Sau 3 tháng dài đi ngang, Bitcoin đã có bước nhảy vọt lên mốc 40.000 USD/BTC chỉ trong 24 giờ, nâng vốn hoá thị trường tiền điện tử tăng hơn 114 tỷ USD.
Điều gì đưa Bitcoin trở lại ngưỡng giá cao?
Trong một bước ngoặt đáng kinh ngạc, Bitcoin (BTC) đã tái khẳng định vị thế “đồng tiền Vua” của mình bằng cách nhanh chóng leo lên từ dưới 29.000 USD, lên trên 35.000 USD và đạt mốc 40.000 USD/BTC. Nhiều người nghĩ rằng, sự phục hồi nói trên là khởi đầu của một thị trường tăng giá mới, đánh dấu sự kết thúc của đợt giảm giá dài đáng sợ. Còn một số lại tin đây chỉ là mức tăng ngắn hạn, sẽ không giữ được lâu.
Sau khi giảm giá và củng cố động thái đi ngang trong hơn 3 tháng, Bitcoin dường như đang trên đà tìm lại sự huy hoàng của mình. Dòng tiền đổ vào các sàn giao dịch đã trải qua mức tăng tỷ lệ phần trăm lớn nhất trong hơn một năm, khoảng 364,4%. Hiện, BTC đang được giao dịch quanh ngưỡng 40.132 USD trên sàn Binance.
Cộng đồng tiền điện tử nhận xét, giá BTC tăng trực tiếp là do sự tham gia ngày càng nhiều của các ngân hàng và những doanh nhân lớn như Elon Musk, Michael Saylor,... Ngoài ra, thông tin về sự tham gia của Amazon vào tiền điện tử cũng đã tạo ra lực đẩy giá mạnh mẽ trên thị trường, mặc dù “gã khổng lồ” công nghệ sau đó đã phủ nhận những tin tức này.
Trong một cuộc khảo sát gần đây do CNBC thực hiện, trên một nhóm các nhà quản lý danh mục đầu tư và chiến lược gia cổ phiếu, 44% số người được hỏi cảm thấy rằng, giá Bitcoin sẽ giảm xuống dưới 30.000 USD; 56% nhà đầu tư khác cho thấy triển vọng lạc quan hơn; và 6% hy vọng thấy Bitcoin đạt 60.000 USD, gần mức cao nhất mọi thời đại là 65.000 USD/BTC trước đó.
Chiến lược gia hàng hóa của Bloomberg, Mike McGlone đã cân nhắc về triển vọng ngắn hạn của Bitcoin. Theo ông, giá Bitcoin có nhiều khả năng tăng cao thay vì giảm trở lại dưới 20.000 USD trong tương lai gần. “Việc hợp nhất giá ở mức hơn 30.000 USD của Bitcoin cho thấy rằng, tiền điện tử đang chuẩn bị cho một đợt tăng giá dài hạn thay vì kích hoạt một đợt bán khác”.
Phát biểu về quy định chặt chẽ đối với Bitcoin và tiền điện tử, chiến lược gia thị trường Michael Lee nói: "Tôi nghĩ còn lâu chúng ta mới thấy bất kỳ loại điều chỉnh nào hoặc bất kỳ loại chính sách hạn chế nào từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ, tương tự như vậy với các Ngân hàng Trung ương trên toàn thế giới”.
Michael Lee cũng giải mã các suy đoán hiện tại trên thị trường, liên quan đến sự tăng giá này, về việc Amazon sẽ bổ sung đồng tiền kỹ thuật số hàng đầu trên nền tảng của mình, giả thuyết đó không có nhiều liên quan. Vì theo ông, sự tăng trưởng của Bitcoin là do các Chính phủ đã in tiền và không giới hạn số lượng tiền fiat được in.
Theo cuộc khảo sát Goldman Sachs thực hiện, Bitcoin vẫn được coi là vua trong mắt các tổ chức. Cụ thể, hơn 150 công ty gia đình từ khắp nơi trên thế giới đã tham gia cuộc khảo sát của Goldman Sachs. 16% số người được hỏi nói rằng họ đã đầu tư vào Bitcoin và tiền điện tử, 24% trong số này có trụ sở tại Hoa Kỳ cho biết, họ nắm giữ một phần tài sản của mình bằng tiền điện tử. Tương tự, 45% công ty gia đình trên quy mô toàn cầu nói, họ không đầu tư vào tiền điện tử, nhưng họ bày tỏ sự quan tâm đến tương lai. Các công ty gia đình ở châu Á cho thấy sự quan tâm lớn nhất, với 68% tuyên bố họ có kế hoạch đầu tư vào Bitcoin và “hệ sinh thái tài sản kỹ thuật số”.
Ngoài ra, 39% người tham gia nói rằng họ không quan tâm đến tiền điện tử do lo ngại về quy định và họ nghi ngờ tính lưu trữ giá trị của Bitcoin. Còn những người khác tiết lộ sự thiếu chuyên môn và không quen thuộc với loại tài sản này. Hầu hết các thực thể từ cuộc khảo sát muốn đầu tư vào tiền điện tử do họ sợ lạm phát và lãi suất thấp.
IMF nâng cao cảnh báo
Theo Arcane Research, việc gia tăng sự hiện diện của các tổ chức trong ngành công nghiệp tiền điện tử đã thúc đẩy Bitcoin từ 10.000 USD lên mức cao nhất mọi thời đại ở mức 65.000 USD và sẽ là chìa khóa để tăng giá hơn nữa.
Tuy nhiên, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã công bố một cảnh báo rằng việc đặt Bitcoin hoặc bất kỳ loại tiền điện tử nào khác ngang bằng với tiền tệ quốc gia sẽ gây ra rủi ro nghiêm trọng đối với sự ổn định tài chính vĩ mô.
Trong bài đăng trên blog chính thức của mình, được viết bởi Giám đốc bộ phận tiền tệ và thị trường vốn Tobias Adrian và Trưởng bộ phận pháp lý Rhoda Weeks-Brown, IMF mô tả việc áp dụng tiền điện tử làm tiền tệ quốc gia là một bước quá xa và một con đường tắt không thể lường trước.
Các tác giả cảnh báo: “Nếu không có hoạt động chống rửa tiền mạnh mẽ và chống tài trợ cho các biện pháp khủng bố, các hệ thống tiền điện tử có thể được sử dụng để rửa tiền bất chính, tài trợ cho khủng bố và trốn thuế, điều này có thể gây ra rủi ro cho hệ thống tài chính của một quốc gia, cân đối tài chính và các mối quan hệ với nước ngoài và các ngân hàng đại lý”.
Bên cạnh những mối đe dọa toàn cầu này, các tác giả còn đi sâu vào sự tích tụ lo lắng trong cuộc sống hàng ngày, đồng thời giải quyết những thỏa hiệp hướng đến cá nhân hơn, chẳng hạn như tính bền vững của giá cả các thị trường trong nước. Theo đó, giá hàng hóa trong nội địa có thể trở nên bất ổn cao. Ngay cả khi tất cả các mức giá đều được định giá bằng Bitcoin, giá hàng hóa và dịch vụ nhập khẩu vẫn sẽ dao động ồ ạt, theo sự thay đổi bất thường của định giá thị trường.
Mặc dù phần lớn cảnh báo là về những rủi ro và cạm bẫy xung quanh việc áp dụng Bitcoin, nhưng đại diện IMF lại kêu gọi các Chính phủ cần phản ứng với một giải pháp dưới dạng tiền tệ kỹ thuật số quốc gia (CBDC). “Các Chính phủ cần đẩy mạnh cung cấp các dịch vụ này và tận dụng các hình thức tiền kỹ thuật số mới trong khi duy trì sự ổn định, hiệu quả, bình đẳng và bền vững về môi trường”.
Có thể bạn quan tâm
16:37, 28/07/2021
06:01, 27/07/2021
05:14, 27/07/2021
11:00, 26/07/2021
11:00, 22/07/2021