"Sẽ có nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước, các tổ chức quốc tế quan tâm, lựa chọn và quyết định đầu tư vào tỉnh Bình Thuận để làm giàu cho chính mình và góp phần phát triển Bình Thuận".
Đó là nhận định của Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hoà Bình tại Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Bình Thuận 2019 với chủ đề "Kết nối tiềm lực - Phát triển bền vững" được tổ chức sáng nay (22/9).
Trước hơn 400 doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước tham dự sự kiện, Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình nhấn mạnh: Đối với Bình Thuận, tỉnh cần tiếp tục tạo môi trường thuận lợi, có cơ chế chính sách thu hút được các nhà đầu tư doanh nghiệp lớn. Thu hút các doanh nghiệp, nhà đầu tư có uy tín, có tiềm lực mạnh đầu tư vào những lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế để tạo động lực cho sự phát triển với mục đích đưa Bình Thuận phát triển nhanh và bền vững, không ảnh hưởng đến môi trường sinh thái.
Theo Phó Thủ tướng, muốn đạt được mục tiêu trên Bình Thuận cần làm tốt công tác quy hoạch. "Chúng ta đã có luật quy hoạch và UBND tỉnh Bình Thuận cũng có hướng dẫn luật quy hoạch vì vậy tỉnh cần làm tốt quy hoạch của tỉnh, quy hoạch vùng tích hợp vào quy hoạch quốc gia bao gồm điều chỉnh những quy hoạch cũ không phù hợp và xác định các quy hoạch mới trên tất cả các lĩnh vực. Trong đó có 3 lĩnh vực trung tâm là du lịch, phát triển năng lượng sạch, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn kết với phát triển kinh tế biển" - Phó Thủ tướng nói.
Ngoài ra quy hoạch chuỗi đô thị ven biển sạch xanh đẹp hướng tới thông minh có hạt nhân động lực là thành phố Phan Thiết, thành phố La Gi và các đô thị khác, trên cơ sở đó, quy hoạch một chuỗi đất sạch cho thật tốt, có quy mô để thu hút các nhà đầu tư lớn.
Hiện nay, việc phát triển các lĩnh vực cốt lõi của Bình Thuận còn rất nhỏ, manh mún, "chúng ta cần quy hoạch, cơ cấu tổ chức lại để đi lên một nền sản xuất lớn, phát triển công nghiệp hiện đại, đô thị hiện đại, nông nghiệp hiện đại, kinh tế biển hiện đại, du lịch hiện đại. Buộc chúng ta phải tạo ra được quỹ đất lớn".
Có thể bạn quan tâm
12:21, 22/09/2019
06:00, 21/09/2019
21:20, 17/09/2019
18:48, 13/09/2019
Sau khi đi khảo sát cùng với lãnh đạo tỉnh Bình Thuận, Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình nhận định: "Bình Thuận đất đai còn tiềm năng rất lớn để phát triển, thu hút các nhà đầu tư vào với tỉnh. Có các quỹ đất lớn, sạch như thế thì sẽ có đấu giá, đấu thầu các dự án đúng theo quy định của pháp luật và thu hút để phát triển gắn với bảo vệ môi trường".
Và Phó Thủ tướng cũng chỉ ra những yêu cầu đặt ra đối với tỉnh Bình Thuận, cụ thể: trong xu thế phát triển xanh và bền vững tỉnh Bình Thuận cần khai thác có hiệu quả tiềm năng to lớn về biển, về nắng, gió... phải chuyển khó khăn, bất lợi trước đây thành lợi thế để phát triển, "tôi tin rằng Bình Thuận trong tương lai sẽ có một trung tâm điện gió, mặt trời lớn của cả nước. Thực tế, Bình Thuận đã là một trung tâm và sẽ là trung tâm lớn của cả nước về năng lượng, trong đó có điện, than, một phần thuỷ điện…"
Phó Thủ tướng cho rằng, hiện nay chúng ta tập trung cho phát triển năng lượng tái tạo kể cả điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối…tính toán và xử lý đảm bảo môi trường xanh đẹp. Chúng ta phải xử lý bằng được vấn đề rác thải đô thị, rác thải nông nghiệp bằng cách chuyển rác thải thành khí, thành điện... Vấn đề điện than có thải ra môi trường về xỉ than, khí, nước phải xử lý thật sạch, chất thải rắn từ các nhà máy điện đã được nung nóng Bộ Xây dựng sẽ xây dựng quy chuẩn để sử dụng cho việc phục vụ xây dựng công trình giao thông vận tải, lĩnh vực dân dụng, kè biển, sông, sạt lở… Với rất nhiều ứng dụng tốt như vậy đòi hỏi phải phát triển các ngành này để đáp ứng và giải quyết vấn đề, thân thiện với môi trường.
Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình khẳng định: Bình Thuận là một trong những địa phương có đủ cơ hội và điều kiện để phát triển du lịch xanh, sạch, bền vững. Cần thu hút các nhà đầu tư có chất lượng để đưa du lịch thực sự là động lực phát triển của tỉnh, triển khai có hiệu quả quyết định số 1772 ngày 18/12/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc quy hoạch tổng thể phát triển khu du lịch quốc gia Mũi Né tỉnh Bình Thuận đến năm 2025 và tầm nhìn đến 2030. Về du lịch phải gắn với cả nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, gắn với kinh tế biển đảo...tát cả để phục vụ cho phát triển du lịch.
"Phải làm thế nào để tạo ra nhiều sản phẩm du lịch thật tốt, dịch vụ và thái độ phục vụ thật tốt, chuyên nghiệp, đặc biệt là ứng xử văn hoá du lịch thật sự lịch sự - văn minh - ân cần - thân thiện, tạo điều kiện giữ chân khách. Hiện chúng ta chỉ mới lưu giữ chân khách đến với Bình Thuận 1,5 ngày, làm sao giữ khách ở lại 1 tuần, nửa tháng, 1 tháng. Dứt khoát không được để mất an ninh trật tự, chặt chém, lừa đảo, chèo kéo..." - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Tuy vậy, về phía doanh nghiệp, nhà đầu tư, Phó Thủ tướng cũng yêu cầu: cần có chiến lược kinh doanh lâu dài, thực hiện đúng cam kết, tiến độ. Tỉnh cũng phải phối hợp rà soát lại và xác định rõ những ký kết có thể khả thi để đẩy mạnh xúc tiến kể cả các nhà đầu tư với nhau.
Phó Thủ tướng cho biết: Đảng, nhà nước, Chính phủ sẽ tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho tỉnh, nhà đầu tư trên tinh thần chính quyền, doanh nghiệp cùng đồng hành chia sẻ chung tay xây dựng Bình Thuận ngày càng giàu, mạnh phát triển toàn diện để trở thành một trong những địa phương phát triển nhanh và bền vững.
Chính phủ sẽ quyết tâm, quyết liệt trong việc tháo gỡ các điểm nghẽn, khó khăn vướng mắc cho Bình Thuận, tuy nhiên Bình Thuận cũng phải tự lực, tự cường vươn lên, kêu gọi các nhà đầu tư và dành ngân sách, các nguồn lực hợp pháp để đầu tư, không trông chờ vào Chính Phủ. Lĩnh vực nào nào kêu gọi đầu tư được thì Bình Thuận hãy đẩy mạnh, xúc tiến.
Sau Hội nghị lần này, Phó Thủ tướng tin rằng sẽ có nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước, các tổ chức quốc tế quan tâm, lựa chọn và quyết định đầu tư vào tỉnh Bình Thuận để làm giàu cho chính mình, góp phần phát triển với địa phương giàu tiềm năng và lợi thế của cả nước.