Mới đây, hàng chục khách hàng đã tập trung trước trụ sở một công ty tại Bình Dương tố doanh nghiệp lừa bán dự án ma, lừa đảo khách hàng, đồng thời cầu cứu UBND tỉnh xem xét giải quyết vụ việc.
Theo phản ánh của khách hàng, từ đầu năm 2019, các khách hàng này được CTCP Đầu tư xây dựng và phát triển địa ốc Ba Thành Phát và một số đơn vị môi giới giới thiệu mua bán đất tại dự án Khu nhà ở Thành Phát City 1, địa chỉ tại Đường N4, thị xã Lai Hưng, Bàu Bàng, Bình Dương.
Dự án được giới thiệu có quy mô 8ha được chia làm 465 nền, với giá chỉ từ 379-450 triệu/nền. Việc thanh toán được tiến hành theo 5 đợt: Đợt 1 đặt cọc 50 triệu, đợt 2 thanh toán từ 2 – 40%, đợt 3 thanh toán 15%, đợt 4 thanh toán 15%, đợt 5 thanh toán số tiền còn lại, cam kết sổ đỏ riêng từng nền.
Người mua đất ở đây chủ yếu là công nhân tại các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Dương. Họ đã mua đất nền và đóng tiền cho công ty Ba Thành Phát đến 3 đợt, tổng số tiền mỗi người từ 165 triệu đồng/nền.
Tuy nhiên, cho đến nay doanh nghiệp này vẫn không triển khai xây dựng hạ tầng dự án như cam kết, người mua bất an nên tìm đến cơ quan chính quyền để hỏi thì mới ngã ngửa đây là một "dự án ma".
Theo đại diện Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương, cơ quan chức năng chưa từng cấp phép cho dự án Thành Phát City 1. Đặc biệt, trước đây công ty Ba Thành Phát đã có nộp hồ sơ xin cấp phép xây dựng dự án, tuy nhiên hồ sơ đã bị trả lại do không phù hợp với quy hoạch.
Đồng thời, đại diện UBND huyện Bàu Bàng, nơi "dự án" này đóng đô cũng khẳng định UBND huyện Bàu Bàng chưa từng nhận được hồ sơ xin phê duyệt mặt bằng tổng thể chi tiết tỉ lệ 1/500 dự án Thành Phát City 1 của Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng và Phát triển Địa ốc Ba Thành Phát Bình Dương.
Theo hợp đồng mà công ty ký với khách hàng, Ba Thành Phát cho rằng căn cứ vào văn bản số 1210/UBND- KTN ngày 26/3/2018 của UBND tỉnh Bình Dương về việc chấp thuận chủ trương chuyển giao dự án Khu đô thị Thành Phát City 1 cho Công ty cổ phần đầu tư xây dựng và phát triển địa ốc Ba Thành Phát Bình Dương làm chủ đầu tư.
Thực tế theo tìm hiểu của phóng viên, Công ty Ba Thành Phát được Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Dương cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần đầu vào ngày 26/10/2018, với vốn điều lệ 30 tỷ đồng. Trụ sở đăng ký Lô B, đường Đồng Khởi, phường Hòa Phú, TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương. Tức là theo dự án này, dự án được cấp phép trước khi thành lập công ty tận 6 tháng.
Trao đổi với phóng viên, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM cho rằng, các dự án “ma” tập trung nhiều tại vùng ven TP.HCM và một số tỉnh như Bà Rịa-Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, Long An vì nhu cầu đất nền tại khu vực này rất lớn.
Thủ đoạn của các dự án “ma” là các đối tượng lừa đảo tìm nhiều khu đất có diện tích từ vài ngàn mét vuông theo hình thức hợp tác đầu tư với chủ sử dụng đất hoặc mua đất nông nghiệp giá rẻ, thậm chí chiếm đất công rồi tự vẽ ra dự án với tên gọi mỹ miều. Sau đó, cho nhân viên mang phát tờ rơi trên đường, quảng cáo trên mạng… bán đất nền. Các nạn nhân dù chưa tìm hiểu kỹ pháp lý của dự án nhưng do hám rẻ đã vội vàng xuống tiền.
Giải pháp trị tình trạng dự án ma, theo ông Lê Hoàng Châu, trước tiên là chính quyền các phường, xã, quận, huyện… cần thiết lập một hệ thống cung cấp thông tin quy hoạch dễ tiếp cận, dễ hiểu cho người dân. Tiếp đến là các phương tiện thông tin đại chúng cần truyền thông kịp thời khi phát hiện những dự án sai phạm để cảnh báo người dân.
Một biện pháp mạnh đang được một số chính quyền địa phương áp dụng là cưỡng chế hành chính, thậm chí truy cứu trách nhiệm của những cá nhân cố tình thực hiện những hành vi có tính chất lừa dối khách hàng.
“Người dân cần phải tỉnh táo, tìm hiểu kỹ pháp lý về dự án cũng như doanh nghiệp rao bán bất động sản. Trường hợp đã phát hiện có dấu hiệu lừa đảo, người dân phải trình báo cơ quan chức năng sớm nhất hoặc khởi kiện ra tòa để bảo vệ quyền lợi của mình” - ông Châu nhấn mạnh.
Có thể bạn quan tâm