Hóa giải nợ xấu BOT giao thông

HÀ ANH 14/11/2023 03:40

Vấn đề nợ xấu của các dự án BOT giao thông lại một lần nữa làm nóng Kỳ họp thứ 6 của Quốc hội với tỷ lệ nợ xấu cao hơn nhiều so với con số chung.

 Tổng dự nợ tín dụng đối với các dự án BOT, BT giao thông 92.319 tỷ đồng, chỉ chiếm 0,72% tổng dư nợ, nhưng nợ xấu chiếm tới 3,83%.

Tổng dự nợ tín dụng đối với các dự án BOT, BT giao thông 92.319 tỷ đồng, chỉ chiếm 0,72% tổng dư nợ, nhưng nợ xấu chiếm tới 3,83%.

>>>5 giải pháp của NHNN nhằm gỡ khó khăn, vướng mắc cho vay bất động sản

Nhiều chuyên gia cho rằng cần sớm có giải pháp ngăn ngừa và xử lý nợ xấu BOT giao thông để tránh làm tắc nghẽn dòng chảy tín dụng ra nền kinh tế.

Dư nợ không lớn, nợ xấu lớn

Trả lời chất vấn của đại biểu Nguyễn Đại Thắng (Hưng Yên), Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, tính đến ngày 30/9, có 22 TCTD thực hiện cấp tín dụng đối với các dự án BOT, BT giao thông, với tổng dư nợ 92.319 tỷ đồng, chỉ chiếm 0,72% tổng dư nợ, nhưng nợ xấu chiếm tới 3,83%, cao hơn nhiều so với tỷ lệ nợ xấu của toàn hệ thống TCTD. Ngoài ra, theo Thống đốc NHNN, tỷ lệ nợ nhóm 2 của các dự án BOT, BOT lên tới 26,52%. Trong khi nợ nhóm 2 (nợ cần chú ý) là nhóm nợ ngay sát nợ nhóm 3 (nợ xấu).

“Nguyên nhân khiến nợ xấu BOT tăng mạnh do các phương án tài chính của các dự án thường không đúng như với phương án tài chính xây dựng ban đầu”, bà Hồng cho biết.

Bên cạnh đó, thực trạng trên còn do năng lực tài chính, quản trị của nhiều nhà đầu tư còn hạn chế. Ngoài ra, một số dự án làm xong không được thu phí, mở thêm các tuyến đường không thu phí khiến xe né trạm làm cho doanh thu không đạt như phương án tài chính…

>>>Nợ xấu tăng thêm do đâu?

Còn nhớ hồi giữa tháng 10/2022, Chính phủ đã trình Quốc hội giải pháp xử lý vướng mắc, bất cập tại 8 dự án BOT giao thông theo hướng hỗ trợ một phần chi phí và kéo dài thời gian thu phí. Chính phủ kiến nghị trường hợp đàm phán không thành công với nhà đầu tư BOT theo phương án trên, phải chấm dứt hợp đồng trước thời hạn, cho phép Chính phủ sử dụng khoảng 13.115 tỉ đồng để trả cho nhà đầu tư các dự án, chuyển tài sản của đầu tư về sở hữu nhà nước.

Cách nào xử lý?

Theo các chuyên gia, việc cho vay đối với các dự án cơ sở hạ tầng giao thông tiềm ẩn rủi ro rất lớn. Thứ nhất, các dự án giao thông có nhu cầu vốn rất lớn, trong khi nguyên tắc kinh doanh ngân hàng cần phải phân tán rủi ro. Thứ hai, cho vay BOT chủ yếu là hình thức cho vay tín chấp, không tài sản bảo đảm.

Thứ ba, thời gian vay vốn của các dự án giao thông thường kéo dài từ 10-15 năm hoặc lâu hơn. Trong khi nguồn vốn của các ngân hàng lại chủ yếu là ngắn hạn, nên rủi ro thanh khoản, rủi ro lãi suất cũng rất lớn. Đó chính là lý do mà NHNN chủ trương giảm dần tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung - dài hạn của các nhà băng (từ 1/10/2023 đã giảm còn 30%).

Thứ tư, các ngân hàng rất khó để kiểm soát hết nhưng rủi ro liên quan đến chất lượng các dự án, chẳng hạn tỷ lệ thất thoát vốn trong quá trình xây dựng, lưu lượng xe cộ lưu thông thấp hơn dự kiến, mức phí của chủ đầu tư đưa ra không được người dân chấp nhận…

“Đó chính là những nguyên nhân khiến các ngân hàng không mặn mà cho vay đối với các dự án giao thông”, một chuyên gia cho biết.

Bản thân NHNN cũng liên tục cảnh báo các ngân hàng kiểm soát việc cấp tín dụng đối với những lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro, trong đó có các dự án BOT giao thông. Ông Đào Minh Tú - Phó Thống đốc NHNN đã từng phát biểu với báo giới, ngành Ngân hàng không phân biệt các ngành kinh tế trong cấp tín dụng, bởi ngành nào cũng quan trọng. Nhưng nếu lĩnh vực nào rủi ro thì NHNN đều phải đưa ra cảnh báo, giám sát dòng vốn chảy vào lĩnh vực đó và hạn chế ảnh hưởng tới toàn hệ thống.

Đồng quan điểm, giới chuyên gia cho rằng, giải pháp tốt nhất để “chữ” bệnh nợ xấu đối với các dự án BOT giao thông là phải “phòng”, tức hạn chế cho vay đối với lĩnh vực này. Phát biểu trước Quốc hội hôm 6/11, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cũng cho rằng: “Với tính chất nguồn vốn cho xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông là số lượng lớn, thời kỳ dài hạn thì chính sách huy động vốn cần phải huy động nhiều nguồn lực tài chính khác, kể cả trong nước và nước ngoài thì mới có thể đáp ứng được yêu cầu, còn vốn tín dụng ngân hàng cũng thực hiện, tuy nhiên vẫn phải đảm bảo an toàn hoạt động của hệ thống ngân hàng”.

Có thể bạn quan tâm

  • Nợ xấu tăng thêm do đâu?

    Nợ xấu tăng thêm do đâu?

    04:05, 01/11/2023

  • Lật tẩy chiêu lừa “xóa nợ xấu” ngân hàng

    Lật tẩy chiêu lừa “xóa nợ xấu” ngân hàng

    11:15, 29/10/2023

  • Nợ xấu đáng quan ngại

    Nợ xấu đáng quan ngại

    04:50, 27/10/2023

  • Tỷ lệ nợ xấu/dưp/nợ tín dụng có biểu hiện

    Tỷ lệ nợ xấu/dư nợ tín dụng có biểu hiện "tăng nhẹ"

    05:00, 12/10/2023

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Hóa giải nợ xấu BOT giao thông
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO