Người tiêu dùng sẽ phải đối mặt với tình trạng thiếu cà phê, còn những người nông dân trồng cà phê có nguy cơ mất sinh kế...
Ba trong năm loại cà phê hoang dại có nguy cơ tuyệt chủng dưới tác động các yếu tố biến đổi khí hậu, bệnh và tàn phá rừng khiến loại đồ uống đầy ưa thích này trong tương lai lâm nguy.
Đây là kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học thuộc Viện nghiên cứu Kew (Anh). Bằng cách sử dụng kỹ thuật máy tính để mô hình hóa và nghiên cứu thực địa, các nhà khoa học Anh đã xem xét và dự đoán 124 giống cà phê có nguy cơ ra sao khi hành tinh đang trở nên ấm lên và hệ sinh thái bị suy giảm.
Hơn 2 tỉ tách cà phê được tiêu thụ mỗi ngày, nhưng ngành công nghiệp cà phê có giá trị hàng tỉ USD lại phụ thuộc vào vài giống cà phê hoang dã chỉ được trồng thương mại tại một số vùng trên thế giới.
Theo nhóm nghiên cứu, có khoảng 75 loài cà phê được đánh giá bị đe dọa tuyệt chủng, trong đó, 13 loài bị đe dọa nghiêm trọng, 40 loài nguy cơ tuyệt chủng kể cả loại cà phê Arabica và có 22 loài dễ bị tổn thương.
“Nhìn chung, nguy cơ tuyệt chủng của hầu hết loại cà phê đều rất cao, gần 60%, một con số vượt qua mức rủi ro trung bình của các loài thực vật”, ông Aaron Davis, người đứng đầu nhóm nghiên cứu nói.
Ngành công nghiệp cà phê toàn cầu dựa vào 2 loại là arabica và robusta. Arabica được đánh giá cao hơn về mùi vị và độ axit, và chiếm 60% tổng sản lượng cà phê được bán trên toàn cầu. Loại cà phê này còn giữ nguyên đặc tính hoang dã chỉ còn ở 2 nước là Ethiopia và Nam Sundan.
Nhóm nghiên cứu đã tiếp cận nguồn dữ liệu khí hậu được ghi nhận hơn 40 năm qua tại Ethiopia và thấy rằng môi trường sống tự nhiên của cây cà phê đang bị tác động tiêu cực nhanh như thế nào bởi nạn phá rừng và sự gia tăng nhiệt độ. Điều này cho thấy chúng không còn sự an toàn dù nhiều khu vực đã được khoanh thành khu bảo tồn.
Hệ quả tất yếu, nhóm nghiên cứu nhấn mạnh, người tiêu dùng sẽ phải đối mặt với tình trạng thiếu cà phê, còn những người nông dân trồng cà phê có nguy cơ mất sinh kế, và phải di cư do biến đổi khí hậu tàn phá mùa màng.
Ông Tadesse Woldermariam Gole, một chuyên gia nghiên cứu về môi trường, biến đổi khí hậu và cà phê, nhìn nhận, Ethiopia là quê hương của loại cà phê Arabica, dựa trên tầm quan trọng này, chúng ta cần phải nỗ lực hết sức để hiểu các rủi ro tác động đến sự tồn tại của giống loài này.
“Các nhà buôn cần phải trả một mức giá hợp lý cho những người sản xuất cà phê để họ có thể đầu tư và bảo tồn tốt hơn loại cà phê Arabica. Ngoài ra, chính phủ cũng phải tham gia trong công cuộc này nhằm giúp cà phê sinh sống hoang dã và các đồn điền cà phê phát triển một cách tốt nhất”, ông Tadesse Woldermariam Gole gợi ý.
Ông Aaron Davis đánh giá hiện tại chưa có diễn ra sự thiếu hụt cà phê, một trong những mặt hàng có giá trị trên thế giới. “Nếu là một người thích uống cà phê, bạn không cần phải lo lắng về điều đó. Điều chúng tôi muốn nói chính là tầm nhìn dài hạn, nếu không có các hành động bảo vệ các nguồn lực tài nguyên quý giá này. Chúng ta sẽ không bao giờ thấy được tương lai sáng lạn cho ngành công nghiệp cà phê nữa”, ông Davis đánh giá.