Đang là nhân viên ở một đài truyền hình, anh Nông Chí Khiêm (Bắc Giang) vẫn quyết nghỉ việc để về quê trồng sim. Sau 6 năm gây dựng, 180 ha sim của anh đã cho thu nhập đều đặn 4 tỷ đồng/năm.
Anh Nông Chí Khiêm (Bắc Giang) bước chân vào nghề trồng sim đã được 6 năm. Vốn xuất phát điểm là cử nhân điện tử viễn thông, nên khi ra trường, anh xin vào một Đài truyền hình phụ trách kỹ thuật. Đến năm 2014, anh xin nghỉ việc để về quê trồng sim, khởi nghiệp.
Theo chia sẻ, lý do khiến anh chia tay với nghề cũ là bởi, công việc, sức khỏe của cả gia đình anh thời điểm ấy đều không thuận lợi. Hơn nữa, mức lương của anh khi đó, không gánh nổi "chuyện áo cơm".
"Cơ duyên đưa tôi đến với cây sim bắt nguồn từ một chuyến đi với người chú vào năm 2011 ở Phú Quốc. Khi đến đó, tôi thấy người dân trồng sim với quy mô rất lớn và bán với giá 75.000 đồng/kg. Trong khi đó, ở quê tôi, sim thì mọc ở khắp nơi, bỏ hoang, chẳng ai đoái hoài. Thấy tò mò, tôi mới hỏi người dân, thì họ cho biết, sim này chủ yếu là bán cho các nhà máy để sản xuất rượu hoặc làm thuốc" - anh nói.
Kể từ chuyến đi Phú Quốc, anh Khiêm vẫn luôn canh cánh trong lòng về mô hình trồng sim có quy mô lớn ở miền Bắc. Thế nên, ngay sau khi nghỉ việc, anh đã bàn với vợ về dự định trồng sim. Vợ anh gật đầu và thế 4 năm sau, anh đã có trong tay 180 ha sim, thu về mỗi năm hơn 4 tỷ đồng.
"Những ngày đầu bắt tay vào làm sim quả thực là vô cùng vất vả. Vì chẳng có bất cứ một giáo trình, thông tin gì trên mạng về việc trồng sim. Hơn nữa, lấy sim giống ở đâu cũng là một vấn đề, vì không phải loại sim nào cũng cho chất lượng tốt. Nên tôi đành liều một phen là đào tất cả những gốc sim có ở mọi nơi về trồng, qua quá trình làm sẽ đúc rút ra kinh nghiệm" - anh kể.
Theo anh Khiêm, sim có rất nhiều loại nhưng loại mà bán được cho các nhà máy rượu thường phải là sim nếp. Dòng này có ưu điểm là quả to, thịt dày, có mùi thơm và không chát.
"Thời gian đầu, chúng tôi đi đào sim ở khắp nơi về trồng, ở Bắc Giang không đủ, vợ chồng tôi còn lên tận Lạng Sơn để tìm giống. Nhờ kiên trì trong suốt 2 năm, chúng tôi đã đào được hơn 1.300 gốc sim mang về ươm trồng" - anh cho hay.
Tận dụng 1ha đất trống ở quanh nhà, anh Khiêm cho trồng hết toàn bộ sim mà vợ chồng anh thu được. Sau 1 năm, cây bắt đầu cho ra quả, những trái ngọt đầu tiên mà anh luôn mong chờ. Đồng thời, anh nhận được tin vui khi các nhà máy ở Phú Quốc xác nhận sẽ mua toàn bộ số sim mà anh hiện có.
"Đến giờ, tôi nghĩ như mình vẫn nằm mơ, bởi 2 năm đi đào sim với vợ chồng tôi là một hành trình dài. Trên một chiếc xe máy cà tàng đã cũ, chở 2 chiếc sọt như những bà bán rau, nào cuốc, nào xẻng, nào bao bì cứ thế băng băng qua mọi nẻo đường ở Lạng Sơn. Thường thì tôi đảm nhiệm khâu đào gốc, còn bà xã thì phụ trách việc cắt lá, buộc cây. Mỗi chuyến đi như thế, chúng tôi mang cả trăm gốc sim về nhà. Sim sau khi được đào, không trồng ngay mà để nghỉ, giâm trước để tránh thui chột, làm tổn thương đến rễ" -- anh nhớ lại.
Ngoài ra, anh Khiêm còn nhận thấy, sim không giống như các loài cây khác, là khi sống ở vùng đất càng cằn cỗi thì càng sinh sôi, nảy nở và phát triển. Thế nên, anh tận dụng luôn mảnh vườn đang trồng cây bạch đàn, keo ở nhà để trồng đan xen với sim.
Anh Khiêm tâm sự, mọi người từng hỏi anh là có lo sợ không, khi bỏ việc về nhà làm sim, thứ cây mà ở quê anh vứt đi không ai nấy, gia súc không thèm ăn. Anh chỉ cười đáp: "Tôi từng là một công chức bỏ việc, trước đó, từng thất bại thảm hại với mô hình nuôi gà, lợn, thỏ, bồ câu, nên còn sợ gì nữa. Nhưng nếu không thử, sao biết mình có thể, biết mình sẽ thành công".
Ngoài ra, anh còn cho rằng, cây sim ngoài việc lấy quả thì phần lá có thể dùng làm thuốc, bán cho các công ty làm cám, thức ăn chăn nuôi. Hơn nữa, cây sim có ưu điểm là không cần chăm sóc nên gần như người trồng chỉ cần đầu tư công, không mất chi phí cho phân bón, thuốc trừ sâu mà đến mùa vẫn được hái quả.
Trung bình, mỗi cây sim sẽ cho thu hoạch từ 5 - 7kg quả, 1ha sẽ trồng được 1.600 cây sim, trừ hết chi phí sẽ thu về 200 triệu đồng/ha. Tính đến năm 2020, anh Khiêm đã có 180ha, trong đó, 140ha là phần đất mà gia đình anh đang đấu thầu trồng sim ở Lạng Sơn.
"Do miền Bắc có khí hậu lạnh nên sim chỉ thu được một mùa vào tháng 7. Để cạnh tranh với thị trường, sim nhà tôi hiện bán với giá là 35.000 đồng/kg, thấp hơn ở nhiều nơi vài giá. Nhưng so về chất lượng quả thì tương đồng, thậm chí là tốt hơn" - anh thông tin.
Khi lượng quả bắt đầu ổn định, anh Khiêm bàn với vợ, là cần phải nhân giống, giữ lại những cây sim tốt. Thế là, 2 vợ chồng anh lại tự mò mẫm, nghiên cứu, thực hiện các phương pháp ươm hạt, nuôi cây.
"Thời gian để ươm trồng một cây sim con rơi vào khoảng 3 năm. Nhờ được nuôi trồng từ nhỏ, nên cây có bộ rễ tốt, không bị cọc, thoái hóa về sau này. Không những thế, nhà tôi còn có thêm một khoản thu lớn từ việc bán cây giống" - anh kể.
Đều như vắt tranh, "gia tài" 180 ha sim mỗi năm đều mang về cho anh Khiêm ngót nghét 4 tỷ đồng. Ngoài cung ứng cho các công ty ở Phú Quốc anh còn bán lẻ sim cho nhiều xưởng rượu, nhà thuốc có nhu cầu.
"Một vài công ty cám đề nghị tôi là bán lá sim cho họ nhưng tôi chưa đồng ý. Là bởi, sim mà bỏ lá thì sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng quả. Nhưng đó cũng là một đề nghị tốt, nên tôi đang nghiên cứu xem có một phương án nào mà trọn vẹn cả đôi đường hay không" - anh nói.
Chưa dừng lại tại đó, anh Khiêm còn dự định mở rộng mô hình trồng sim và phát triển các sản phẩm từ cây sim như tinh bột sim, mật sim, siro sim để cung cấp cho thị trường.