Kinh tế địa phương

Bình Phước: Điểm sáng trong phát triển kinh tế

Phương Anh 28/12/2024 13:44

Năm thứ 2 liên tiếp, Bình Phước đạt mức tăng trưởng GRDP cao nhất vùng Đông Nam Bộ và thứ 11 cả nước; sản xuất công nghiệp tăng 17,49%, xuất siêu 1,7 tỷ USD…

Năm 2024, Bình Phước thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ trong bối cảnh tỉnh còn nhiều khó khăn, thách thức, khi tình hình thế giới tiếp tục diễn biến nhanh, khó lường, trong nước có những vấn đề tồn đọng nhiều năm, thiên tai gây thiệt hại nặng nề ở nhiều địa phương… Song với sự đoàn kết, quyết tâm cao độ của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Bình Phước, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh tiếp tục phục hồi tích cực và đạt được những kết quả quan trọng, toàn diện trên các lĩnh vực.

OIC BP
Trung tâm điều hành thông minh IOC tỉnh Bình Phước

Năm 2024, Bình Phước có tốc độ tăng trưởng GRDP cao nhất khu vực Đông Nam Bộ, xếp thứ 11 trong cả nước, với quy mô nền kinh tế ước đạt 115.357 tỷ đồng, tăng 9,32% (năm 2023, Bình Phước tăng trưởng kinh tế 8,34%, cũng đứng đầu Đông Nam Bộ, đứng thứ 11 và gấp khoảng 1,5 lần so với mức trung bình chung cả nước).

Tình hình an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội và an ninh biên giới trên địa bàn tỉnh tiếp tục được giữ vững, ổn định, không xảy ra tình huống phức tạp, bị động. Công tác đối ngoại tiếp tục duy trì và mở rộng quan hệ hữu nghị, hợp tác với các nước, trong đó nổi bật là tỉnh đã thành lập tổ công tác thúc đẩy hoạt động giao lưu, hợp tác, xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch với các địa phương và đối tác của một số nước trên thế giới.

Nông nghiệp vẫn là một trụ kinh tế truyền thống quan trọng của Bình Phước. Năm 2024, mặc dù thời tiết không thuận lợi, năng suất và sản lượng 2 loại nông sản chủ lực là điều và hồ tiêu đều giảm so với năm 2023. Thế nhưng tổng giá trị gia tăng lĩnh vực nông nghiệp của tỉnh vẫn ước đạt 25.467 tỷ đồng, tăng 5,19%.

Theo các chuyên gia, một trong những yếu tố dẫn tới ngành nông nghiệp đạt được mức tăng trưởng tốt là do tỉnh đã triển khai hiệu quả các biện pháp phòng chống dịch bệnh, xây dựng mã vùng trồng, vùng chăn nuôi an toàn nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị kinh tế và hướng đến xuất khẩu chính ngạch. Các hình thức tổ chức liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị tiếp tục được nhân rộng, nhiều sản phẩm nông nghiệp, OCOP của tỉnh được nâng cao chất lượng, cải tiến mẫu mã thích ứng với thị hiếu của thị trường.

sx-dieu-1944-1681965277.jpg
Sản xuất hạt điều tại Bình Phước

Năm 2024, toàn tỉnh có 436.689 ha cây lâu năm, trong đó chủ lực vẫn là điều, tiêu, cao su và cà phê với tổng diện tích 419.006 ha, chiếm 95,95%.

Trong lĩnh vực chăn nuôi, quy mô trên địa bàn tỉnh tiếp tục được mở rộng, đặc biệt là chăn nuôi tập trung. Toàn tỉnh có 390 trại chăn nuôi heo, trong đó 257 trại có chuồng kín, lạnh, hiện tổng đàn hơn 2,1 triệu con, tăng 13,82% so với năm 2023. Các trại chủ yếu chăn nuôi gia công cho các công ty, tập đoàn CP, Làng Sen, Vietswan, Sunjin, Japfa, New Hope, Hòa Phước, Velmar, BaF Việt… Tương tự như vậy, đàn gia cầm hơn 10 triệu con, tăng 0,85% so với năm 2023, chủ yếu được chăn nuôi tập trung, gia công cho các doanh nghiệp sơ chế, chế biến.

Trong lĩnh vực công nghiệp, 13 khu công nghiệp, cụm công nghiệp đang hoạt động và 6 cụm công nghiệp đang đầu tư hạ tầng, tiếp tục giữ vai trò chủ lực của nền kinh tế và chiếm tỷ lệ ngày một cao hơn.

Năm 2024, công nghiệp tiếp tục là điểm sáng, đóng góp lớn vào sự phát triển chung của tỉnh, khi chỉ số sản xuất công nghiệp toàn tỉnh tăng 17,49%, trong đó công nghiệp chế biến tăng 16,81%. Vì thế, năm 2023, công nghiệp - xây dựng của Bình Phước chiếm tỷ lệ 43,86%, năm 2024 đã tăng lên 45,96%. Đây là mức tăng rất ấn tượng, cho thấy sự nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp và các quyết sách đúng đắn của tỉnh.

Cùng với đó, vướng mắc trong thực hiện các dự án trên địa bàn tiếp tục được lãnh đạo tỉnh và các cơ quan chức năng tập trung tháo gỡ, đẩy nhanh tiến độ nhằm phục vụ sản xuất - kinh doanh. Tiếp nối thành công của những năm trước, năm 2024 Bình Phước cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh. Các cơ chế, chính sách thu hút đầu tư, cải thiện môi trường kinh doanh tiếp tục được tỉnh rà soát, sửa đổi, hoàn thiện, tháo gỡ vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi để các chủ đầu tư, nhà đầu tư triển khai các công trình, dự án trên địa bàn Bình Phước.

Với việc công bố Quy hoạch Bình Phước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và khởi công các dự án hạ tầng trọng điểm như: cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành đoạn qua địa bàn tỉnh; chuẩn bị khởi công tuyến cao tốc Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước); hàng loạt dự án lớn cũng đang được triển khai... cùng với những thành tựu kinh tế năm 2024 đã tạo nền móng vững chắc cho Bình Phước phát triển nhanh hơn trong năm 2025 và những năm tiếp theo.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Bình Phước: Điểm sáng trong phát triển kinh tế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO