Sự việc được dư luận đánh giá là có nhiều khuất tất khi chính quyền thị xã Bình Long, thu hồi hàng nghìn m2 đất của gia đình liệt sỹ để phân lô, bán nền cho cán bộ "không đúng thẩm quyền".
Mới đây, Diễn đàn Doanh nghiệp có nhận được đơn thư kêu cứu của bà Nguyễn Thị Tần, sinh năm 1939, có bố chồng là liệt sỹ thời chống Pháp và chồng là liệt sỹ chống Mỹ, có địa chỉ thường trú tại tổ 4, KP Phú Trung, phường Hưng Chiến, TX Bình Long, tỉnh Bình Phước.
Mập mờ xác định nguồn gốc đất
Theo nội dung đơn phản ánh: Thực hiện theo lời kêu gọi của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế mới, khai hoang phục hóa đất để phục vụ cho nhu cầu sản xuất, phát triển kinh tế xã hội tại các tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa. Năm 1987, gia đình bà Tần đã di cư vào tỉnh Bình Phước, nơi mà chồng bà đã chiến đấu và hy sinh cho tổ quốc để làm ăn sinh sống. Sau khi di chuyển vào TX Bình Long, cuộc sống của gia đình bà và nhiều gia đình khác cùng hoàn cảnh đều khá khó khăn. Việc khai hoang cải tạo đất ở một khu vực toàn bom, mìn… là điều không hề dễ dàng.
Trước tình hình đó, gia đình bà đã được chính quyền xã và Cty Cao su Bình Long, động viên, khuyến khích và hỗ trợ trong việc rà phá bom mìn để lấy đất canh tác. Sau khi được sự hỗ trợ của các cơ quan đoàn thể, gia đình bà Tần đã khai hoang được diện tích 6.373m2 kể từ năm 1987 và sử dụng đất ổn định, được nhập hộ khẩu tại căn nhà trên khu đất nêu trên.
Về nguồn gốc đất 6.373m2 trước khi khai hoang có từ trước năm 1975, đây là khu vực quân sự do chế độ Sài Gòn chiếm đóng (đồi Lam Sơn). Sau giải phóng, ngày 30/4/1975, toàn bộ khu vực đất đồi Lam Sơn bị bỏ hoang hóa, không ai sử dụng. Đến năm 1986, Công ty cao su Bình Long được UBND tỉnh Sông Bé giao 500ha để canh tác (không xác định vị trí, ranh giới đất cụ thể…), và đơn vị này vẫn bỏ hoang và không sử dụng.
Như vậy, có thể nói, khu đất nêu trên bị bỏ hoang từ năm 1975 đến năm 1987 gia đình bà Tần khai phá nằm trong khu đất được giới hạn bởi các mốc từ 1- 15, thuộc tờ bản đồ số 59 phường Hưng Chiến, TX Bình Long, tỉnh Bình Phước, do Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất trực thuộc Phòng Tài nguyên và Môi trường, TX Bình Long, trích đo bản đồ địa chính ngày 14/10/2011, là hoàn toàn có cơ sở.
Minh chứng cho việc bà Tần đã khai hoang được xác định và chỉ ranh giới tại thực địa đã khá rõ ràng. Và điều này thể hiện qua việc: “Diện tích đất mà gia đình bà Tần có được nhờ công binh của Công ty cao su Bình Long, rà phá bom mìn, để khai hoang và trồng mới cao su (có giấy tờ xác nhận của Cty cao su Bình Long về việc hỗ trợ rà phá bom mìn cho gia đình bà Tần)”. Thế nhưng chính quyền cấp huyện lại cho rằng diện tích đất của gia đình bà Tần có nguồn gốc là lấn chiếm.
Thu hồi đất để phân lô, bán nền?
Từ những lập luận trên, ngày 17/12/1992, UBND huyện Bình Long (nay là UBND TX Bình Long) có Quyết định số 1380/QĐ-UB về việc giao và thu hồi đất với nội dung: Thu hồi đất có diện tích 2.400m2 đất tại ấp Khu Đồi Lam Sơn, xã An Lộc, duyệt giao cho văn phòng quản lý điện Sông Bé để xây dựng trạm quản lý và hạ thế điện (không đền bù về đất lẫn hoa màu). Sau khi thu hồi, khu đất nêu trên không được triển khai và thực hiện, do đó diện tích 2.400m2 được gia đình bà Tần vẫn tiếp tục sử dụng.
Ngày 6/12/1993, UBND huyện Bình Long, tỉnh Sông Bé, tiếp tục có Quyết định số 2518/QĐ-UB về việc giao và thu hồi đất với nội dung: Nay thu hồi khu đất có diện tích 4.000m2 của ấp Phú Bình, xã An Lộc duyệt giao cho Văn phòng Sở Điện lực Sông Bé. Cùng ngày, UBND huyện Bình Long, tỉnh Sông Bé có Quyết định số 2517/QĐ-UB về việc: Thu hồi khu đất có diện tích 1.500m2 của ấp Phú Bình, xã An Lộc để giao cho Văn phòng Sở Điện lực Sông Bé xây dựng nhà tập thể để ở. Sau khi bị thu hồi đất, gia đình bà Tần chỉ còn lại 3.230m2 đất và tiếp tục sử dụng.
Ngày 22/06/1996, gia đình bà Tần làm đơn xin xác nhận nguồn gốc nhà và quyền sử dụng đất để thế chấp vay ngân hàng. Ngày 13/09/1996, cán bộ địa chính thị trấn An Lộc đo vẽ và xác nhận diện tích nhà ở là 21m2 và diện tích đất ở và sản xuất 1.953m2, nằm trong tổng diện tích 3.230m2 đất thuộc gia đình cụ Tần đang sử dụng, và đã được UBND thị trấn An Lộc xác nhận cùng ngày.
Năm 1998, UBND huyện Bình Long tiếp tục lấy 2.597m2 đất của gia đình cụ Tần đang trực tiếp sử dụng để phân lô làm khu dân cư (căn cứ Biên bản kiểm kê tài sản và giá trị đền bù tài sản trên đất giải tỏa ngày 19/11/1997). Khi lấy đất của gia đình cụ Tần “không có quyết định thu hồi đất”. Toàn bộ khu đất mà UBND huyện Bình Long thu hồi không thực hiện đo đạc (tài liệu 299/CP và chỉnh lý biến động), do đó, khu đất không có trong tài liệu bản đồ và sổ mục kê, sổ đăng ký. Phần diện tích đất còn lại là 633m2 đất hiện nay gia đình bà Tần đang sử dụng và đóng thuế hằng năm và chưa được cấp giấy chứng nhận sử dụng đất.
Về phía UBND huyện, sau khi lấy đất của gia đình bà Tần, chính quyền đã hỗ trợ cho bà Tần 6 triệu (bà Tần không nhận vì cho rằng việc hỗ trợ không thỏa đáng), và cấp cho bà một lô đất giáp Chi nhánh điện Bình Long và đã làm nhà ở (đất có nguồn gốc của gia đình cụ Tần khai phá năm 1987, nhưng không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất).
Đến năm 2005, bà Tần phát sinh tranh chấp hai lô đất của ông Đường Văn Bổng và bà Trần Thị Phương Oanh (có nguồn gốc đất là của gia đình bà Tần). Nguyên nhân tranh chấp là do 02 lô đất này đã được gia đình bà Oanh và ông Bổng mua lại của các hộ được xét duyệt cấp trong dự án phân lô của UBND huyện Bình Long trước đó, và đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Bức xúc về sự việc nêu trên, bà Tần đã liên tiếp làm đơn khiếu nại, kêu cứu gửi các cơ quan chức năng nhưng đều không được giải quyết.
Thu hồi đất không đúng thẩm quyền?
Đến năm 2011, Thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường vào cuộc và ban hành kết luận thanh tra số 4431 ngày 24/11/2011, báo cáo Thủ tướng nêu: Việc UBND huyện Binh Long thu hồi đất của công ty cao su Bình Long giao cho Sở Điện lực Sông Bé là “không đúng thẩm quyền”. Do đó, Cơ quan này kiến nghị: Xem xét hợp thức hóa 633 m2 còn lại cho gia đình bà Tần (số diện tích còn lại sau thu hồi). Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, gần 9 năm sau kết luận thanh tra, số diện tích 633m2 vẫn để cho cỏ mọc và bị một số người dân lấn chiếm nhưng chính quyền làm ngơ.
Thế nhưng khi trao đổi với phóng viên thì đại diện chính quyền sở tại lại cho rằng: Diện tích 633m2 là đất công, hiện địa phương đang quản lý. Việc quản lý không có quyết định hay văn bản chỉ đạo mà chỉ quản lý “bằng miệng”?
Về phía hộ dân, và đại diện là bà Nguyễn Thị Tần, khi trao đổi với báo chí thì lại cho rằng: Toàn bộ diện tích đất 6.373m2 là do công khai hoang của gia đình bà. Và để có được diện tích đất này là nhờ sự hỗ trợ của Cty cao su Bình Long, các cơ quan đoàn thể thời điểm đó.
"Nếu việc chính quyền lấy đất của dân để thực hiện các công trình của Nhà nước, công trình công cộng gia đình sẵn sàng bàn giao. Nhưng lấy đất của dân để phân lô, bán nền, cấp cho cán bộ thì phải hỗ trợ và đền bù cho người dân một cách thỏa đáng. Nếu không phải cấp cho người dân một diện tích đất tương đương để gia đình làm ăn, sinh sống" – bà Tần đề nghị.
Như vậy, với sự việc nêu trên, dư luận đang đặt câu hỏi: Có hay không chính quyền đang đối xử bất công với gia đình chính sách? Việc thu hồi đất liệu có điều gì “khuất tất”, đúng thẩm quyền và đúng quy định hay không? Tại sao sau kết luận của Thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường gửi cho Thủ tướng báo cáo về vụ việc của bà Tần từ năm 2011, nhưng đến nay vẫn dậm chân tại chỗ?
Kỳ 2: Thu hồi đất… thu cả “bằng tổ quốc ghi công”?
Có thể bạn quan tâm
05:10, 11/05/2020
05:10, 16/04/2020
23:15, 12/04/2020