Với nhiều trở ngại lớn trên con đường phát triển, cùng tâm lý bi quan của các nhà đầu tư, Bitcoin thường xuyên bị dự báo sẽ tiếp tục trượt giá, thậm chí về mức 10.000-15.000 USD/BTC
Tâm lý bi quan
Tiền kỹ thuật số, “một biến thể” tiền điện tử mới của thị trường tài chính, hiếm khi có ngày nghỉ và không giống như cổ phiếu, loại tài sản này được giao dịch suốt 365 ngày trong năm. Tuy nhiên, các đợt giảm giá sốc, sụt giảm bất thường, đột ngột đã gióng lên hồi chuông cảnh báo cho những nhà đầu tư điên cuồng tham gia vào thị trường. Có ý kiến cho rằng, đóng cửa hàng tuần được cho là một yếu tố quan trọng trong việc xác định tính chất ngắn hạn của thị trường tiền điện tử.
Trong 2 tháng qua, Bitcoin (BTC) đã bị giới hạn trong khung giá từ 30.000- 40.000 USD/BTC. Theo nhà phân tích nổi tiếng Benjamin Cowen, đồng tiền “vua” này đã rơi vào vùng giá này quá lâu. “Nếu có gì đó, thì hiện tại chúng ta đang ở trong một xu hướng giảm hơn là một xu hướng tăng… Sự phục hồi ngay lập tứcđối với BTC,ở giai đoạn này, không khả thi lắm”.
“Chúng ta đừng mong đợi một sự phục hồi. Hai tháng qua, động thái đi ngang của BTC đã chứng minh rằng,thị trường đã quá nóng và cần tạm lắng trong mùa hè là cần thiết. Để thị trường chứng kiến bất kỳ sự phục hồi nào vào lúc này, những người chơi lớn cần phải vào cuộc”, nhà phân tích cho biết.
Mới đây, trong một chia sẻ của mình với CNBC, Chủ tịch công ty quản lý tài sản toàn cầu Guggenheim Investments, ông Scott Minerd đưa ra dự báo rằng, đồng tiền kỹ thuật số lớn nhất thế giới đang ở trong một thời kỳ sụt giảm, có thể sẽ trượt giá về ngưỡng 10.000 USD.
“Khi nhìn vào lịch sử tiền ảo và nhìn vào tình hình hiện nay, tôi thực sự tin rằng đây là một sự sụp đổ. Và các bạn biết thế nào là sụp đổ rồi đấy, giá sẽ giảm 70-80%, có nghĩa là giá Bitcoin sẽ tụt về khoảng 10.000-15.000 USD”, ông nói.
Rào cản nào với Bitcoin?
Sau khởi đầu tốt đẹp trong quý 1/2021, Bitcoin đã chạm đến đỉnh cao khi đạt mức giá 65.000 USD/BTC. Tuy nhiên, kể từ khi sự sụp đổ giá diễn ra, đồng tiền này đã phải đối mặt với nhiều thách thức hơn, các rào cản đó có thể kể đến như:
Thứ nhất, về quy chế giám sát trên toàn cầu. Từ việc Trung Quốc ban hành lệnh cấm khai thác tiền kỹ thuật số trên lãnh thổ nước này, cũng như cấm các công ty thực hiện giao dịch tiền ảo. Đến việc các quốc gia như Anh, Nhật, Canada,... có động thái ngăn chặn hoạt động của sàn giao dịch Binance khi có những dịch vụ nằm ngoài sự điều tiết của luật pháp tại những nước này.
Đặc biệt tại Mỹ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Janet Yellen và các quan chức khác của Mỹ đã liên tục cảnh báo về việc sử dụng tiền ảo cho các giao dịch phi pháp. Mà theo ông Simon Yu, CEO của startup tiền ảo StormX, Mỹ chưa xác định được làm thế nào để điều tiết hợp lý ngành công nghiệp tiền ảo. Điều này thường dẫn đến những quyết định gây khó khăn cho sự vận hành của ngành.
Ngay cả khi El Salvador là quốc gia đầu tiên chấp nhận Bitcoin là phương tiện thanh toán hợp pháp, thì cũng không nhận được sự giúp đỡ từ Ngân hàng Thế giới (World Bank) hay sự đồng tình của Quỹ tiền tệ thế giới (IMF).
Thứ hai, sự biến động giá thất thường và dễ tổn thương từ những tác động khách quan bên ngoài thị trường cũng là điểm yếu của Bitcoin và những đồng Altcoin chịu ảnh hưởng của Bitcoin.
Theo một báo cáo của UBS, nguồn cung hạn chế và hầu như không có độ co giãn của một số tiền ảo có thể làm gia tăng mức độ biến động của thị trường. Công dụng hạn chế trong thế giới thực và biến động cực mạnh của tiền ảo cũng cho thấy nhiều người mua tiền ảo chẳng qua nhằm mục đích đầu cơ.
Những người ủng hộ xem Bitcoin là một dạng “vàng kỹ thuật số”, một tài sản không chịu sự ảnh hưởng của các thị trường khác và có thể mang lại mức lợi nhuận siêu khủng ở những thời điểm kinh tế biến động. Biến động là tốt khi giá một tài sản tăng, vấn đề là giá Bitcoin có thể tăng mạnh và cũng có thể giảm mạnh không kém.
Thứ ba, tác động đến môi trường là vấn đề mà nhiều quốc gia quan tâm. Trong bối cảnh khai thác Bitcoin phải tiêu thụ một nguồn năng lượng điện lớn. Tổng mức tiêu thụ điện năng của các mỏ đào Bitcoin cũng tăng lên qua các năm, cùng với đà tăng giá của nó.
Vì vấn đề này mà ông trùm xe điện Tesla, Elon Musk đã bị cộng đồng coi là “trở mặt” khi mua 1,5 tỷ USD Bitcoin và chấp nhận Bitcoin làm phương tiện thanh toán cho khách hàng mua xe. Nhưng sau đó, chính Musk lại khiến giá Bitcoin lao dốc chóng mặt, khi ra quyết định ngừng chấp nhận Bitcoin làm phương tiện thanh toán, với lý do việc đào Bitcoin tiêu thụ quá nhiều năng lượng hoá thạch.
Điều này đã đặt ra trở ngại đối với các nhà quản lý tài sản, vốn dĩ đã chịu áp lực ngày càng lớn về hạn chế đầu tư vào những tài sản bị cho là có vấn đề về đạo đức.
Thứ tư, sự giám sát với các Stablecoin, khi loại tiền này được ánh xạ với các đồng tiền pháp định, có tỷ lệ 1:1, chẳng hạn như đồng USDT neo giá vào đồng USD. Từ đó thu hút sự chú ý của các cơ quan quản lý tại nhiều quốc gia. Cụ thể, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) chi nhánh Boston, ông Eric Rosengren nói rằng, Tether (USDT) – một stablecoin và là đồng tiền ảo lớn thứ ba thế giới, là một rủi ro đối với hệ thống tài chính.
Nói về điều này, Giáo sư tài chính Carol Alexander thuộc Đại học Sussex cũng đưa ra quan điểm, USDT là một vấn đề lớn mà cơ quan chức năng có vẻ chưa thể ngăn chặn được. Các nhà giao dịch cần USDT để mở tài khoản và mua bán tiền ảo. Hầu hếu các nhà giao dịch lớn đều đặt ở Mỹ, nên USDT được xem như lựa chọn hiển nhiên.
Thứ năm, trào lưu meme coin (những đồng tiền ảo có tính chất vui) và những vụ gian lận, khi mức độ đầu cơ ngày càng lớn trên thị trường tiền ảo tạo ra một rủi ro khác đối với Bitcoin.
Dogecoin hay SHIBA INU là những ví dụ điển hình khi tạo ra cơn sốt trong thời gian quá, chúng là những đồng tiền ảo được phát hành như một trò đùa và được gọi là một “meme coin”, đã bất ngờ tăng giá chóng mặt trong năm nay, liên tiếp lập kỷ lục và thu hút một lượng lớn nhà đầu tư cá nhân nhảy vào thị trường với mong muốn kiếm lời nhanh.
Có thời điểm, vốn hoá thị trường của Dogecoin lớn hơn cả hãng xe Ford và nhiều công ty tên tuổi khác của Mỹ, một phần không nhỏ nhờ vào sự hậu thuẫn của những nhân vật nổi tiếng như Musk. Nhưng sau đó, giá trị vốn hoá của Dogecoin đã tuột dốc không phanh.
Chuyên gia từ công ty tiền ảo StormX cho rằng, một lo ngại khác là những vụ gian lận xảy ra hết lần này đến lần khác trong năm nay, ở một số đồng ‘meme coin’ nhất định. “Chúng ta đã chứng kiến nhiều hoạt động ‘bơm thổi’ và chứng kiến nhà đầu tư cá nhân hứng chịu thiệt hại. Bất cứ khi nào nhà đầu tư cá nhân thiệt hại, Chính phủ lại vào cuộc. Và nếu mọi thứ bị điều tiết thái quá, như việc phát hành tiền ảo lần đầu (ICO) bị cấm, thì toàn ngành sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực”.
Có thể bạn quan tâm
05:29, 22/06/2021
04:40, 19/06/2021
05:25, 17/06/2021
11:00, 16/06/2021