Bộ luật Lao động sửa đổi giúp người lao động hưởng lợi công bằng từ tăng trưởng kinh tế

Anh Trà 20/11/2019 15:16

Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) chúc mừng Việt Nam vừa thông qua Bộ luật Lao động sửa đổi. Theo ILO, Bộ luật mới này phù hợp hơn với các quyền lao động cơ bản phổ quát.

Theo ILO< Bộ Luật Lao động sửa đổi giúp người lao động hưởng lợi công bằng từ tăng trưởng kinh tế

Theo ILO, Bộ luật Lao động sửa đổi giúp người lao động hưởng lợi công bằng từ tăng trưởng kinh tế

Tổ chức Lao động Quốc tế đã hoan nghênh bước tiến mới của Việt Nam đã đưa khuôn khổ pháp luật tiệm cận hơn các tiêu chuẩn lao động quốc tế với việc thông qua Bộ luật Lao động sửa đổi vào ngày 20/11/2019.

“Đây là một tiến bộ quan trọng do những sửa đổi trong Bộ luật Lao động sẽ cải thiện đáng kể vấn đề việc làm và quan hệ lao động của Việt Nam, tạo nền tảng vững chắc cho hội nhập quốc tế và thương mại công bằng”, Tiến sĩ Chang-Hee Lee, Giám đốc ILO Việt Nam, cho biết. 

Có thể bạn quan tâm

  • Quốc hội thông qua Bộ Luật Lao động:

    Quốc hội thông qua Bộ Luật Lao động: "Chốt" giữ giờ làm việc bình thường, tăng giờ làm thêm với ngành nghề đặc biệt

    09:01, 20/11/2019

  • Bộ Luật Lao động sửa đổi: Chính phủ thấu hiểu,p/doanh nghiệp nặng tình

    Bộ Luật Lao động sửa đổi: Chính phủ thấu hiểu, doanh nghiệp nặng tình

    12:00, 12/11/2019

  • Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi): Giảm giờ làm có thể khiến tốc độ tăng trưởng giảm đi

    Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi): Giảm giờ làm có thể khiến tốc độ tăng trưởng giảm đi

    19:28, 23/10/2019

  • Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi): Tăng tuổi hưu và lo ngại chuyện thực thi

    Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi): Tăng tuổi hưu và lo ngại chuyện thực thi

    15:37, 23/10/2019

Lần sửa đổi Bộ luật Lao động mới nhất này (các lần sửa đổi trước vào năm 1994, 2002, 2006 và 2012) tạo khung pháp luật hoàn thiện hơn cho quan hệ việc làm, điều kiện lao động và chức năng đại diện của người sử dụng lao động và người lao động. Bộ luật Lao động sửa đổi lần này cũng chú trọng hơn tới việc thực hiện thương lượng tập thể tự nguyện, một công cụ cần thiết đối với một nền kinh tế thị trường hiện đại theo định hướng xã hội chủ nghĩa trong tiến trình hội nhập toàn cầu sâu rộng. 

Nội dung thay đổi quan trọng nhất trong Bộ luật Lao động sửa đổi lần này là khả năng người lao động tại doanh nghiệp được quyền thành lập hay tham gia một tổ chức đại diện do họ lựa chọn, không nhất thiết phải là thành viên của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. 

Giám đốc ILO Việt Nam giải thích: “Tự do hiệp hội là một quyền cơ bản được nêu trong Tuyên bố về các Nguyên tắc và Quyền cơ bản trong Lao động năm 1998 của ILO. Tự do hiệp hội giúp cải thiện quá trình thương lượng tập thể, cho phép người lao động được hưởng lợi ích công bằng hơn và cho phép doanh nghiệp thỏa thuận những cải thiện năng suất cần thiết”.

Một nội dung thay đổi lớn khác là Bộ luật Lao động mở rộng phạm vi bảo vệ tới những người lao động được tuyển dụng nhưng không được ký hợp đồng lao động bằng văn bản.

“Nhờ có sự tham vấn chặt chẽ, các quyền và nghĩa vụ của người sử dụng lao động và người lao động giờ đây được quy định rõ ràng hơn, cũng như đã có thêm các quyền và quy trình thể chế mới”, TS Lee cho biết thêm. 

Điểm tiến bộ được thể hiện ở những định nghĩa mới về phân biệt đối xử và quấy rối, việc cho phép người lao động được đơn phương nghỉ việc với điều kiện có thông báo trước một cách phù hợp. Bộ Luật cũng đưa ra hướng dẫn chi tiết hơn về cưỡng bức lao động và lao động chưa thành niên, giúp người sử dụng lao động hiểu rõ hơn những gì được pháp luật cho phép và không cho phép, cũng như và giúp tăng cường năng lực của thanh tra lao động trong việc tư vấn và thực thi pháp luật trong những lĩnh vực này.

Cùng với quyền tự do hiệp hội, xóa bỏ phân biệt đối xử, lao động trẻ em và lao động cưỡng bức là bốn nguyên tắc được đặt ra trong tám Công ước cơ bản của ILO trong khuôn khổ Tuyên bố 1998. Việt Nam đã phê chuẩn 6 trên 8 công ước này, hai công ước còn lại là Công ước số 105 về lao động cưỡng bức và Công ước số 87 về tự do hiệp hội – dự kiến sẽ được phê chuẩn lần lượt vào năm 2020 và 2023.

Tôn trọng các công ước cơ bản của ILO là yêu cầu trọng tâm của các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới bao gồm CPTPP (Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương) và EVFTA (hiệp định thương mại tự do EU- Việt Nam) cũng như của các chính sách về trách nhiệm xã hội doanh nghiệp của nhiều tập đoàn đa quốc gia.

“Bộ luật Lao động sửa đổi đóng vai trò quan trọng, mở đường cho việc thực hiện một cách đầy đủ Tuyên bố 1998 của ILO”, TS Lee nhận định, “bởi Bộ Luật tạo khung pháp luật tốt hơn về việc làm và quan hệ lao động, giúp tăng trưởng công bằng và bền vững, trong bối cảnh Việt Nam đang phấn đấu trở thành quốc gia có thu nhập trung bình cao. Điều này cũng sẽ góp phần đáng kể để đạt được tiến bộ về việc làm thỏa đáng cho mọi người lao động, cả nam và nữ”.

Trong suốt quá trình sửa đổi Bộ luật Lao động kể từ năm 2016, ILO đã và đang hỗ trợ kỹ thuật cho Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, các tổ chức của người lao động và người sử dụng lao động và Quốc hội, nhằm giúp Việt Nam tổ chức tham vấn về nội dung dự thảo một cách đầy đủ nhất, đảm bảo các bên liên quan được tham khảo các bằng chứng và nghiên cứu, đồng thời thu hẹp khoảng cách giữa khung pháp lý quốc gia và các Công ước cơ bản của ILO.

“Bộ luật vừa được thông qua thể hiện rõ những bước tiến quan trọng, tiệm cận và phù hợp hơn với cả bốn nguyên tắc cơ bản trong lao động đã được quốc tế công nhận. Tuy nhiên, cũng như ở nhiều nước khác, vẫn còn có những khoảng cách và nội dung có thể tiếp tục cải thiện”, Giám đốc ILO Việt Nam chia sẻ.

Vẫn còn có khoảng cách trong việc thực hiện đầy đủ các nguyên tắc liên quan đến chống phân biệt đối xử và bình đẳng giới trong lao động. Ngoài ra, quyền tự do hiệp hội trong Bộ luật Lao động sửa đổi hiện chỉ áp dụng đối với người lao động trong doanh nghiệp, nên sẽ cần phải được mở rộng phạm vi trong những năm tới đây để song hành với những nỗ lực của Chính phủ hướng tới phê chuẩn Công ước số 87 của ILO vào năm 2023.

Tuy nhiên, vấn đề cần chú trọng trước mắt là việc giải thích các điều khoản mới thông qua việc ban hành các nghị định hướng dẫn và thiết lập các thiết chế thực chất để áp dụng và triển khai.

Trong suốt quá trình sửa đổi, Chính phủ và các tổ chức của người lao động và người sử dụng lao động ở Việt Nam đã thể hiện cam kết của mình đối với công cuộc cải cách này. Điều này đã được minh chứng bởi việc phê chuẩn Công ước số 98 về thương lượng tập thể vào tháng 6/2019 và việc thông qua kế hoạch chi tiết hướng tới phê chuẩn hai công ước cơ bản còn lại.

“Cho đến nay họ đã và đang biến cam kết của mình thành hành động cụ thể”, Giám đốc ILO Việt Nam cho biết, đồng thời một lần nữa khẳng định ILO sẽ tiếp tục hợp tác với Chính phủ, người lao động, người sử dụng lao động và các bên liên quan khác “cho tới khi các Nguyên tắc và Quyền cơ bản trong Lao động của ILO được đưa vào thực tế”. 

Giám đốc ILO tin tưởng, Việt Nam sẽ thành công với nhiệm vụ này vì tương lai của chính mình – một tương lai được xây dựng trên cơ sở năng suất cao hơn, điều kiện làm việc tốt hơn, chia sẻ lợi ích kinh tế công bằng, bình đẳng, tiếng nói của người lao động và người sử dụng lao động được ghi nhận, và ổn định chính trị xã hội.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Bộ luật Lao động sửa đổi giúp người lao động hưởng lợi công bằng từ tăng trưởng kinh tế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO