Vì sao nhiều dự án BOT giao thông bị tạm dừng?

Diendandoanhnghiep.vn Có ít nhất 12 dự án BOT đã ký hợp đồng nhưng phải dừng lại, nhiều trạm thu phí đặt “nhầm chỗ” đang được xử lý,…

Trạm thu phí đặt “nhầm chỗ” Bắc Thăng Long - Nội Bài đang thu phí cho tuyến tránh Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc

Trạm thu phí đặt “nhầm chỗ” Bắc Thăng Long-Nội Bài đang thu phí cho tuyến tránh Vĩnh Yên,Vĩnh Phúc.

Bộ Giao thông Vận tại (GTVT) vừa có báo cáo gửi Quốc hội về tình hình triển khai đầu tư các dự án BOT giao thông.

Chỉ triển khai kêu gọi đầu tư BOT 8 đoạn cao tốc Bắc - Nam phía Đông

Theo đó, Bộ này tiếp tục khẳng định chủ trương kêu gọi vốn tư nhân cho đầu tư hạ tầng giao thông là cần thiết, đúng đắn, thực tế triển khai đã đạt những kết quả nhất định. Tuy nhiên, Bộ này cũng thừa nhận quá trình thực hiện các dự án BOT giao thông còn những hạn chế, vướng mắc, bất cập.

Sau khi rà soát lại toàn bộ các dự án đã, đang và sắp triển khai theo hình thức BOT, Bộ GTVT đã dừng 4 dự án đã ký hợp đồng và đang triển khai; dừng 8 dự án đường bộ đã phê duyệt đề xuất, hoặc đang lập báo cáo nghiên cứu khả thi. Hiện tại, chỉ triển khai kêu gọi đầu tư BOT vào 8 đoạn cao tốc Bắc - Nam phía Đông, giai đoạn 2017-2020.

Ngoài ra, Bộ GTVT đã phối hợp với các bộ ngành, địa phương, nhà đầu tư điều chỉnh vị trí một số trạm thu phí có bất cập; miễn, giảm phí; chỉ đạo các nhà đầu tư công khai thông tin dự án tại trạm thu phí (tổng mức đầu tư, thời gian thu phí, thời điểm thu phí...).

Bộ GTVT cũng chủ động mời Kiểm toán Nhà nước kiểm toán toàn bộ các dự án (đã kiểm toán 67 cuộc tại 60 dự án BOT, BT giao thông). Thực hiện nghiêm kết luận của Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra với các vấn đề còn tồn tại, đặc biệt là về xử lý tài chính, xử lý trách nhiệm và quyết toán chi phí đầu tư.

Di dời nhiều trạm thu phí

Về trạm thu phí BOT, Bộ GTVT thừa nhận vẫn còn một số trạm thu phí có tính chất đặc thù, gặp khó khăn, vướng mắc, Bộ GTVT đã báo cáo, Chính phủ cũng họp và chỉ đạo xử lý.

Cụ thể, đối với trạm thu phí Bắc Thăng Long - Nội Bài (thu phí cho tuyến tránh Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc), Chính phủ giao Bộ GTVT kiểm tra, đánh giá toàn diện, không để xảy ra thất thoát, tham nhũng. Bộ GTVT đang triển khai cho các đơn vị liên quan thực hiện.

Với trạm thu phí Bỉm Sơn (thu phí tuyến tránh TP Thanh Hóa), Chính phủ giao Bộ GTVT nghiên cứu, triển khai phương án di dời trạm về tuyến tránh. Bộ GTVT cùng địa phương đang đàm phán với nhà đầu tư lựa chọn vị trí đặt trạm phù hợp.

Trạm thu phí Tân Đệ (Thái Bình), sau khi di dời về tuyến tránh Đông Hưng, hiện nhà đầu tư đang xây dựng trạm thu phí, dự kiến thu phí trong cuối năm nay.

Với trạm thu phí Cai Lậy (Tiền Giang), Bộ GTVT đã nghiên cứu 3 phương án và xin ý kiến UBND tỉnh Tiền Giang, phấn đấu sớm thu phí trở lại. Với phương án dự kiến là có 2 trạm thu phí (trên tuyến tránh và tuyến QL1), thu phí thu hồi vốn cho từng hợp phần, thu đủ phần nào sẽ dừng trạm thu phí đó. Đồng thời, tổ chức giao thông, cấm xe tải, xe khách lớn qua thị xã Cai Lậy.

Trạm thu phí T2 QL91, hiện đang dừng thu phí để chờ các bên thống nhất phương án đảm bảo quyền lợi các bên (nhà đầu tư, người dân, ngân hàng cho vay vốn) phù hợp với nguồn lực.

Trạm thu phí trên tuyến Hòa Lạc - Hòa Bình, trong thời gian xây dựng phương án miễn, giảm phí chính thức, tạm thời đang miễn phí cho người dân quanh trạm thu phí. Hiện phương án chính thức đã được xây dựng, các bên đã thống nhất và tình hình trạm thu phí đã ổn định.

Với riêng Dự án cao tốc Bắc - Nam, Bộ GTVT cũng đã báo cáo tới Quốc hội tình hình thực hiện dự án, trong đó Bộ GTVT đặc biệt nhấn mạnh đến những khó khăn, vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng của dự án trọng điểm quốc gia này.

Trong một diễn biến có liên quan, Bộ GTVT thống nhất với kiến nghị của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về việc giữ nguyên nhóm nợ đối với Dự án BOT QL19 nói riêng và các dự án BOT nói chung có doanh thu sụt giảm bởi những nguyên nhân khách quan.

Bộ GTVT cho biết, đề xuất này sẽ giúp tránh phá vỡ phương án tài chính của các dự án, tránh để các khoản vay đầu tư BOT bị chuyển thành nợ xấu, ảnh hưởng đến toàn bộ hoạt động của Tổng công ty 36 (nhà đầu tư Dự án BOT QL19) nói riêng và của các doanh nghiệp dự án nói chung, ảnh hưởng đến chủ trương kêu gọi đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức PPP.

Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, tính đến ngày 31/3/2019, đã có 24 tổ chức tín dụng cấp tín dụng cho 105 dự án BOT, BT giao thông, trong đó, 93 dự án đã hoàn thành, đưa vào khai thác với tổng hạn mức cấp tín dụng là 175.296 tỷ đồng, tổng dư nợ cấp tín dụng là 103.573 tỷ đồng.

Trong số 93 dự án hoàn thành, có 30 dự án có doanh thu thu phí không đạt như phương án tài chính ban đầu với dư nợ khoảng 54.290 tỷ đồng. 

Trong khi đó, báo cáo với Quốc hội về hoạt động của hệ thống ngân hàng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng đã lên tiếng thẳng thắn chỉ ra những rủi ro, lo ngại của Ngân hàng Nhà nước về 53.000 tỷ đồng đang cho vay các dự án BOT, BT.

Cụ thể hơn tại báo cáo này, Thống đốc Lê Minh Hưng bày tỏ lo ngại khi có nhiều dự án BOT, BT giao thông đã hoàn thành, đi vào khai thác có doanh thu không đạt như phương án tài chính ban đầu, với dư nợ khoảng 53.000 tỷ đồng có nguy cơ phải cơ cấu nợ, phát sinh nợ xấu cho các ngân hàng thương mại.

Đánh giá của bạn:

Mời các bạn tham gia vào group Diễn đàn Doanh nghiệp để thảo luận và cập nhật tin tức.

Bạn đang đọc bài viết Vì sao nhiều dự án BOT giao thông bị tạm dừng? tại chuyên mục Thời sự của Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác: email toasoan@dddn.com.vn, hotline: 0985698786,
Bình luận
Bạn còn /500 ký tự
Xếp theo: Thời gian | Số người thích
SELECT id,type,category_id,title,description,alias,image,related_layout,publish_day FROM cms_post WHERE `status` = 1 AND publish_day <= 1714106547 AND in_feed = 1 AND top_home <> 1 AND status = 1 AND publish_day <= 1714106547 ORDER BY publish_day DESC, id DESC LIMIT 0,11
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10