Đường thủy nội địa (ĐTNĐ) khu vực miền Trung chưa có cơ quan đại diện cảng vụ, khiến công tác điều hành, giám sát bị “bỏ ngỏ”, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông sông nước.
Theo thống kê của Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia, trong năm 2021 toàn quốc xảy ra 53 vụ tai nạn giao thông (TNGT) đường thủy. Số vụ TNGT đường thuỷ năm 2021 tuy có giảm so với năm 2020 nhưng vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ phức tạp, diễn biến khó lường.
Ông Nguyễn Vũ Hải- Phó cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết trong những năm gần đây, hoạt động kiểm soát phương tiện vận tải ĐTNĐ đã có nhiều chuyển biến. Tuy nhiên vẫn còn nhiều nguy cơ mất an toàn giao thông đường thủy, như nhiều phương tiện thủy gia dụng (dưới 15 tấn, 5-15CV) vẫn nằm trong nhóm nguy cơ mất an toàn giao thông cao do chưa được kiểm soát tốt vấn đề an toàn khi tham gia giao thông ĐTNĐ.
Bên cạnh đó, vẫn còn phổ biến tình trạng mở bến, bãi không phép; nuôi cá lồng, họp chợ, xây dựng trái phép; lấn chiếm hành lang bảo vệ luồng ĐTNĐ; khai thác cát, sỏi và sử dụng chất nổ, xung điện đánh bắt thủy sản trái phép, gây sạt lở đất, hư hỏng đê, kè…
Ngoài ra, sự phối hợp giữa các sở, ban, ngành, đơn vị, địa phương có liên quan trong việc tổ chức thực hiện các biện pháp bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông ĐTNĐ, chống lấn chiếm hành lang bảo vệ luồng và bảo đảm trật tự, an toàn giao thông còn chưa được quan tâm đúng mức nên vấn đề mất an toàn giao thông ĐTNĐ vẫn xảy ra.
Thực trạng nói trên không chỉ ở Nghệ An, mà còn tồn tại ở vùng duyên hải miền Trung với trên 800 sông, suối với tổng chiều dài gần 10.000km, chiếm 9,1% tổng chiều dài sông, suối trên địa bàn cả nước. Trong khi đó, hệ thống giao thông ĐTNĐ của khu vực này với 10 tuyến chính có tổng chiều dài 831,4km các tuyến sông nội tỉnh, chiều sâu trung bình từ 1,0m-2,0m cũng chưa được quan tâm quản lý, kiểm soát kịp thời.
Ông Mai Xuân Liêm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá cho biết mạng lưới giao thông đường thủy của tỉnh Thanh Hóa rộng lớn, nhưng đến nay chưa có Cảng vụ ĐTNĐ. Do đó, công tác quản lý nhà nước chuyên ngành trên các tuyến ĐTNĐ quốc gia thiếu đi sự đồng bộ trong việc chấp hành pháp luật giao thông đường thủy và chưa đáp ứng được nhu cầu trong nhiệm vụ bảo đảm trật tự an toàn giao thông ĐTNĐ…
“Các cảng, bến, khu neo đậu được cấp phép nhưng không có cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành về ĐTNĐ dẫn đến việc chấp hành các quy định pháp luật về trật tự, an toàn giao thông ĐTNĐ và bảo vệ môi trường chưa được nghiêm túc; các thủ tục giải quyết phương tiện ra, vào bến, cảng chưa được thực hiện; nhiều phương tiện thủy cấp VR-SB vận tải vùng ven biển hoạt động tuyến vận tải phía Bắc, phía Nam ra, vào tỉnh Thanh Hóa chưa được kiểm tra, kiểm soát và cấp giấy phép vào, rời cảng, bến... gây mất an toàn giao thông ĐTNĐ”, ông Mai Xuân Liêm nhấn mạnh.
Đây không chỉ là tồn tại ở tỉnh Thanh Hóa, mà là thực trạng chung của các tỉnh khu vực miền Trung. Bởi vậy, trong văn bản góp ý dự thảo báo cáo tổng kết Luật Giao thông ĐTNĐ, UBND tỉnh Nghệ An và UBND tỉnh Thanh Hóa đã đề xuất Bộ, ngành Trung ương chỉ đạo cần thành lập cơ quan đại diện cảng vụ nội địa ở các địa phương này.
Các tỉnh, thành miền Trung cũng cho rằng, sự có mặt của cơ quan cảng vụ ĐTNĐ sẽ góp phần vào việc đảm bảo thông suốt hệ thống giao thông vận tải đường sông, góp phần thúc đẩy khai thác tiềm năng, lợi thế của địa phương để phát triển kinh tế - xã hội.
Có thể bạn quan tâm