Tỉnh Bình Phước xác định việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, là “chìa khóa” thu hút đầu tư, tạo động lực tăng trưởng kinh tế.
>>Bình Phước sẵn sàng hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận các giải pháp công nghệ
Cùng với triển khai kịp thời các chính sách hỗ trợ, phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội, Bình Phước tiếp tục đẩy mạnh cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo điều kiện tối đa để các dự án được triển khai nhanh, hoạt động sản xuất kinh doanh hiệu quả.
Trong những năm qua, mặc dù chịu ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, tỉnh Bình Phước vẫn nỗ lực nâng cao hiệu quả quản lý, điều hành của bộ máy hành chính, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp, nhà đầu tư thực hiện các thủ tục nhanh, gọn. Các chương trình, chính sách hỗ trợ, phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh được triển khai kịp thời đã hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh… Bên cạnh đó, tỉnh đặc biệt chú trọng đến hoạt động xúc tiến, thu hút đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng, nhất là các dự án quan trọng, có tính lan tỏa lớn…
Đến nay, Bình Phước đã thu hút 1.220 dự án đầu tư trong nước với số vốn 116.908 tỷ đồng, 364 dự án FDI với tổng vốn đầu tư hơn 3,43 tỷ USD; Phát triển doanh nghiệp có nhiều khởi sắc, năm 2022, toàn tỉnh có 1.150 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 7,9% so với năm 2021.
>>Bình Phước: 3 chương trình đột phá thu hút đầu tư
Ông Nguyễn Đức Thành, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Bình Phước cho biết, việc triển khai bộ chỉ số DDCI được xem là bước đột phá của tỉnh trong công tác cải cách hành chính, xây dựng chính quyền phục vụ. Trên cơ sở kết quả triển khai bộ chỉ số DDCI sẽ giúp các sở, ngành, địa phương khắc phục nhanh những vấn đề mà doanh nghiệp và người dân chưa hài lòng, nâng cao hơn nữa năng lực điều hành chỉ số DDCI và các chỉ số thành phần của PCI năm 2022 cũng như các năm tiếp theo.
Trong năm qua, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp cải thiện chỉ số PCI kết hợp với thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Đặc biệt, tỉnh đã triển khai đề án “Xây dựng bộ chỉ số và triển khai đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành và huyện thị xã, thành phố thuộc tỉnh Bình Phước - DDCI giai đoạn 2021-2025” và đã đạt một số kết quả tích cực.
Năm 2021, Bình Phước có 4 chỉ số thành phần PCI được cải thiện cả về điểm số và xếp hạng. Cụ thể, chỉ số tiếp cập đất đai tăng, xếp hạng 29/63 tỉnh, thành phố, tăng 0,94 điểm và 20 bậc. Chỉ số tính minh bạch, xếp hạng 12/63 tỉnh, thành phố, tăng 1,21 điểm và tăng 47 bậc so với năm 2020. Chỉ số chi phí thời gian cũng tăng hạng, xếp hạng 39/63 tỉnh, thành phố, tăng 0,2 điểm và tăng 15 bậc so với năm 2020. Đặc biệt, chỉ số tính năng động và tiên phong của chính quyền tỉnh tăng 0,72% điểm và tăng 9 bậc, từ 36/63 lên hạng 27/63 tỉnh, thành phố...
>>Bình Phước: Xem xét báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đường cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành
Để cải thiện rõ rệt Chỉ số PCI Bình Phước năm 2022 và những năm tới, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị số 19-CT/TU ngày 24/9/2022; UBND tỉnh Bình Phước đã ban hành kế hoạch số 346/ KH-UBND ngày 22/11/2022 về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao Chỉ số PCI Bình Phước. Trong đó, xác định việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh là nhiệm vụ trọng tâm và là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị. Theo đó, Bình Phước tập trung vào các giải pháp, như: Về cải cách thủ tục hành chính, thường xuyên rà soát những quy định không còn phù hợp để cắt giảm, đơn giản hóa tối đa thủ tục hành chính liên quan đến doanh nghiệp; phối hợp có hiệu quả và nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành trong giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính. Đẩy mạnh thực hiện các thủ tục hành chính và dịch vụ công trực tuyến.
Đối với cán bộ, công chức, viên chức, cần tiếp tục nâng cao tinh thần trách nhiệm trong phục vụ người dân và doanh nghiệp. Định kỳ hàng năm, tỉnh đánh giá năng lực, phẩm chất, trách nhiệm và thái độ của cán bộ khi làm việc với người dân, doanh nghiệp, đặc biệt ở những lĩnh vực, chỉ số thành phần bị đánh giá thấp, ảnh hưởng đến Chỉ số PCI của tỉnh, Chỉ số DDCI.
>>Bình Phước kêu gọi đầu tư lĩnh vực nhà ở xã hội
Tỉnh cũng công khai, minh bạch thông tin, hướng dẫn và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận quy hoạch, đất đai, thủ tục đầu tư dự án và kế hoạch phát triển của tỉnh; Tổ chức đối thoại định kỳ hàng tháng với doanh nghiệp, kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp; lập đường dây nóng để trả lời, cung cấp thông tin, tài liệu cho doanh nghiệp. Đồng thời, tỉnh đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, các doanh nghiệp chuyển đổi số, tuyển dụng lao động, đổi mới công nghệ; tổ chức các hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch… Bình Phước cũng tập trung phát triển nguồn nhân lực cả về số lượng và chất lượng để đáp ứng nhu cầu thị trường lao động.
Đối với công tác thanh tra, kiểm tra, tỉnh tăng cường phối hợp trong công tác thanh tra, kiểm tra của các cơ quan chức năng trong tỉnh để tránh chồng chéo, trùng lặp, nhất là trong giám sát đối với hoạt động của các đoàn thanh tra, kiểm tra, bảo đảm đúng quy định của pháp luật; Kiên quyết xử lý các hành vi nhũng nhiễu, gây cản trở và khó khăn cho doanh nghiệp...
Có thể bạn quan tâm