Bình Dương hiện là một trong những địa phương phát triển nhất của khu vực phía Nam và cả nước với sự hình thành 33 KCN, 12 CCN tập trung gắn kết với việc thu hút các NĐT, DN, đặc biệt là các DN FDI.
Bình Dương đã và đang thực hiện đa dạng hóa nguồn lực đầu tư. Trong đó, đặc biệt thu hút đầu tư từ các thị trường và đối tác tiềm năng, chú trọng các nước phát triển hàng đầu thế giới, các tập đoàn xuyên quốc gia nắm giữ công nghệ tiên tiến và trình độ quản trị hiện đại.
Bình Dương hiện là một trong những địa phương phát triển năng động nhất của khu vực phía Nam và cả nước với sự hình thành 33 khu công nghiệp, 12 cụm công nghiệp tập trung gắn kết với việc thu hút các nhà đầu tư, doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp FDI.
Ưu tiên các ngành công nghệ cao
Báo cáo của UBND tỉnh Bình Dương cho thấy, 5 tháng đầu năm 2024, tỉnh Bình Dương đã thu hút 27.253 tỷ đồng vốn đăng ký kinh doanh, tăng 12,1% so với cùng kỳ, gồm 2.693 doanh nghiệp đăng ký mới, 472 doanh nghiệp tăng vốn. Đầu tư FDI thu hút 588,7 triệu USD, trong đó có 81 dự án đầu tư mới với số vốn 299,3 triệu USD, 61 dự án điều chỉnh tăng vốn với 282,8 triệu USD. UBND tỉnh Bình Dương đã chấp thuận chủ trương đầu tư 7 dự án với tổng vốn đầu tư khoảng 35.907 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Lộc Hà, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, “kim chỉ nam” thu hút đầu tư của tỉnh trong giai đoạn mới là ưu tiên các ngành công nghệ cao, chip bán dẫn, năng lượng xanh, kinh tế tuần hoàn, tạo ra giá trị gia tăng cao; đặc biệt là thu hút đầu tư vào Khu công nghiệp Khoa học - Công nghệ trên nền tảng công nghiệp 4.0. Bên cạnh đó, tỉnh ưu tiên đẩy mạnh thu hút nguồn lực cho dịch vụ tài chính, logistics và các dịch vụ hiện đại khác.
Để tạo lực hút nguồn vốn đầu tư thế hệ mới, tỉnh Bình Dương chú trọng việc quy hoạch vành đai công nghiệp gắn với vành đai giao thông. Đến nay, tỉnh đã quy hoạch khoảng 16.000 ha đất công nghiệp mới để hình thành vành đai công nghiệp thế hệ mới dọc theo các dự án đường vành đai, cao tốc đi qua địa bàn, từ đó tạo ra động lực và không gian phát triển mới cho địa phương.
Để phát triển vành đai đô thị, dịch vụ dọc theo các vành đai giao thông, Bình Dương đã đưa vào quy hoạch khoảng 18.000 ha đất đô thị, dịch vụ. Cùng với đó, tỉnh định hướng phát triển các đô thị theo mô hình TOD và mô hình Khu liên hợp công nghiệp - đô thị - dịch vụ. Bên cạnh đó, Bình Dương đã làm việc với Bộ Thông tin và Truyền thông về việc thành lập Khu công nghệ thông tin tập trung (khoảng 50 ha, đã có đất sạch), để thu hút các nhà đầu tư công nghệ cao, công nghệ chip bán dẫn, vi mạch điện tử…
Năm 2023 Chỉ số cải cách hành chính (PAR Index ) của tỉnh Bình Dương đạt 87,64%, đứng thứ 24/63 tỉnh, thành, tăng 11 bậc so với năm 2022.
Đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư
Bình Dương là một trong những tỉnh, thành top đầu cả nước về thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp, xuất khẩu và đóng góp ngân sách Nhà nước. Vị thế đó có được một phần nhờ tỉnh đã phát huy tối đa những lợi thế, vận dụng các cơ chế chính sách thông thoáng cho doanh nghiệp, đặc biệt là chú trọng cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư tạo thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh.
Công tác cải cách hành chính của tỉnh Bình Dương tính đến tháng 5/2024 đạt nhiều kết quả ấn tượng. Cụ thể, tỉnh đã cắt giảm 30% số lượng thủ tục hành chính, đơn giản hóa 80% số thủ tục hành chính còn lại. 100% thủ tục hành chính được cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4,95% thủ tục hành chính được tích hợp vào Trung tâm Dịch vụ hành chính công tỉnh.
Những kết quả tích cực này đã góp phần đưa Chỉ số cải cách hành chính năm 2023 của tỉnh đạt 87,64/100 điểm, đứng thứ 24/63 tỉnh, thành phố trong cả nước, tăng 11 bậc so với năm 2022.
Tỉnh Bình Dương cũng đã thành lập Ban Chỉ đạo cải cách hành chính, Chuyển đổi số, Đề án 06 và xây dựng thành phố thông minh Bình Dương để tăng cường công tác chỉ đạo, kết nối các nhiệm vụ. Trên cơ sở đó, phát huy vai trò người đứng đầu trong công tác cải cách thủ tục hành chính (TTHC), giải quyết TTHC, nhất là trên nền tảng số để góp phần thực hiện tốt Bộ Chỉ số 766 gắn với chuyển đổi số và nhận diện thương hiệu với mục tiêu “hành chính phục vụ, người dùng là trung tâm”. Tỉnh cũng đẩy mạnh quy trình điện tử, quy trình nội bộ trong việc giải quyết TTHC và liên thông điện tử; công bố TTHC đúng hạn, cập nhật công khai TTHC, dịch vụ công trực tuyến trên Cổng dịch vụ công của tỉnh và Cổng dịch vụ công quốc gia.
Bên cạnh đó, Bình Dương tiếp tục quan tâm thực hiện tốt cơ chế một cửa, một cửa liên thông ở cả 3 cấp, nâng cao hiệu quả hoạt động của Trung tâm Hành chính công tỉnh, Trung tâm phục vụ hành chính công cấp huyện và bộ phận “một cửa” cấp xã theo hướng hiện đại, chuyên nghiệp; chú trọng đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị để phục vụ tốt và tạo sự hài lòng cho người dân, doanh nghiệp…
Những nỗ lực phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước các cấp tại Bình Dương để lại nhiều dấu ấn đậm nét về sự hài lòng của người dân, tổ chức, góp phần nâng cao chất lượng chỉ đạo, điều hành hoạt động của chính quyền các cấp, nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo môi trường đầu tư thông thoáng và đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.
Có thể bạn quan tâm
Ông Phan Tấn Đạt được bầu làm Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp khoáng sản tỉnh Bình Dương
16:25, 03/11/2023
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương đối thoại với thanh niên về việc làm, khởi nghiệp
16:11, 28/11/2022
Vụ chôn rác thải quy mô lớn: Tỉnh Bình Dương không dung túng sai phạm về môi trường
17:00, 04/09/2022