“Bức tranh” Nga Sơn sau gần 10 năm đổi mới

Kiều Phiên 03/11/2019 09:51

Sau gần 10 năm, cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, diện mạo Nga Sơn đã có sự đổi mới, khởi sắc, hưng thịnh và phát triển.

Diện mạo phát triển trên quê hương Nga Sơn

Huyện Nga Sơn, triển khai xây dựng nông thôn mới từ xuất phát điểm thấp, với bình quân toàn huyện chỉ đạt 3,3 tiêu chí/xã, cơ sở hạ tầng đa phần các xã khó khăn, thu nhập bình quân đầu người năm 2010 chỉ đạt 9,5 triệu đồng/người/năm…, chính quyền và các tầng lớp nhân dân huyện Nga Sơn đã không ngừng nỗ lực, triển khai các giải pháp XD NTM hiệu quả.

Huyện đã ban hành nhiều cơ chế hỗ trợ và tổ chức thực hiện nhiều chương trình, như: xây dựng công sở, nhà văn hóa xã, trạm y tế, hỗ trợ phát triển trang trại quy mô công nghiệp, đường giao thông, thủy lợi nội đồng… Nhiều mô hình sản xuất để nâng cao thu nhập cho người dân cũng được khuyến khích, phát triển.

sfs

Diện mạo mới, hạ tầng cơ sở, giao thông khang trang, hiện đại trên vùng quê Nga Sơn

Tính đến tháng 6/2019, huyện Nga Sơn đã huy động tổng nguồn vốn 7.753 tỷ đồng từ các nguồn ngân sách, doanh nghiệp, tín dụng và nhân dân đóng góp để XD NTM. Từ nguồn lực trên, huyện đã phát triển và hiện đại hóa hệ thống hạ tầng cơ sở, như: đường giao thông, hệ thống điện, trường học, cơ sở vật chất văn hóa…

Các lĩnh vực văn hóa, y tế, giáo dục của huyện có bước phát triển nhảy vọt. Nhiều mô hình sản xuất được xây dựng, mang lại giá trị kinh tế cao, trong đó phải kể đến các mô hình trồng trọt trong nhà lưới cho thu nhập từ 700 triệu đồng đến 1 tỷ đồng/ha/năm; các vùng dưa, rau màu; chăn nuôi lợn, dê, tôm… Tổng giá trị thu nhập/ha canh tác tăng từ 65 triệu đồng năm 2010 lên 130 triệu đồng năm 2018 và đang tiếp tục được nâng cao. Trên địa bàn huyện đang có 305 doanh nghiệp, giải quyết việc làm cho hơn 9.000 lao động có thu nhập ổn định; 23 làng nghề được duy trì và phát triển với 15.000 hộ gia đình tham gia. Thu nhập bình quân đầu người tăng từ 9,5 triệu đồng (năm 2010) đã tăng lên hơn 34 triệu đồng ở thời điểm hiện tại.

Ông Trần Ngọc Quyết, Chủ tịch UBND huyện Nga Sơn cho biết: theo kế hoạch đề ra, huyện Nga Sơn sẽ trở thành “huyện nông thôn mới” vào quý I/2020. Theo đó 26/26 xã phải được công nhận đạt chuẩn trong năm 2019, để sau đó tập trung hoàn tất các khâu thủ tục. Trong tháng 10/2019, 6 xã cuối cùng gồm: Nga Thủy, Nga Thanh, Nga Tân, Nga Tiến, Nga Vịnh và Nga Bạch của huyện Nga Sơn được thẩm định đạt chuẩn nông thôn mới. Các cấp ủy đảng, chính quyền các xã, thị trấn đã cụ thể hóa bằng chương trình, kế hoạch để tổ chức thực hiện và đạt kết quả phát triển toàn diện.

Đến thời điểm hiện tại, hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ở hầu hết các xã phát triển nhanh và tương đối hoàn thiện. Nổi bật nhất phải kể đến hệ thống giao thông trục xã, liên xã, hạ tầng lưới điện, cơ sở trường học, cơ sở hạ tầng văn hóa... được hoàn thiện khang trang.

Toàn huyện đã triển khai nâng cấp và xây dựng mới hơn 106 km đường liên xã và đường xã, hơn 460 km đường trục thôn, liên thôn và ngõ xóm. Gần 255 km đường nội đồng và gần 180 km kênh mương trên địa bàn toàn huyện được xây dựng kiên cố, bảo đảm yêu cầu cho sản xuất nông nghiệp, vận chuyển nông sản. Dòng sông Hưng Long đoạn qua thị trấn Nga Sơn được kè kiên cố, vừa bảo đảm cho công tác dẫn nước phục vụ sản xuất, vừa tạo cảnh quan môi trường khang trang cho huyện lỵ quê cói Nga Sơn. Ở tất cả các xã trên địa bàn huyện, hệ thống công sở, sân vận động, nhà văn hóa đa năng và nhiều công trình công cộng đều được đầu tư xây dựng mới, bảo đảm yêu cầu các tiêu chí NTM. Công trình y tế, nhà văn hóa được đầu tư xây mới hoặc nâng cấp khang trang, bảo đảm nhu cầu khám chữa bệnh và sinh hoạt cộng đồng cho các tầng lớp nhân dân trong huyện. Để đáp ứng nhu cầu điện sinh hoạt và sản xuất, các xã trên địa bàn cũng đầu tư lắp đặt 137 trạm biến áp, 152 km đường dây trung áp, 227 km đường dây hạ áp. Sau hơn 9 năm xây dựng NTM, các tầng lớp nhân dân của 26 xã trong huyện đã chung tay góp sức đầu tư xây dựng mới hơn 9.800 nhà ở dân cư, xây dựng và sửa chữa gần 9.000 công trình phụ, góp phần tạo diện mạo mới cho những làng quê ở huyện Nga Sơn.

dvd

Đoàn thẩm định 6 xã đạt chuẩn tiêu chí nông thôn mới cuối cùng của huyện Nga Sơn

Cùng với phát triển hạ tầng, việc nâng cao đời sống văn hóa - tinh thần của người dân cũng được chính quyền các cấp trong huyện quan tâm. Nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang đã được đưa vào quy củ. Đến nay, toàn huyện có 91 cơ quan, đơn vị được công nhận là đơn vị đạt chuẩn văn hóa, 26 xã được công nhận đạt chuẩn văn hóa NTM, 100% số thôn được công nhận thôn văn hóa.

Những năm gần đây, các lễ hội trên địa bàn huyện được khôi phục và tổ chức trang trọng, được các tầng lớp nhân dân hưởng ứng tham gia. Trong số đó phải kể đến Lễ hội Mai An Tiêm, Lễ hội Từ Thức, các lễ hội chùa Hàn Sơn, Phủ Trèo, Chùa Tiên... đã trở nên nổi tiếng.

Qua chương trình xây dựng NTM, công tác bảo vệ môi trường, xây dựng cảnh quan nông thôn xanh – sạch – đẹp trên địa bàn huyện đã có chuyển biến căn bản. Các điểm nóng về môi trường và các cơ sở gây ô nhiễm đã được kiểm tra, xử lý và ngăn chặn kịp thời. Ven các đường liên thôn, liên xã, hàng chục km đường hoa đã khoe sắc thay cho những bờ cỏ dại, cây bụi trước kia. Các mô hình sản xuất ngày càng được nhân rộng, mang lại thu nhập ngày càng cao cho người dân. Diện mạo làng quê nông thôn ngày càng khang trang, sạch đẹp.

Kinh tế theo đà tăng trưởng không ngừng

Nhờ thực hiện các giải pháp thu hút đầu tư, khuyến khích và tạo điều kiện cho các doanh nghiệpđầu tư công nghệ sản xuất, cải tiến mẫu mã và đa dạng hóa sản phẩm, đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại nhằm quảng bá sản phẩm... nên sản xuất công nghiệp trên địa bàn huyện Nga Sơn có tốc độ phát triển khá.

Kết thúc quý III/2019, giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn huyện ước đạt 1.478,6 tỷ đồng (so sánh 2010), tăng 11,9% so cùng kỳ, đạt 72,1% kế hoạch. Trong đó, một số lĩnh vực công nghiệp đạt giá trị cao, như: Công nghiệp khai thác 19 tỷ đồng, tăng 4,2% so với cùng kỳ; công nghiệp chế biến 1.454,5 tỷ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ; ngành sản xuất nước đá, cung cấp nước và xử lý rác thải ước 5,4 tỷ đồng, tăng 5,8% so với cùng kỳ...

dxcx

Mô hình nuôi tôm công nghệ tiên tiến, tạo nguồn thu nhập lớn cho người dân Nga Sơn

Giá trị xuất khẩu trên địa bàn huyện Nga Sơn đạt 80,2 triệu USD. Trong đó, giá trị xuất khẩu hàng may mặc đạt 72 triệu USD; giá trị xuất khẩu từ cói, mây tre đan đạt 8,2 triệu USD. Một số sản phẩm xuất khẩu chủ yếu, mang lại giá trị kinh tế cao, như: Quần áo các loại 17,5 triệu sản phẩm; quại cói 3.534 tấn; cói chẻ 1.700 tấn và hàng chục nghìn sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ cói, mây tre đan... Hiện huyện Nga Sơn tiếp tục tạo mọi điều kiện thuận lợi, tháo gỡ khó khăn để các doanh nghiệp trên địa bàn đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm.

Như vậy, sau gần 10 năm thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới ở huyện Nga Sơn, kinh nghiệm được rút ra chính là phải vận dụng tốt phương châm “lấy dân làm gốc”, “ý Đảng, lòng dân”  bởi nó mang tính thiết thực rất cao, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Quá trình thực hiện đã tạo được sự đồng thuận trong các tầng lớp nhân dân, phát huy tinh thần dân chủ “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” đã đem đến cho Nga Sơn một diện mạo phát triển hưng thịnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
“Bức tranh” Nga Sơn sau gần 10 năm đổi mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO