Bình Phước xác định tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư thực hiện các dự án, phát triển sản xuất kinh doanh.
Với nền tảng “4 tốt” gồm hạ tầng tốt, nhân lực tốt, chính sách tốt, dịch vụ công tốt, lãnh đạo tỉnh Bình Phước cam kết luôn đồng hành với doanh nghiệp, nhà đầu tư; luôn lắng nghe, chia sẻ và tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư sản xuất, kinh doanh.
>> Bình Phước phát triển thành tỉnh công nghiệp hiện đại
Bình Phước hiện có 13 khu công nghiệp với tổng diện tích trên 6.000 ha, tỷ lệ lấp đầy đạt 53,5%, trong đó khu công nghiệp Becamex - Bình Phước diện tích 2.450 ha, khu công nghiệp Minh Hưng - Sikico diện tích 655 ha. Đây là 2 khu công nghiệp mới, có quy mô lớn, hạ tầng được đầu tư đồng bộ, hiện đại và giao thông đi lại thuận tiện, rất thích hợp cho các nhà đầu tư. Về nguồn lực lao động, Bình Phước đang trong thời kỳ cơ cấu “dân số vàng”, với số lượng lao động chiếm hơn 60% dân số. Đây là cơ hội thuận lợi để Bình Phước thu hút nguồn nhân lực và sử dụng lực lượng lao động có tay nghề, có kỹ năng trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Bình Phước có hạ tầng giao thông khá thuận lợi, cách trung tâm TP. Hồ Chí Minh khoảng 80km về phía Nam. Trong những năm gần đây, tỉnh còn tích cực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật hiện đại và đồng bộ, xây dựng hệ thống giao thông kết nối nội vùng và liên vùng tương đối hoàn thiện.
Đặc biệt, để hiện đại hóa hệ thống hạ tầng giao thông, làm cơ sở đón tiếp các nhà đầu tư trong và ngoài nước, Bình Phước đang phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, địa phương liên quan thực hiện một số dự án giao thông trọng điểm như: Dự án cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một (Bình Dương) - Chơn Thành (Bình Phước); dự án đường sắt Dĩ An - Lộc Ninh kết nối đến cảng Cái Mép - Thị Vải, tương lai sẽ kết nối với Vương quốc Campuchia qua Cửa khẩu quốc tế Hoa Lư; đường cao tốc Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước)… Các dự án dự kiến triển khai trong giai đoạn 2021-2025.
Hiện nay, Bình Phước đứng đầu cả nước về kết nối dịch vụ công trực tuyến với Cổng dịch vụ công quốc gia. Các thanh toán trực tuyến nghĩa vụ tài chính về đất đai và chứng thực điện tử của tỉnh đều trong nhóm các địa phương dẫn đầu... Đây là những điểm nhấn có ý nghĩa quan trọng để Bình Phước cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho nhà đầu tư, doanh nghiệp, giúp tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp, xã hội.
Ông Trần Văn Mi, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước cho biết, xác định xúc tiến đầu tư có vai trò hết sức quan trọng trong thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước, qua đó thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh Bình Phước đã và đang đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến đầu tư cả về nội dung và phương thức thực hiện, đồng thời chủ động tiếp cận các nhà đầu tư, thị trường đầu tư lớn để thu hút dòng vốn đầu tư.
Với định hướng phát triển công nghiệp hiện đại, quy mô lớn các ngành dịch vụ mũi nhọn gắn với bảo vệ môi trường, tập trung thu hút các dự án chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo, các hoạt động xúc tiến đầu tư trong năm 2023 được tỉnh Bình Phước tổ chức song hành ở trong và nước ngoài. Trong đó, 4 chương trình xúc tiến đầu tư trong nước tập trung vào những lĩnh vực mang tính cấp thiết đối với tỉnh, như xử lý rác thải, nước thải sinh hoạt, xúc tiến đầu tư phát triển du lịch. Tỉnh cũng tập trung thu hút đầu tư vào các ngành, lĩnh vực trọng điểm mà tỉnh đang có nhu cầu, như: công nghiệp chế biến gỗ, đồ gỗ nội thất; chế biến thực phẩm; chế biến hàng hóa từ mủ cao su; công nghiệp điện tử, sản xuất linh kiện, phụ kiện điện tử; công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp cơ khí chế tạo máy móc, thiết bị trong công, nông nghiệp; đầu tư xây dựng các khu thương mại, dịch vụ; đầu tư vào các lĩnh vực y tế, giáo dục...
Riêng chương trình xúc tiến đầu tư nước ngoài sẽ hướng đến khai thác hiệu quả các cơ hội, xu hướng tái cấu trúc chuỗi cung ứng toàn cầu từ các thị trường và đối tác truyền thống như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản. Đồng thời, mở rộng xúc tiến thu hút đầu tư các đối tác thành viên của các hiệp định CPTPP, EVFTA.
Theo ông Trần Văn Mi, từ đầu năm 2023 tới nay, tình hình kinh tế-xã hội trên địa bàn tỉnh Bình Phước tiếp tục ổn định và phát triển trên hầu hết các lĩnh vực. Sản xuất công nghiệp tăng trưởng, các doanh nghiệp đã chủ động chuyển đổi mô hình, thay đổi chiến lược ứng phó linh hoạt, liên kết với các đối tác nhằm mở rộng sản xuất, bảo đảm nguồn nguyên liệu bền vững. Các hoạt động kinh tế, hoạt động giao thương buôn bán và khu vực dịch vụ có nhiều khởi sắc, các hoạt động xúc tiến đầu tư được tăng cường…
Trong 02 tháng đầu năm 2023, có 136 doanh nghiệp đăng ký thành lập với số vốn đăng ký hơn 1.917 tỷ đồng. Lũy kế đến nay, số doanh nghiệp đăng ký trên địa bàn là 10.838 doanh nghiệp với số vốn đăng ký hơn 186.722 tỷ đồng. Bình Phước cũng đã thu hút được 10 dự án đầu tư với tổng số vốn là 1.707 tỷ đồng, đạt 14,23% kế hoạch năm. Lũy kế đến nay, toàn tỉnh có 1.218 dự án với số vốn hơn 117.540 tỷ đồng. Tỉnh cũng đã thu hút được 5 dự án FDI với số vốn là 16,26 triệu USD. Đến nay trên địa bàn tỉnh có 371 dự án với số vốn đầu tư là 3.463,89 triệu USD.
Hiện tại, Bình Phước đang tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nhà đầu tư trong quá trình triển khai dự án, sản xuất kinh doanh, tăng sức cạnh tranh để thu hút các doanh nghiệp, nhà đầu tư đến với Bình Phước.
Có thể bạn quan tâm