Bốn nhóm mặt hàng nhập khẩu lớn nhất trong tháng 1/2019

Linh Nga 19/02/2019 10:42

Trong tháng 1/2019, 4 nhóm mặt hàng này nhập khẩu đạt 9,2 tỷ USD, chiếm 44,2% giá trị nhập khẩu của cả nước.

Theo số liệu của Bộ Công Thương, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa tháng 1/2019 đạt 40,8 tỷ USD, tăng 1,8% so với tháng 12/2018 và tăng 0,89% so với cùng kỳ năm 2018.

Trong đó, kim ngạch hàng hoá xuất khẩu tháng 1/2019 đạt 20 tỷ USD, tăng 1,9% so với tháng 12/2018, giảm 1,3% so với cùng kỳ năm 2018.

Cũng theo thống kê, trong tháng 1/2019, có 5 mặt hàng xuất khẩu đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD, với các thị trường truyền thống tiếp tục được giữ vững: Mỹ, Hàn Quốc, Trung Quốc...

Kim ngạch hàng hóa nhập khẩu tháng 1/2019 đạt 20,8 tỷ USD, tăng 1,7% so với tháng 12/2018, tăng 3,1% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó khu vực kinh tế trong nước nhập 9,05 tỷ USD, tăng 3,1% còn khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 11,75 tỷ USD, tăng 0,7% so với tháng trước.

Dẫn đầu là máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện với giá trị nhập khẩu ước đạt 3,7 tỷ USD, tăng 0,1% so với cùng kỳ năm trước. Tiếp đến là máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng với giá trị nhập khẩu ước đạt 3 tỷ USD, tăng 3,8% so với cùng kỳ năm ngoái.

Nhập khẩu điện thoại các loại và linh kiện đạt 1,4 tỷ USD, giảm 12% so với cùng kỳ năm 2018. Ngoài ra, nhập khẩu vải các loại ước đạt 1,1 tỷ USD, tăng 5,8% so với cùng kỳ năm trước.

Thống kê của Bộ Công Thương cho thấy, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam trong tháng 1/2019, với kim ngạch ước đạt 6,1 tỷ USD, tăng 6% so với cùng kỳ năm 2018. Thị trường ASEAN đạt 2,78 tỷ USD, tăng 3,7%; Nhật Bản đạt 1,6 tỷ USD, tăng 5%; EU đạt 1,3 tỷ USD, tăng 15,5%; Hoa Kỳ đạt 1,1 tỷ USD, tăng 20,8%.

Như vậy, cán cân thương mại hàng hóa đạt thặng dư 800 triệu USD, bằng 4% kim ngạch xuất khẩu. Trong đó, khu vực doanh nghiệp trong nước nhập siêu 2,6 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài - FDI (kể cả dầu thô) xuất siêu 1,8 tỷ USD.

Tình hình xuất khẩu năm nay được cho là có nhiều thuận lợi, xuất phát từ môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện mạnh mẽ. Ngoài ra, Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) chính thức có hiệu lực, cùng với nhiều hiệp định thương mại khác tiếp tục tạo sức hút cho đầu tư nước ngoài, giúp doanh nghiệp có thêm động lực sản xuất mới.

Bên cạnh đó, nhập siêu sẽ là thách thức lớn với nền kinh tế trong năm 2019 do nhiều ưu đãi về thuế. Nhờ ưu đãi này, hàng hoá từ các nước vào thị trường Việt Nam sẽ có giá thấp hơn, cạnh tranh tốt hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Bốn nhóm mặt hàng nhập khẩu lớn nhất trong tháng 1/2019
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO