Lợi nhuận lên tới 4%/ngày, thu nhập thụ động đạt 35 triệu/tuần. Đó là “mật ngọt” trong lời chào mời tham gia vào hệ thống thanh lý chia sẻ đầu tiên trên thế giới có tên Broker Investment S.R.O (BIS).
Chỉ cần lên mạng “seach” cụm từ đầu tư tài chính Forex, trong vòng chưa đến nửa giây, đã có hàng trăm nghìn kết quả cho khách hàng lựa chọn. Chính vì thế, hàng nghìn nhà đầu tư đã mắc bẫy, đặc biệt là với mô hình Forex đa cấp Ponzi (lấy tiền người sau trả cho người trước) để rồi mất cả chì lẫn chài.
Theo đó, khoản tiền đầu tư của người đến sau sẽ được dùng để trả cho các khoản hứa hẹn về lợi nhuận đặc biệt cho các nhà đầu tư trước đó. Chu kỳ này diễn ra liên tục cho đến khi nó sụp đổ và kẻ lừa đảo biến mất với tiền của mọi người. Đáng chú ý, thay vì chỉ “đánh” vào đô thị, thời gian gần đây, lừa đảo tài chính có dấu hiệu tăng mạnh, lan đến tận vùng quê, nơi người dân ít hiểu biết về các thủ đoạn lừa đảo tài chính vốn rất phức tạp, để lại hệ lụy rất lớn cho nhiều gia đình, xã hội.
Mới đây, lãnh đạo cả hai bộ Tài chính, Công thương đều đã lên tiếng cảnh báo mạnh mẽ về nguy cơ rủi ro về tài sản và pháp lý từ mô hình các sàn đầu tư tài chính lãi suất cao theo mô hình đa cấp đang được quảng bá, lôi kéo người dân.
Những lời mời chào “mật ngọt”
Thế nhưng, dường như tình trạng thị trường đang “loạn” đầu tư ngoại hối đa cấp, lại là “thời cơ” thuận lợi để một loại hình đầu tư đa cấp mới xuất hiện có tên Broker Investment S.R.O (hay BIS), mô hình này được giới thiệu là hệ thống thanh lý chia sẻ đầu tiên trên thế giới, BIS cho phép các nhà đầu tư có thể kiếm được từ thị trường ngoại hối (Forex) có khối lượng giao dịch hàng ngày trị giá 6.000 tỷ USD. Và những lời mời chào khiến các nhà đầu tư sẽ “đổ gục” là BIS có thể kiềm chế các nhà đầu tư khỏi thua lỗ trong thị trường đầy biến động hiện nay.
Gửi đơn tố cáo tới Diễn đàn Doanh nghiệp, chị N.T.H.G ở huyện Sóc Sơn (Hà Nội) cho biết, chị được một nhóm đối tượng mời tham gia vào dự án có tên là Bis, theo giới thiệu thì chị G chỉ cần bỏ tiền vào đầu tư và ủy thác cho các “chuyên gia tài chính” của nhóm, cam kết sẽ có lợi nhuận cao, đầu tư "bách phát bách đúng", thậm chí là “bao lỗ”…
Theo chị G, nếu đầu tư dưới 5.000USD thì lợi nhuận nhà đầu tư được hưởng sẽ là 50/50, nghĩa là nhà đầu tư được hưởng 50%, khoản còn lại là trả cho hệ thống. Còn nếu đầu tư trên 5.000USD thì lợi nhuận nhà đầu tư được hưởng cao hơn, sẽ 60/40.
Tin lời đường mật, chị đã chuyển trực tiếp 118.000.000đ (tương đương 5.005 USD) cho một đối tượng trong nhóm này có tên là Hiền, số điện thoại 0988066xxx.
“Khi chúng tôi chuyển tiền thì mọi thứ diễn ra không đúng thỏa thuận, họ đổ lỗi cho hệ thống ở nước ngoài nên không rút được tiền lãi và cũng không chịu trả luôn cả tiền gốc. Thậm chí họ còn yêu cầu chúng tôi phải nộp thêm số tiền như 300USD, 500USD thì mới có thể nhanh được rút lãi”, chị G chia sẻ.
Tương tự, chị H.T.B.H ở huyện Mê Linh (Hà Nội) đã rút toàn bộ số tiền tiết kiệm của hai vợ chồng được 37.000.000đ để chuyển cho một đối tượng có tên Đào Văn Quang (đối tượng này thuộc nhóm dưới của Hiền - PV). Tuy nhiên, tiền lãi thì không thấy đâu nhưng nguy cơ mất cả “gốc” thì đã rõ, bởi theo chị H thì hiện nay không thể liên lạc được với các “chuyên gia tài chính” này!
Thông tin với phóng viên Diễn đàn Doanh nghiệp, các nạn nhân cho biết, dù không hợp đồng, không cam kết chắc chắn, nhưng nghe những lời “mật ngọt” khi có lợi nhuận cao nên rất nhiều người đã tham gia đầu tư vào BIS. Điều đáng nói, hiện nay, hầu hết tất cả các “nhà đầu tư” đều đang ở hoàn cảnh tương tự như chị G và chị H. Người mất ít thì từ vài chục đến vài trăm triệu đồng.
Cũng theo các nạn nhân, đối tượng đứng đầu nhóm này có tên là Lê Hồng Minh, số điện thoại 0394841xxx, được giới thiệu là cố vấn tài chính cá nhân, doanh nghiệp, chuyên gia đào tạo, huấn luyện tư duy lãnh đạo, người có kinh nghiệm 6 năm trong lĩnh vực tư vấn và đầu tư tài chính công nghệ 4.0.
Ngoài ra còn một số người thường đứng ra “zoom” và nhận tiền trực tiếp của người đầu tư là ông Phùng Đại Hải (sinh năm 1992) số điện thoại 0385898xxx, ông Phạm Gia (tên thật là Đương) cũng được giới thiệu là chuyên gia tài chính công nghệ 4.0, một chuyên gia có kinh nghiệm 8 năm về đào tạo, huấn luyện bán hàng, lãnh đạo, được mệnh danh là người truyền lửa.
“Những đối tượng này chuyên đi khắp các khu vực để lôi kéo nhà đầu tư vào dự án trên”, nội dung đơn tố cáo của các nạn nhân nêu rõ.
Để tìm hiểu rõ hơn về mô hình đầu tư này, phóng viên Diễn đàn Doanh nghiệp đã nhiều lần liên hệ tới các “chuyên gia tài chính” theo số điện thoại các nạn nhân đã cung cấp, tuy nhiên, tất cả đều không bắt máy.
Nhận diện đầu tư lừa đảo
Theo ông Nguyễn Duy Phương - Giám đốc phân tích cao cấp quỹ đầu tư DG Investment - dù biến tướng cỡ nào, bất kể dùng loại công nghệ gì để vận hành mô hình Ponzi (ở bất cứ các phiên bản), việc nhận diện các hình thức lừa đảo tài chính, Ponzi không hề khó.
Đó là những lời hứa trả lợi nhuận cực cao, vài phần trăm đến vài chục, vài trăm phần trăm không phải một năm mà một tháng, thậm chí là trong… một tuần. Các mô hình ủy thác cho sàn, cho dự án, cho “chuyên gia” được các dự án lừa đảo dựng lên. Họ nói nếu bạn không có khả năng đầu tư, hãy gửi cho họ và họ có chuyên gia đầu tư "bách phát bách đúng", bao lỗ. Đến khi số tiền nhận đủ nhiều, dĩ nhiên sàn tuyên bố… phá sản, và đối tượng ôm tiền bỏ chạy.
Ngoài ra, một số hình thức lừa đảo bằng cách hứa hẹn trả lãi cao, nhưng không phải bằng tiền mặt. Họ sẽ phát hành một dạng chứng khoán của dự án (hoặc công ty) hay một loại token, tiền điện tử cho người tham gia, dù nhà đầu tư phải tham gia bằng tiền thật. Số tiền hoặc chứng khoán này sẽ không rút được hoặc chỉ được giao dịch trên sàn nội bộ do chính chủ dự án đặt ra. Nghĩa là tiền lời đó chỉ có trên… giấy. Bao giờ thời gian đầu, việc trả tiền lời cũng được thực hiện như cam kết.
Ví dụ, nhà đầu tư nộp 100 triệu đồng được hứa trả 10%/tháng, sau đó chủ sàn sẽ trả lãi đều đặn 6-7 tháng trước khi biến mất. Trong thời gian này, nhà đầu tư sau khi nhận tiền tươi sẽ có niềm tin để quảng cáo, chiêu dụ thêm bạn bè, người thân vào hệ thống của họ một cách vô thức. Các đối tượng cũng bao lỗ, bao cháy tài khoản, dù thực tế chưa nhà đầu tư nào được đền bù vì cháy tài khoản.
Diễn đàn Doanh nghiệp sẽ tiếp tục thông tin!
Có thể bạn quan tâm
Điểm mặt những vụ đa cấp tài chính lừa đảo “khủng” năm 2020
11:00, 29/12/2020
Đa cấp tài chính (Kỳ I): Cẩn trọng “đánh bạc” kiểu đa cấp trên sàn Yokef
05:00, 29/09/2020
Đa cấp tài chính (Kỳ II): Yokef núp bóng đa cấp "hút máu" nhà đầu tư?
05:30, 30/09/2020
Đa cấp tài chính (Kỳ III): Cần xử lý nghiêm sàn đa cấp biến tướng Yokef
05:30, 27/10/2020