Vụ phá dỡ công trình 61 Trần Phú để xây dự án thương mại, khách sạn 11 tầng một lần nữa là hồi chuông “báo động” về tình trạng nhồi cao ốc lên đất vàng di dời nhà máy trong nội đô.
>>> Mối hoạ “rừng bê tông”
Theo phản ánh của Diễn đàn Doanh nghiệp, năm 2018, Hà Nội đã có chủ trương di dời các cơ sở sản xuất công nghiệp ra ngoài khu vực nội thành.
Tại Quyết định 130 và Luật Thủ đô 2019, việc sử dụng quỹ đất sau di dời ưu tiên xây dựng các công trình công cộng, cây xanh, bãi đỗ xe, công trình hạ tầng xã hội và kỹ thuật đô thị. Đặc biệt nhấn mạnh yêu cầu không làm tăng chất thải cho khu vực nội thành, không được sử dụng để xây dựng chung cư cao tầng sai quy hoạch.
Song, một khảo sát thực địa khác của PPWG (nhóm làm việc vì sự tham gia của người dân), ở hai quận Hai Bà Trưng và Thanh Xuân có 21 nhà máy đã di dời thì có đến 9 nhà máy được sử dụng để xây chung cư, biệt thự liền kề, chỉ có 2 nhà máy được thay thế bằng mục đích sử dụng khác là đường trên cao và đại học tư nhân.
Có thể bạn quan tâm |
Trong khi đó, Bộ Xây dựng cũng ghi nhận phần lớn các khu đất được sử dụng để đầu tư xây dựng các dự án nhà ở, trung tâm thương mại, văn phòng, chưa tuân thủ theo đúng định hướng quy hoạch chung, gây gia tăng áp lực về dân số và quá tải về hạ tầng tại nội thành.
Trong văn bản trả lời Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệpmới đây, lãnh đạo Bộ Xây dựng cho biết, việc di dời các cơ sở sản xuất công nghiệp ra ngoài khu vực nội thành Hà Nội được Thủ tướng Chính phủ giao UBND thành phố Hà Nội chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành và Ủy ban nhân dân các tỉnh thuộc vùng Thủ đô có liên quan thực hiện tại Quyết định số 130/QĐ-TTg ngày 23/01/2015.
Quyết định bao gồm các nội dung: Lập danh mục, xác định các tiêu chí, lộ trình và biện pháp di dời cụ thể cho các cơ sở sản xuất công nghiệp cần phải di dời ra ngoài khu vực nội thành Hà Nội, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; Tổ chức lập, phê duyệt các đồ án quy hoạch có liên quan làm căn cứ cho việc sử dụng các quỹ đất sau khi di dời và xác định bố trí quỹ đất và hạ tầng các cơ sở mới trước khi phải di dời ra khỏi khu vực nội thành Hà Nội; Đề xuất phương án sử dụng quỹ đất sau khi di dời được cụ thể hóa trong quy hoạch được duyệt; Đề xuất cơ chế chính sách phù hợp để hỗ trợ khuyến khích thực hiện di dời, khai thác sử dụng quỹ đất tạo nguồn vốn tái đầu tư cho các cơ sở phải di dời.
Theo Bộ Xây dựng, Hà Nội đã thành lập Ban chỉ đạo công tác di dời, xây dựng danh mục, đề xuất nguyên tắc phân nhóm tiêu chí, thứ tự di dời theo các giai đoạn trên địa bàn 12 quận nội thành và xác định lộ trình.
Để sử dụng hiệu quả quỹ đất sau khi di dời, Bộ Xây dựng cho biết, Điều 5 Luật Quy hoạch đô thị 2009 quy định các hoạt động đầu tư xây dựng trong phạm vi đô thị phải tuân thủ quy hoạch đô thị đã được phê duyệt.
Nội dung Điều 14 Nghị định số 37/2010/NĐ-CP ngày 07/4/2010 của Chính phủ về lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý quy hoạch đô thị đã quy định cụ thể nguyên tắc lập quy hoạch đô thị; xác định rõ vai trò, mối quan hệ của từng cấp độ quy hoạch (chung – phân khu – chi tiết) và quy định quy hoạch phân khu đô thị cụ thể hóa quy hoạch chung, làm cơ sở để xác định các dự án đầu tư xây dựng và lập quy hoạch chi tiết.
Theo Bộ Xây dựng, để kiểm soát tình trạng hình thành không hợp lý những chung cư, văn phòng cao cấp tại vị trí các nhà đã di dời, cần thiết phải nâng cao chất lượng nội dung các quy hoạch đô thị, đảm bảo đáp ứng đầy đủ yêu cầu sống, làm việc, nghỉ ngơi… trên cơ sở tuân thủ tiêu chuẩn, quy chuẩn quy hoạch, hài hòa các lợi ích và đảm bảo sự phát triển của đô thị theo đúng quy luật.
"Quy hoạch đô thị được phê duyệt là công cụ quản lý hữu hiệu về phát triển đô thị nên Thành phố Hà Nội và các địa phương cần ưu tiên nguồn lực tài chính cho công tác lập quy hoạch" - Bộ Xây dựng bày tỏ quan điểm.
Về phía Bộ Xây dựng trong thời gian tới sẽ tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về xây dựng trong công tác quản lý, triển khai thực hiện theo quy hoạch.
Có thể bạn quan tâm
Kiến trúc nào cho tòa nhà 61 Trần Phú?
15:30, 09/04/2022
Vụ phá dỡ công trình 61 Trần Phú: Chọn cao ốc hay không gian công cộng?
11:21, 08/04/2022
Bộ Xây dựng yêu cầu rà soát quy hoạch kiến trúc công trình số 61 Trần Phú
08:00, 07/04/2022
Từ dự án 61 Trần Phú nghĩ về quyền lực của cơ quan quản lý văn hoá
05:03, 07/04/2022
Hà Nội: Lo ngại “8B Lê Trực thứ hai” tại khu đất 61 Trần Phú
20:00, 06/04/2022