhà ở xã hội và nhà ở công nhân cho giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Đề án này được triển khai sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt kế hoạch xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp và công nhân khu công nghiệp trong giai đoạn 2021-2030.

Chính phủ giao chỉ tiêu cho Bình Dương phát triển 86.877 căn nhà ở xã hội so với dự báo nhu cầu là 115.836 căn trong giai đoạn 2021-2030. Tuy nhiên, Bình Dương đã nâng cao mục tiêu này.

Theo Đề án phát triển nhà ở xã hội và nhà ở công nhân của tỉnh, Bình Dương dự kiến đầu tư khoảng 160.325 căn, bao gồm 155.289 căn chung cư và 5.036 căn nhà liền kề; trong đó, có khoảng 32.065 căn dành cho thuê.

Tổng diện tích đất dự kiến sử dụng cho việc phát triển nhà ở xã hội là khoảng 470,4ha, với diện tích sàn xây dựng ước tính đạt 9.253.924m2. Tổng mức đầu tư cho dự án này ước tính khoảng 84.756 tỷ đồng, vượt qua chỉ tiêu mà Chính phủ đã giao.

Trong giai đoạn 2021-2025, Bình Dương sẽ bố trí khoảng 136,1ha đất và đầu tư hoàn thành khoảng 42.445 căn nhà ở xã hội, đáp ứng nhu cầu cho khoảng 138.326 người dân, với tổng mức đầu tư khoảng 23.817 tỷ đồng.

>>Nguồn vốn vay mua nhà ở xã hội vẫn khó tiếp cận

Trong giai đoạn 2026-2030, tỉnh sẽ bố trí khoảng 334,3 ha đất và đầu tư hoàn thành khoảng 117.880 căn nhà ở xã hội, đáp ứng cho khoảng 414.132 người dân, với tổng mức đầu tư khoảng 60.939 tỷ đồng. 

Xem xét có chính sách tăng mức biên lợi nhuận cho chủ đầu tư nhà ở xã hội.

Xem xét có chính sách tăng mức biên lợi nhuận cho chủ đầu tư nhà ở xã hội. Ảnh: LV

Theo UBND tỉnh Bình Dương, việc phát triển nhà ở xã hội trên địa bàn còn gặp một số khó khăn như: trình tự thủ tục đầu tư xây dựng, mua - bán còn phức tạp và kéo dài. Việc xác định giá trước khi thực hiện bán, cho thuê, cho thuê mua đối với nhà ở xã hội đầu tư xây dựng bằng nguồn vốn ngoài ngân sách phải được cơ quan nhà nước cấp tỉnh thẩm định cũng gây kéo dài thời gian, tốn kém cho doanh nghiệp. Các chính sách ưu đãi cho chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân chưa đủ hấp dẫn. 

Một số doanh nghiệp cho biết gặp nhiều vướng mắc khi triển khai các dự án nhà ở xã hội như: việc bố trí quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội; thủ tục xác nhận đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội và thực trạng nhà ở.

Nguồn vốn vay ưu đãi thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội chỉ đáp ứng được một phần nhỏ nhu cầu của các đối tượng, trong khi vốn vay qua ngân hàng thương mại lại có lãi suất cao so với thu nhập của các đối tượng mua nhà ở xã hội.

Doanh nghiệp cho rằng trình tự, thủ tục đầu tư dự án nhà ở xã hội phức tạp, kéo dài hơn so với dự án nhà ở thương mại, các chính sách hỗ trợ không phát huy hiệu quả. Do đó, các doanh nghiệp kiến nghị sớm ban hành, hướng dẫn chi tiết, đồng bộ các thủ tục liên quan đến phát triển nhà ở xã hội để địa phương và doanh nghiệp phối hợp thuận lợi trong quá trình triển khai; sửa đổi, bổ sung chính sách ưu đãi, khuyến khích phát triển nhà ở xã hội, có quy định để được đầu tư linh hoạt hơn.

Xem xét có chính sách tăng mức biên lợi nhuận cho chủ đầu tư; mở rộng diện khách hàng được mua nhà ở xã hội; tạo điều kiện cho nhà đầu tư, người mua được tiếp cận nguồn vốn thuận lợi hơn.

Bên cạnh đó, UBND tỉnh Bình Dương cũng kiến nghị, cho phép các nhà đầu tư trong các khu công nghiệp được phép mua nhà ở xã hội để bố trí cho công nhân của mình ở hoặc thuê, khuyến khích và huy động nhiều nguồn vốn đầu tư phát triển nhà ở xã hội; ban hành cơ chế riêng đối với trình tự, thủ tục thực hiện dự án phát triển nhà ở xã hội nhằm thu hút các nhà đầu tư tham gia phát triển; có cơ chế khuyến khích đối với hộ gia đình, cá nhân tham gia đầu tư xây dựng nhà ở cho thuê theo mô hình nhà ở xã hội, để nâng cao chất lượng nhà ở cho thuê, phục vụ tốt hơn chất lượng sống cho người lao động. 

Có thể bạn quan tâm

  • Mục tiêu 130.000 căn nhà ở xã hội: Tăng tốc về đích

    Mục tiêu 130.000 căn nhà ở xã hội: Tăng tốc về đích

    06:58, 21/07/2024

  • Tăng nguồn cung nhà ở xã hội

    Tăng nguồn cung nhà ở xã hội

    05:00, 21/07/2024

  • Hải Phòng đi đầu về phát triển nhà ở xã hội

    Hải Phòng đi đầu về phát triển nhà ở xã hội

    03:00, 20/07/2024

  • Phát triển nhà ở xã hội tại TP.HCM: Khó chồng khó

    Phát triển nhà ở xã hội tại TP.HCM: Khó chồng khó

    05:00, 19/07/2024

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Bình Dương cần cơ chế riêng phát triển nhà ở xã hội
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO