Ba gã khổng lồ xe hơi của Đức cùng thỏa thuận “không cải tiến công nghệ” để không mất chi phí R&D và tối ưu doanh thu.
Các cơ quan quản lý chống độc quyền của châu Âu mới đây đã phạt Volkswagen và BMW hơn 1 tỷ USD - khoảng 5% lợi nhuận hàng năm của họ - vì đã “thông đồng” với nhau để tránh né việc nâng cấp công nghệ khí thải của họ. Trong âm mưu này, những kẻ “chủ mưu” là Volkswagen, BMW, và hãng sản xuất xe hơi Daimler của Mercedes.
Thỏa thuận đó là gì?
Giữa năm 2009 và 2014, ba gã khổng lồ xe hơi của Đức đã đồng ý không cạnh tranh với nhau để phát triển công nghệ khí thải sạch hơn, đắt tiền hơn.
Nhưng Volkswagen và BMW không ngờ rằng Daimler đã “phản” lại mình khi tố cáo họ với các cơ quan hành pháp, để đổi lấy quyền miễn trừ trong cuộc điều tra của EU. Với hình phạt này, Volkwagen sẽ trả 590 triệu USD, BMW sẽ trả 442 triệu USD và Daimler đáng lẽ đã phải trả gần 900 triệu USD nhưng lại "trắng án".
Thực tế thì đây chỉ là một hệ quả tất yếu, bởi Volkswagen đã bị “lộ tẩy” từ trước đó. Trong vụ bê bối Dieselgate hồi năm 2015, hãng xe này đã trang bị cho ô tô phần mềm để gian lận trong các bài kiểm tra khí thải. Kể từ đó, họ đã trả hơn 38 tỷ USD tiền phạt và phí - nhưng quan trọng hơn là hãng xe hơi Đức đã phải vật lộn suốt một thời gian dài để làm sạch danh tiếng của mình.
Giờ đây, các cơ quan quản lý của EU đang gửi đi một thông điệp mạnh mẽ hơn: không khoan nhượng với bất kì hình thức thông đồng nào. Nhìn rộng hơn, đó là một phần của cuộc chiến chống độc quyền mà Liên minh Châu Âu liên tục thúc đẩy trong thời gian qua
Đây là lần đầu tiên Liên minh Châu Âu sử dụng luật chống độc quyền để trừng phạt các công ty vì ngăn chặn sự đổi mới công nghệ. Ba hãng xe hơi đã có thể đồng ý để không tăng giá cùng một lúc - thay vào đó, họ đã “cấu kết” theo một “kịch bản” sáng tạo hơn: không đổi mới để tăng lợi nhuận. Nhưng EU đã từ chối.
Chống độc quyền cũng sẽ là một cuộc chiến “nóng” ở Mỹ. Lãnh đạo mới của FTC, Lina Khan đã nói rằng chúng tôi cần "một từ vựng mới" để giải quyết sự thống trị của Big Tech, cũng như “thông đồng” giữa những gã khổng lồ. Google và Microsoft là hai cái tên như vậy - họ đã “nhường nhịn” nhau trong suốt 5 năm dài theo một thoả thuận được ký kết, cho phép họ tự thoả thuận với nhau khi có xung đột mà không cần đến sự can thiệp của toà án.
Việc này phần nào đó giúp họ tránh khỏi những rắc rối với cơ quan hành pháp và có thể tự dàn xếp với nhau trong quyền hạn của mình - còn với góc nhìn của chính phủ, họ rõ ràng không dễ “ngồi yên” khi các công ty dưới quyền quản lý của mình đang “nhỏ to” với nhau mà họ không được can thiệp. Nhưng thoả thuận này đã hết hạn vào tháng Tư năm nay - cả Google và Microsoft đều đã nỗ lực gia hạn nhưng chưa đi đến thống nhất. Rất có thể những kiện tụng sẽ được tái khởi động trở lại - và các cơ quan thi hành pháp luật chắc chắn sẽ không bỏ qua.
Có thể bạn quan tâm