Cà Mau kiên quyết xử lý nghiêm đối với tổ chức, cá nhân gây phiền hà cho doanh nghiệp và người dân, qua đó nhằm thiết lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, minh bạch, bình đẳng.
Theo kết quả công bố của VCCI, chỉ số PCI tỉnh Cà Mau năm 2022 đạt 61,6 điểm (giảm 3,14 điểm) xếp thứ 58/63 tỉnh, thành trong cả nước (giảm 26 hạng) so với năm 2021; xếp thứ 12/13 (giảm 05 bậc) so với các tỉnh, thành trong khu vực ĐBSCL.
>> Cà Mau đột phá cải cách hành chính
Ông Nguyễn Đức Thánh, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Cà Mau cho biết, theo kết quả phân tích, chỉ số thành phần PCI năm 2022, Cà Mau có 4/10 chỉ số thành phần cao hơn điểm trung vị cả nước, 6 chỉ số thành phần còn lại có điểm số thấp hơn điểm trung vị cả nước.
Cụ thể, nhóm chỉ số cao hơn điểm trung vị cả nước và tăng điểm so với năm 2021 gồm: Tính minh bạch; cạnh tranh bình đẳng; chính sách hỗ trợ doanh nghiệp; gia nhập thị trường.
6 chỉ số thành phần thấp hơn so với điểm trung vị cả nước và giảm điểm so với năm 2021, gồm: Tiếp cận đất đai; chi phí thời gian thực hiện các quy định của nhà nước; đào tạo lao động; tính năng động của chính quyền tỉnh; thiết chế pháp lý và an ninh trật tự; chi phí không chính thức.
Theo kết quả đánh giá của VCCI và Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ tại Việt Nam (USAID) công bố Chỉ số Xanh cấp tỉnh (PGI) đánh giá và xếp hạng địa phương thân thiện với môi trường dưới góc nhìn từ thực tiễn kinh doanh như mức độ ứng dụng công nghệ thân thiện môi trường của các doanh nghiệp tại địa phương, trình độ quản lý và ứng xử với môi trường của doanh nghiệp, mức độ quan tâm, sẵn sàng đầu tư về môi trường của chính quyền địa phương và nhiều vấn đề môi trường quan trọng khác. Năm 2022, tỉnh Cà Mau được đánh giá 12.80 điểm, xếp thứ 60/63 tỉnh, thành phố trong cả nước, xếp thứ 12/13 tỉnh, thành phố khu vực ĐBSCL.
Ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng Thư ký, Trưởng Ban pháp chế VCCI, Giám đốc Dự án PCI nhận định: Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, tình hình thế giới diễn biến phức tạp, khó lường đã tác động trực tiếp đến các doanh nghiệp trong nước. Tỉnh Cà Mau cần có cơ chế tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp một cách chủ động, như kinh nghiệm ở một số tỉnh, thành phố trong cả nước như: thành lập Tổ hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; cà phê doanh nghiệp; đối thoại với doanh nghiệp... làm cho doanh nghiệp thấy được những nỗ lực của tỉnh trong việc đồng hành tháo gỡ khó khăn kịp thời cho doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, cần tiếp tục phát huy hơn nữa vai trò của Hiệp hội doanh nghiệp; tăng cường công tác truyền thông một cách chủ động, tích cực về thế mạnh, môi trường đầu tư kinh doanh tại địa phương đề ra các giải pháp tốt cho doanh nghiệp, nhằm thu hút đầu tư, tạo hình ảnh đẹp cho địa phương.
Tại hội nghị, các sở, ngành và các chuyên gia của VCCI tập trung phân tích làm rõ những khó khăn, hạn chế còn tồn tại khiến các chỉ số thành phần PCI của tỉnh bị sụt giảm thứ hạng. Trên cơ sở đó, đề ra một số giải pháp đổi mới nâng cao các chỉ số, tạo điều kiện hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Cụ thể: cần tiếp tục đổi mới phương thức truyền tải thông tin các quy định mới của pháp luật, thông tin về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất... theo hướng linh hoạt, phù hợp tạo thuận lợi hơn nữa doanh nghiệp, nhà đầu tư; nâng cao hiệu quả hoạt động của Bộ phận Một cửa các cấp, đem lại sự hài lòng cho người dân, doanh nghiệp. Bên cạnh đó, chủ động hướng dẫn doanh nghiệp giải quyết khó khăn, vướng mắc trong thực hiện thủ tục hành chính về đất đai; tăng cường nhu cầu kết nối giữa doanh nghiệp và người lao động; gắn kết chương trình đào tạo cung và cầu lao động giữa người lao động và doanh nghiệp. Đồng thời, kiên quyết xử lý nghiêm đối với tổ chức, cá nhân và trách nhiệm của người đứng đầu để xảy ra hành vi nhũng nhiễu, gây phiền hà cho doanh nghiệp và người dân. Qua đó, nhằm thiết lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, minh bạch, bình đẳng, đồng hành cùng doanh nghiệp.
Theo ông Nguyễn Đức Thánh, để cải thiện Chỉ số PCI tỉnh Cà Mau năm 2023 và những năm tiếp theo, tỉnh đã xây dựng kế hoạch, giải pháp tập trung cải thiện mạnh 6 chỉ số thành phần có điểm số thấp và duy trì, phát huy 4 chỉ số thành phần có điểm số bằng, cao hơn điểm số trung vị cả nước.
Tỉnh sẽ chú trọng cải thiện các chỉ số thành phần chiếm trọng số cao trong tính điểm PCI, gồm các chỉ số: Đào tạo lao động, dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp và tính minh bạch. Phấn đấu cải thiện 77/142 chỉ tiêu chuyển biến tiêu cực để tăng hạng và đạt mục tiêu đề ra trong năm 2023.
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Huỳnh Quốc Việt đề nghị các sở, ban, ngành, UBND các huyện và các đơn vị có liên quan thẳng thắn nhìn nhận và kiểm điểm nghiêm túc những hạn chế, khuyết điểm thời gian qua khiến Chỉ số PCI của tỉnh giảm quá sâu. Tiếp tục đổi mới phương thức làm việc của các cơ quan nhà nước và tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp và người dân sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế.
Các sở, ngành, địa phương cần đổi mới phương thức làm việc, mục tiêu cải thiện nâng cao chỉ số PCI để phục vụ người dân, doanh nghiệp ngày càng tốt hơn. Các cơ quan Nhà nước phải tạo điều kiện thuận lợi nhất để các doanh nghiệp tiếp cận thông tin, có thêm nguồn lực để phát triển. Đồng thời, triển khai thực hiện cải cách hành chính một cách quyết liệt, hiệu quả; nâng cao hiệu quả cung cấp, sử dụng dịch vụ công trực tuyến trên địa bàn tỉnh Cà Mau...
Thời gian tới, tỉnh sẽ thường xuyên tổ chức gặp gỡ và đối thoại doanh nghiệp để kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc. Ngoài ra, tăng cường công tác truyền thông các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước để từng người dân, doanh nghiệp hiểu và cùng thực hiện.
Có thể bạn quan tâm