Bộ trưởng Bộ Công Thương: Xuất khẩu gạo phải "đánh chắc thắng chắc"

LÊ MỸ 04/08/2023 16:44

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, xuất khẩu gạo vẫn phải xuất khẩu để tranh thủ thời cơ, nhưng phải đảm bảo an ninh lương thực quốc gia.

>>>Chiến lược của doanh nghiệp ngành gạo để giữ vững "ngôi vương"

Nhiều yếu tố tác động thị trường xuất khẩu gạo

Những tháng đầu năm 2023, tình hình thế giới tiếp tục biến động phức tạp, đã tác động, ảnh hưởng lớn đến tăng trưởng, tiềm ẩn rủi ro đối với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế nước ta nói chung và hoạt động thương mại gạo nói riêng. Báo cáo của Bộ Công Thương tại Hội nghị triển khai công tác điều hành xuất khẩu gạo của Bộ Công Thương tổ chức ngày 4/8, cho biết: Tuy nhiên, với sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cùng sự chỉ đạo của Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các Bộ, ngành, địa phương về giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất và đẩy mạnh xuất khẩu đã góp phần mang lại cho hoạt động xuất khẩu gạo những kết quả tích cực.  

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Bộ Công Thương

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Bộ Công Thương

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, với sản lượng lúa dự kiến cả năm đạt trên 43 triệu tấn, ngoài đảm bảo an ninh lương thực trong nước, chế biến, làm giống, chăn nuôi, Việt Nam có thể xuất khẩu trên 7,5 triệu tấn gạo trong năm 2023. 

Theo ước tính của cơ quan liên Bộ, đến hết tháng 7 năm 2023, Việt Nam ước xuất khẩu 4,83 triệu tấn gạo, trị giá 2,58 tỷ USD, tăng 18,7% về lượng và tăng 29,6% về trị giá so với cùng kỳ. Cơ cấu chủng loại gạo xuất khẩu đi đúng định hướng, gia tăng giá trị cho hạt gạo với các chủng loại như: gạo thơm, gạo nếp, gạo trắng cao cấp,… Bên cạnh các thị trường xuất khẩu truyền thống, trọng điểm được tiếp tục giữ vững như: Philippines, Trung Quốc, Indonesia, Malaysia, Bờ Biển Ngà, Hồng Kông, một số khu vực thị trường ghi nhận tăng trưởng vượt bậc như EU.

>>>Doanh nghiệp ngành gạo nào hưởng lợi khi giá gạo tăng?

"Tuy đạt được những kết quả tích cực trong nửa đầu năm 2023 nhưng đến giữa tháng 7 năm 2023 thị trường thương mại gạo toàn cầu bắt đầu có những dấu hiệu diễn biến phức tạp như: i) lệnh cấm xuất khẩu gạo tại một số thị trường (Ấn Độ, UAE, Nga); ii) hiện tượng El Nino gây ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất  ngũ cốc tại nhiều khu vực; iii) tình hình địa chính trị còn diễn biến phức tạp (Nga rút khỏi Thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen);… Điều này dự báo sẽ tác động tới hoạt động kinh doanh xuất khẩu gạo của thương nhân Việt Nam trong những tháng cuối năm 2023", Bộ Công Thương nêu.

Cần thận trọng trước lệnh cấm xuất khẩu gạo của các nước

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên khẳng định, hiện nay là thời cơ đẩy mạnh sản xuất, xuất khẩu gạo trong điều kiện cho phép nhằm mang lại giá trị, hiệu quả cao nhất cho người sản xuất, người kinh doanh. Đây cũng là thời cơ để mở rộng thị trường, khẳng định thương hiệu hạt gạo Việt Nam, tiến tới mở rộng thị trường mới.

Tránh cạnh tranh không lành mạnh, phá giá, tranh mua, tranh bán... là một trong những vấn đề lớn của

Tránh cạnh tranh không lành mạnh, phá giá, tranh mua, tranh bán... là một trong những vấn đề lớn để xây dựng ngành gạo phát triển bền vững. Ảnh minh họa: Trung An Rice

Tuy nhiên, Bộ trưởng cảnh báo, hiện một số nước xuất khẩu gạo lớn như Ấn Độ, Thái Lan đều có động thái về cấm xuất khẩu gạo, vì vậy Việt Nam cần thận trọng. Theo Bộ trưởng, "khi chúng ta thừa thế xông lên mà người ta dừng lệnh đó thì đội hình đằng sau quay. Người đi đầu trở thành người đi sau. Khi chúng ta đã quá đà xuất khẩu cả về sản lượng và giá trị, chất lượng hạt gạo chưa chắc được đảm bảo, thương hiệu gạo chưa được khẳng định, giá lại cao hơn của họ, thì sẽ mất các đơn hàng cụ thể. Liền sau đó là mất thị trường. Và mất trong cuộc này là mất hẳn, có quay trở lại được cũng không phải dễ", ông nói.

Bộ trưởng nhấn mạnh, ngành gạo Việt Nam vẫn phải xuất khẩu để tranh thủ thời cơ, nhưng phải đảm bảo an ninh lương thực quốc gia. Cùng với dự trữ nhà nước, thị trường kinh doanh xuất khẩu gạo phải tính toán, cân nhắc, tránh tình trạng thừa thắng xông lên rồi lâm vào tình trạng thiếu gạo, giá gạo lên quá cao, để người dân khổ...

Theo Bộ Trưởng, cần phải xác lập, củng cố cơ chế hợp tác chặt chẽ, hiệu quả giữa lực lượng sản xuất (vùng trồng, người nông dân) với các doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu gạo , giữa các doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu gạo với nhau để tránh tình trạng bẻ kèo, tranh mua, tranh bán, tranh thị trường.

Giải pháp trọng tâm, theo ông Diên, các đơn vị có nhiệm vụ liên quan phải thực hiện bảo đảm duy trì dự trữ và thu mua lương thực theo quy định của nhà nước, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia trong mọi tình huống. Cơ quan của Bộ Công Thương sẽ có cơ chế theo dõi, giám sát đặc biệt vấn đề này. Các doanh nghiệp phải thực hiện nghiêm túc việc dự trữ lưu thông tối thiểu; thực hiện báo cáo định kỳ, đột xuất theo yêu cầu của cơ quan chức năng.

"Cần tôn trọng các hợp đồng đã ký để giữ được uy tín với bạn hàng. Lúc này mà lật kèo là huỷ hoại hết thương hiệu, uy tín của doanh nghiệp", ông Diên cảnh báo và cho rằng đây là thời điểm cần xem xét hài hoà lợi ích giữa người sản xuất với các đơn vị kinh doanh xuất khẩu. Các đơn vị cũng cần tập trung khai thác nguồn hàng, xây dựng, củng cố và quảng bá thương hiệu; tiến hành đàm phán, ký kết các hợp đồng mới với các đối tác theo cơ chế giá phù hợp với tình hình. Cơ chế giá phù hợp ở đây là "đừng có thừa thế xông lên", cao tới mức người ta khó có thể chấp nhận được. Lúc đói, lúc khát người ta chấp nhận ăn uống với giá cao. Nhưng liền sau đó, nguồn cung thị trường lúa gạo từ các nước có tiềm năng lớn mở ra thì lúc đó chúng ta sẽ thua ngay trong trận đầu.

"Cùng với các thị trường truyền thống cần quan tâm mở rộng các thị trường tiềm năng; cần "đánh chắc, tiến chắc" không bỏ lại trận địa phía sau, làm cho giá gạo trong nước tăng", Bộ trưởng nhấn mạnh.

Quan điểm chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Công Thương cũng là một trong những nỗi lo của nhiều doanh nghiệp đầu ngành lúa gạo Việt Nam. CEO Trung An, ông Phạm Thái Bình - từng có nhiều chia sẻ về ngành lúa gạo Việt Nam, trong đó có công ty Trung An và các doanh nghiệp khác, vẫn trong tình trạng phát triển mang tính không bền vững. Đó không chỉ là thiếu bài bản hạ tầng đầu vào, sự liên kết, mà còn là tư duy cạnh tranh về giá, doanh nghiệp trong ngành cạnh tranh với nhau không lành mạnh, giá nào cũng bán làm mất giá gạo Việt, gặp thời thì xông lên nhưng không tính đến dài hạn, các doanh nghiệp cạnh tranh với thị trường bạn theo chiến lược giá không phù hợp.v.v...

Tại Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng đề nghị, Hiệp hội Lương thực Việt Nam phát huy vai trò tư vấn, phản biện chính sách, tích cực tham gia góp ý với các cơ quan chức năng trong quá trình xây dựng các cơ chế, chính sách liên quan đến sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu gạo và tham gia xây dựng phương án đàm phán FTA với các đối tác nhằm bảo đảm tối đa lợi ích cho doanh nghiệp khi Hiệp định được ký kết, thực thi, qua đó giúp nâng cao vai trò của Hiệp hội thực sự vừa là tổ chức hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp hội viên, vừa là cánh tay nối dài, giúp các cơ quan quản lý nhà nước nắm bắt thông tin, phản biện chính sách, tạo thuận lợi cho hoạt động của các doanh nghiệp.

Có thể bạn quan tâm

  • Triển vọng cho ngành gạo

    Triển vọng cho ngành gạo

    04:00, 25/07/2023

  • Chiến lược của doanh nghiệp ngành gạo để giữ vững

    Chiến lược của doanh nghiệp ngành gạo để giữ vững "ngôi vương"

    04:00, 03/07/2023

  • Yếu tố nào thúc đẩy triển vọng ngành gạo?

    Yếu tố nào thúc đẩy triển vọng ngành gạo?

    03:00, 28/06/2023

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Bộ trưởng Bộ Công Thương: Xuất khẩu gạo phải "đánh chắc thắng chắc"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO