Bình Dương tiếp tục cải thiện mạnh mẽ hơn nữa môi trường kinh doanh, môi trường đầu tư, nâng cao hơn nữa năng lực cạnh tranh để thu hút các nhà đầu tư đến với Bình Dương.
Đó là khẳng định của ông Võ Văn Minh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương.
Ông Võ Văn Minh cho biết, với quyết tâm xây dựng chính quyền phục vụ, lấy doanh nghiệp và người dân làm trung tâm, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh tại tỉnh được xác định là khâu trọng yếu.
- Thưa ông, đâu là những giải pháp căn cơ giúp tỉnh xây dựng một môi trường đầu tư thông thoáng, minh bạch và nổi bật so với trong khu vực?
Năm 2021, mặc dù bị ảnh hưởng bởi COVID-19, Bình Dương vẫn tiếp tục được xếp trong nhóm các tỉnh/thành có chất lượng điều hành “tốt” với 69,61 điểm, xếp thứ 6 trong 63 tỉnh thành trên cả nước, dẫn đầu khu vực Đông Nam Bộ.
Không chỉ được thể hiện qua thứ hạng hay những chỉ số thành phần, nỗ lực của Bình Dương còn được thể hiện qua sự điều hành, chỉ đạo quyết liệt và sát sao của lãnh đạo tỉnh. Điển hình, từ đầu năm đến nay, mặc dù tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp đang có sự phục hồi tích cực, tuy nhiên vẫn còn khó khăn nhất định.
>>> Bình Dương: Tập trung hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi phát triển sản xuất
Để hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp, tỉnh đã tập trung chỉ đạo các cấp, các ngành thường xuyên theo dõi, bám sát tình hình của doanh nghiệp để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận các gói chính sách về miễn, giảm, giãn thuế, phí, tiền thuê đất, tiếp cận nguồn vốn vay, giảm lãi suất, cơ cấu lại thời hạn trả nợ... Đặc biệt, mới đây tỉnh đã tổ chức hội nghị tiếp xúc giữa lãnh đạo tỉnh với các hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp đầu tư trong nước để lắng nghe, tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn.
Trong 8 tháng năm 2022, thu hút FDI của Bình Dương đạt 2,56 tỷ USD, tăng 72% so với cùng kỳ năm 2021; Thu hút đầu tư trong nước đạt 62.359 tỷ đồng (tương đương hơn 2,6 tỷ USD, tăng 2,1% so với cùng kỳ năm 2021).
- Sự phát triển mạnh mẽ của ngành công nghiệp đã góp phần đưa Bình Dương lên vị trí thứ 2 cả nước về thu hút vốn FDI. Ông có thể chia sẻ đôi nét về điều này?
Những năm qua, Bình Dương luôn lấy công nghiệp làm nền tảng đột phá mà hạt nhân là xây dựng kết cấu hạ tầng các khu công nghiệp gắn với đô thị hóa. Từ lợi thế về hạ tầng phát triển công nghiệp, tỉnh đã triển khai nhiều dự án công nghiệp và đô thị. Điển hình là Khu liên hợp Công nghiệp Dịch vụ Đô thị, trong đó Trung tâm Hành chính tỉnh Bình Dương được quy hoạch và đầu tư theo hướng đạt trình độ đẳng cấp quốc tế và trình độ phát triển theo tiêu chí đô thị sinh thái ứng dụng công nghệ cao, cũng là hạt nhân kết nối với nhiều tuyến giao thông quan trọng của tỉnh, của cả nước.
Trong 8 tháng của năm 2022, chỉ số sản xuất công nghiệp của tỉnh tăng 8,4% so với cùng kỳ. Bên cạnh sự thích ứng nhanh của cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn, kết quả trên có được còn nhờ hàng loạt giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, khơi thông thị trường. Để tiếp tục đẩy mạnh phát triển công nghiệp giai đoạn tới, Bình Dương đang tăng cường hơn nữa quỹ đất cho phát triển KCN, kịp thời đón đầu những dự án lớn. Tỉnh cũng ưu tiên thu hút đầu tư những dự án công nghệ cao, công nghệ sạch, sử dụng ít lao động, có giá trị gia tăng cao, các ngành công nghiệp phụ trợ và dịch vụ hỗ trợ công nghiệp, đô thị…
- Báo cáo Chỉ số PCI 2021 cho thấy, cơ sở hạ tầng là điểm sáng của Bình Dương và được đánh giá tốt nhất cả nước trong nhiều năm qua. Để tiếp tục đầu tư phát triển hạ tầng, Bình Dương đang tập trung vào các dự án nào, thưa ông?
Bình Dương đã và đang tiếp tục huy động các nguồn lực để đầu tư kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, đặc biệt là hạ tầng giao thông kết nối các tỉnh thành trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam; Thực hiện Đề án Thành phố thông minh gắn với xây dựng Vùng đổi mới sáng tạo...
Bình Dương cũng đang đẩy nhanh tiến độ các dự án giao thông kết nối liên vùng. Theo đó, tỉnh Bình Dương và TP.Hồ Chí Minh đang phối hợp triển khai các dự án giao thông kết nối, như: cầu Bình Triệu 1, cầu Bình Phước 1; Rà soát vị trí cầu bắc qua sông Sài Gòn trên đường Vành đai 4; nút giao thông Sóng Thần; kết nối đường An Bình - Đào Trinh Nhất đến đường Phạm Văn Đồng; kết nối Quốc lộ 1A, Quốc lộ 13…; Phối hợp lập báo cáo tiền khả thi dự án đường cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành... Tỉnh Bình Dương cũng phối hợp với tỉnh Đồng Nai rà soát, cập nhật quy hoạch đảm bảo phù hợp, thông suốt các dự án giao thông kết nối hai địa phương như: Cầu Hiếu Liêm, cầu Thạnh Hội 2, trục giao thông ĐT.747 - Bùi Hữu Nghĩa - ĐT.743a, hệ thống đường bộ kết nối giữa TP.Biên Hòa với TP.Dĩ An…
- Xin trân trọng cảm ơn ông!
Có thể bạn quan tâm