Luật quy định CPI phải trên 20% mới trình điều chỉnh, trong khi đó, CPI từ 2020 đến 2023 chỉ 11,47%. Do đó, Bộ Tài chính chưa điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh là đang thực hiện đúng luật.
>>Điểm sáng hỗ trợ sửa Luật Thuế thu nhập cá nhân
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc báo cáo giải trình về việc chưa điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh, tại phiên thảo luận đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2023; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2024, chiều 29/5.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, Luật Thuế thu nhập cá nhân có hiệu lực từ 2009, khi đó mức giảm trừ với người nộp thuế 4 triệu đồng và mỗi người phụ thuộc được giảm trừ 1,6 triệu đồng/tháng.
Luật Thuế thu nhập cá nhân sửa đổi 2013 nâng mức giảm trừ lên 9 triệu đồng, có nghĩa là 108 triệu đồng/năm và với người phụ thuộc là 3,6 triệu đồng/tháng. Luật cũng quy định là khi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) biến động trên 20% thì trình UBTVQH điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh.
Ngày 2/6/2020, Quốc hội có Nghị quyết 954, nâng mức giảm trừ lên 11 triệu đồng/tháng, người phụ thuộc 4,4 triệu/tháng. Như vậy, hiện nay người lao động có 1 người phụ thuộc thì thu nhập 17 triệu đồng trở lên mới phải nộp thuế, còn có 2 người phụ thuộc thì thu nhập trên 22 triệu đồng mới nộp thuế, chưa kể trừ bảo hiểm bắt buộc.
Trước băn khoăn của đại biểu về việc lâu nay chưa trình xem xét điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết luật quy định CPI phải trên 20% mới trình điều chỉnh, trong khi đó, trên thực tế mức CPI từ 2020 đến 2023 chỉ 11,47%.
Hơn nữa, mức phải nộp thuế đang là 11 triệu đồng, cao hơn 2,2 lần thu nhập bình quân (4,96 triệu đồng), trong khi thế giới chỉ cao hơn dưới 1 lần. “Như vậy, Bộ Tài chính đang thực hiện đúng luật”, ông Hồ Đức Phớc khẳng định.
Về thời điểm trình sửa luật, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết theo chương trình xây dựng luật và pháp lệnh, Chính phủ sẽ trình Quốc hội vào tháng 10/2025 và xem xét thông qua luật vào tháng 5/2026.
“Nếu UBTVQH quyết định đưa dự án luật vào chương trình để xem xét ngay kỳ họp cuối năm nay thì chúng tôi sẽ chấp hành. Khi đó sẽ xin ý kiến đại biểu Quốc hội, Nhân dân và bộ ngành để đưa ra quy định phù hợp, trong đó có việc có nên quy định mức CPI trên 20% hay không”, ông Hồ Đức Phớc nói.
>>Để thuế thu nhập cá nhân không còn là nghịch lý
>>Cải cách thuế thu nhập cá nhân nhìn từ thế giới
Trước đó, phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu Đặng Bích Ngọc (Hoà Bình), đề nghị cần nghiên cứu sớm sửa đổi toàn diện Luật Thuế thu nhập cá nhân. Đồng tình với phát biểu của đại biểu Nguyễn Thị Thuỷ (Bắc Kạn) đã phát biểu sáng 29/5 về mức giảm trừ gia cảnh đối với mỗi người phụ thuộc 4,4 triệu đồng/tháng làm cơ sở để tính thuế thu nhập cá nhân.
Theo đại biểu Đặng Bích Ngọc, cần điều chỉnh tăng mức giảm trừ gia cảnh đối với bản thân người nộp thuế chỉ đang ở mức 132 triệu đồng/năm, tương đương 11 triệu đồng/tháng. Biểu thuế lũy tiến từng phần cũng cần nghiên cứu điều chỉnh nâng các mức thuế lũy tiến từng phần thu nhập (hiện nay phần thu nhập tính thuế đến 60 triệu/năm đã phải chịu thuế suất 5%).
Đại biểu Đặng Bích Ngọc cho biết, Luật Thuế thu nhập cá nhân được ban hành từ năm 2007, đến nay vẫn áp dụng thuế suất, biểu thuế từ năm 2007 là không còn phù hợp với thực tế. Từ năm 2007 đến nay, thu nhập bình quân, tăng trưởng GDP và quy mô kinh tế của Việt Nam đã có sự thay đổi rất lớn. Thuế thu nhập cá nhân là loại thuế trực thu, được tính trực tiếp trên thu nhập của người lao động…
Do đó, đại biểu Đặng Bích Ngọc đề nghị Chính phủ cần nghiên cứu sớm báo cáo Quốc hội sửa đổi toàn diện Luật Thuế thu nhập cá nhân theo hướng chỉ tính thuế đối với những người có thu nhập cao để phù hợp với yêu cầu, quy mô phát triển của đất nước và không ảnh hưởng lớn đến thu nhập của người lao động có thu nhập thấp.
Có thể bạn quan tâm
21:21, 18/05/2024
12:00, 04/04/2024
22:08, 25/02/2024
04:00, 24/11/2023