Bộ GTVT cho biết đã thuê tư vấn đánh giá an toàn hệ thống của Pháp để kiểm tra từ khâu thiết kế, thi công, lắp đặt thiết bị và vận hành toàn hệ thống.
Bộ GTVT vừa có văn bản trả lời cử tri TP Đà Nẵng liên quan đến dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông. Trước đó, cử tri thành phố này kiến nghị Bộ GTVT thận trọng khi đưa vào vận hành tuyến Cát Linh - Hà Đông để đảm bảo an toàn tuyệt đối.
"Nếu không kiểm tra, giám sát và vận hành thật chặt chẽ và chính xác thì khi có sự cố từ trên cao xuống, khả năng gây hậu quả, thiệt hại là rất lớn", cử tri Đà Nẵng lo ngại.
Bộ GTVT khẳng định, dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông là công trình cấp đặc biệt, có tính chất đặc thù, kỹ thuật cao, công nghệ hoàn toàn mới.
“Với vai trò Chủ đầu tư, Bộ GTVT nhận thức rõ trách nhiệm trong quá trình triển khai thực hiện Dự án và sẽ thực hiện các biện pháp để đảm bảo chất lượng, tuyệt đối an toàn”, Bộ GTVT thông tin.
Theo Bộ này, trong thời gian triển khai dự án, đã có nhiều đoàn thường xuyên, định kỳ kiểm tra dự án trong các lĩnh vực như: Bộ LĐ-TB&XH, Bộ TN&MT, Hội đồng nghiệm thu Nhà nước các công trình xây dựng, Kiểm toán nhà nước...
Đặc biệt, Bộ đã thuê tư vấn đánh giá an toàn hệ thống của Pháp để kiểm tra từ khâu thiết kế, thi công, lắp đặt thiết bị và vận hành toàn hệ thống.
Bộ GTVT cũng cho biết, thời gian tới sẽ tiếp tục chỉ đạo các đơn vị liên quan của bộ nâng cao hơn nữa công tác kiểm tra, kiểm soát về mặt an toàn, tiến độ, chất lượng công trình nhằm đảm bảo chất lượng, tuyệt đối an toàn, sớm đưa Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông vào khai thác.
Trước đó, tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8/2019, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh tình trạng giải ngân thấp, cần đẩy nhanh tiến độ, yêu cầu Bộ GTVT có giải pháp chủ động hơn. Trong đó, Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh yêu cầu xử lý dứt điểm vấn đề dự án đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông.
Có thể bạn quan tâm
04:38, 27/08/2019
20:05, 11/08/2019
10:06, 11/08/2019
11:00, 03/07/2019
11:00, 05/06/2019
Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông được đầu tư xây dựng bằng vốn vay ODA của Chính phủ Trung Quốc theo Hiệp định khung ký ngày 30/5/2008, thực hiện theo hình thức hợp đồng EPC. Bên tài trợ vốn chỉ định Tổng thầu thực hiện dự án là Công ty TNHH Tập đoàn Cục 6 đường sắt Trung Quốc. Tư vấn giám sát được tổ chức đấu thầu, đơn vị trúng thầu là Công ty TNHH giám sát xây dựng Viện nghiên cứu thiết kế công trình đường sắt Bắc Kinh.
Trên thực tế, dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông đã hoàn thành 99% khối lượng công việc, nhưng nhiều lần phải hoãn tiến độ đưa vào khai thác thương mại do vẫn chưa thể hoàn thành các thủ tục liên quan. Năm 2018, Bộ GTVT đặt mục tiêu đưa dự án khai thác thương mại vào tháng 4/2019, nhưng tới nay dự án vẫn chưa xong và chưa hẹn ngày về đích.
Lý giải về tình trạng chậm trễ này, Bộ GTVT cho biết, dự án chậm có cả nguyên nhân chủ quan và khách quan. Về chủ quan, do thiết kế cơ sở ban đầu sơ sài, chưa lường hết công năng nên phải điều chỉnh, bổ sung; chờ giải ngân vốn vay kéo dài; Tổng thầu EPC (Tập đoàn Cục 6 Đường sắt Trung Quốc) thiếu kinh nghiệm làm tổng thầu, kinh nghiệm thiết kế, chưa thực hiện theo đúng cam kết về tiến độ, nhưng chế tài xử lý chưa đầy đủ.
Nguyên nhân khách quan được chỉ ra là do tình trạng chậm giải phóng mặt bằng; Quy định giữa Việt Nam và Trung Quốc khác nhau; Quy định hợp đồng EPC của Việt Nam chưa đầy đủ; Sự kiện Trung Quốc hạ đặt giàn khoan HD981 trong thềm lục địa của Việt Nam đầu tháng 5/2014 ảnh hưởng trực tiếp đến việc thực hiện dự án (mất hơn 1 năm)...
Về trách nhiệm, bên cạnh chỉ ra trách nhiệm của tổng thầu, Bộ GTVT cũng nhận trách nhiệm về mình; chỉ ra thêm trách nhiệm của tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát, UBND Hà Nội (chậm giải phóng mặt bằng).
Đặc biệt, theo Bộ GTVT, có một số nội dung tổng thầu không thực hiện theo chỉ đạo của bộ; do đó, đã có văn bản báo cáo Thủ tướng, các cơ quan liên quan hỗ trợ chỉ đạo xử lý. Ban Quản lý dự án Đường sắt đã được yêu cầu rà soát hợp đồng EPC để xử lý trách nhiệm các bên, giải quyết các khiếu kiện trong trường hợp cần thiết.