Theo số liệu các tỉnh trong khu vực đưa ra, tổng sản phẩm trên địa bàn của một số tỉnh có sức tăng trưởng mạnh nhờ xuất khẩu các mặt hàng chủ lực, tuy nhiên bức tranh này vẫn chưa hài hoà.
>>GRDP TP.HCM tăng cao nhất 5 năm, tín dụng tăng tích cực
Năm nay, Kon Tum có bước nhảy vọt, khi vươn lên đứng đầu trong khu vực. Qua số liệu thống kê cho thấy, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tỉnh Kon Tum ước đạt 8.165 tỉ đồng, tốc độ tăng trưởng đạt 6,47%, đứng thứ 30/63 tỉnh, thành phố và cao nhất trong khu vực Tây Nguyên. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt khoảng 13.000 tỉ đồng, thu ngân sách nhà nước đạt 1.789 tỉ đồng, giải ngân vốn đầu tư công khoảng 896 tỉ đồng.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ trên 19.050 tỉ đồng, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 175 triệu USD, ngành du lịch thu hút được 1.4 triệu lượt khách. Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) năm 2023 xếp hạng thứ 43/63 tỉnh, thành phố, tăng 12 bậc so với năm 2022. Chỉ số hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) xếp thứ 35/63 tỉnh, thành phố, tăng 7 bậc so với năm 2022. Quốc phòng, an ninh được giữ vững, ổn định, các hoạt động đối ngoại tiếp tục được tăng cường, hợp tác quốc tế được thực hiện thường xuyên và mở rộng.
Theo ông Lê Ngọc Tuấn – Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum cho hay nhiều chỉ tiêu quan trọng của tỉnh tăng cao so với cùng kỳ. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công, số doanh nghiệp thành lập mới, số hợp tác xã thành lập mới, kim ngạch xuất nhập khẩu, tổng lượng khách du lịch, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ, sản lượng ngành công nghiệp chủ yếu.
Tỉnh Đắk Nông cũng vươn lên vị trí thứ 2 trong khu vực với tốc độ tăng trưởng GRDP của Đắk Nông 6 tháng đầu năm 2024 ước đạt 5,08%, sau tỉnh Kon Tum. Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp ước tăng 10,53%; khu vực công nghiệp, xây dựng ước tăng 6,59%; khu vực dịch vụ ước tăng 2,44%.
>>Thanh Hóa: Tăng trưởng GRDP đứng thứ 3 cả nước
Để được kết quả trên, ông Hồ Văn Mười – Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông cho hay: “Đầu tư công và thu ngân sách có sự tăng trưởng theo thời gian, tháng sau cao hơn tháng trước. Các giải pháp tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho các dự án đầu tư công, thu hút đầu tư ngoài ngân sách, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp có chiều hướng tích cực khi số lượng doanh nghiệp thành lập mới trong tháng gia tăng và số doanh nghiệp giải thể và tạm ngừng kinh doanh giảm”.
Trong khi đó, 3 tỉnh có truyền thống đứng vị trí cao như Lâm Đồng, Đắk Lắk, Gia Lai lại đứng ở nhóm cuối trong khu vực và cả nước. Lý giải điều này, tỉnh Lâm Đồng cho rằng thị trường bất động sản chưa phục hồi. Các hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn do áp lực lạm phát, chi phí nguyên vật liệu tăng cao. Bên cạnh đó, giải ngân vốn đầu tư công tỷ lệ đạt thấp, công tác cải cách hành chính chưa đáp ứng yêu cầu. Một nguyên nhân nữa được chỉ ra đó là công tác quy hoạch còn chậm, chưa kịp thời tháo gỡ các khó khăn trong việc chồng lấn các quy hoạch.
Nhận định của tỉnh Đắk Lắk lại cho hay số lượng doanh nghiệp giải thể và tạm ngừng hoạt động trong 6 tháng đầu năm vẫn tăng cao (có 111 DN giải thể, 616 DN tạm ngưng hoạt động), cao hơn số doanh nghiệp thành lập mới (690 doanh nghiệp thành lập mới) đã phần nào ảnh hưởng đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Tuy nhiên, trong bức tranh ảm đạm của các tỉnh đứng nhóm cuối vẫn nhìn thấy những điểm sáng, đó là du lịch có sức phục hồi tích cực. Khu vực sản xuất nông, lâm nghiệp, tăng trưởng đáng kể so với cùng kỳ.
Để đạt mục tiêu, 6 tháng cuối năm các tỉnh ở nhóm cuối đã định hướng các hoạt động giải ngân đầu tư công, thu hút đầu tư, cải cách hành chính. Thực hiện quyết liệt các biện pháp, giải pháp thu ngân sách nhà nước, cũng như tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp để phát triển kinh tế.
Có thể bạn quan tâm