Bộ GTVT đề nghị điểu chỉnh nghị quyết theo hướng cho phép đầu tư bổ sung một số hạng mục nâng cấp, mở rộng thực sự cần thiết vào các dự án BOT đang thực hiện.
Tháng 10/2017, sau khi giám sát, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 437/NQ-UBTVQH14 về một số nhiệm vụ và giải pháp tiếp tục hoàn thiện và đẩy mạnh việc thực hiện chính sách pháp luật về đầu tư và khai thác các công trình giao thông theo hình thức hợp đông xây dựng – kinh doanh – chuyển giao (BOT).
Nghị quyết 437/2017 của Quốc hội không cho phép đầu tư các dự án BOT trên các tuyến đường hiện hữu, chỉ áp dụng hình thức BOT với các tuyến đường hoàn toàn mới để đảm bảo sự minh bạch và người dân dễ lựa chọn. Chính sách đó là rất đúng, nhưng cũng gây ra một số ảnh hưởng đến các dự án hiện hữu. Do đó, cả Bộ GTVT lẫn doanh nghiệp đều mong muốn Quốc hội “nới” nghị quyết này để phù hợp với thực tế hơn.
Hiện nay, Bộ GTVT đang tập trung kêu gọi đầu tư theo hình thức PPP đối với một số dự án thành phần trên tuyến cao tốc Bắc Nam phía đông và một số tuyến cao tốc vành đai, hướng tâm có vai trò quan trọng, cấp bách, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật cho biết.
Ông Nhật cũng khẳng định, Nghị quyết 437 đã giải quyết triệt để được tồn tại về tiêu chí và chủ trương đầu tư đối với các dự án BOT mới. Tuy nhiên tại nghị quyết chưa có điều khoản chuyển tiếp đối với các dự án BOT trên đường hiện hữu đã ký hợp đồng và thực hiện đầu tư trước ngày nghị quyết 437 có hiệu lực dẫn đến cách hiểu khác nhau gây khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện.
Trên thực tế lại nảy sinh một số bất cập sau khi Nghị quyết có hiệu lực vì Nhà nước hiện ít có ngân sách để nâng cấp, cải tạo các tuyến đường quốc lộ, cao tốc hiện có. Trong khi đó, các tuyến BOT hiện có (ví dụ như cao tốc Pháp Vân-Cầu Giẽ) muốn nâng cấp, mở rộng làn đường cũng không có cơ chế để thực hiện.
Công ty Cổ phần BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ, chủ đầu tư dự án cao tốc này mới đây đã gửi văn bản lên Bộ GTVT muốn tháo gỡ một phần nghị quyết để nâng cấp tuyến đường từ 8 làn xe hiện có lên 10 làn xe, vẫn theo hình thức BOT, nhằm tăng tải, tránh ách tắc. Tương tự, một số địa phương khác đề nghị bổ sung một vài hạng mục vào các dự án BOT hiện hữu như mở rộng các cầu Như Nguyệt, Xương Giang (thuộc dự án mở rộng Quốc lộ 1 đoạn Hà Nội-Bắc Giang) hay mở rộng cầu Tam Kỳ thuộc dự án Quốc lộ 1 đoạn qua tỉnh Quảng Nam.
Bộ GTVT cũng đồng tình với những đề xuất này của doanh nghiệp và địa phương. Bộ đề nghị Ủy ban Kinh tế báo cáo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho phép điều chỉnh, bổ sung một số nội dung trong nghị quyết 437. Cụ thể là bổ sung điều khoản chuyển tiếp đối với các dự án BOT trên đường hiện hữu đã ký hợp đồng và thực hiện đầu tư trước ngày nghị quyết 437 có hiệu lực thi hành được tiếp tục thực hiện theo hợp đồng đã ký.
Điều chỉnh tiếp theo là cho phép đầu tư bổ sung một số hạng mục nâng cấp, mở rộng thực sự cần thiết vào các dự án BOT đang thực hiện để tăng cường kết nối, đảm bảo nhu cầu vận tải, nâng cao an toàn giao thông và phát huy tối đa hiệu quả đầu tư của các dự án BOT.
Có thể bạn quan tâm
Vì sao nhà đầu tư không còn mặn mà với BOT giao thông?
11:03, 11/11/2020
Vì sao nhiều dự án BOT giao thông bị tạm dừng?
00:00, 29/10/2019
Phát hành trái phiếu vàng cho dự án BOT giao thông thay vì bắt ngân hàng làm "con tin"
15:00, 21/10/2019
Giải pháp hút vốn đầu tư BOT giao thông
01:00, 16/05/2019
Thủ tướng yêu cầu xử lý phản ánh về tình trạng hụt thu tại các dự án BOT giao thông
20:46, 09/05/2019