Khởi nghiệp

Doanh nhân Nguyễn Ngọc Tuấn: Khởi nghiệp phải chấp nhận “chông gai”

Diệu Oanh 05/10/2024 9:17

Con đường khởi nghiệp là quá trình lâu dài, bền bỉ, nhiều chông gai, phải thấm đẫm “máu” kinh doanh, biết chấp nhận, sẵn sàng “truyền máu” hoạt động này.

Ths Nguyễn Ngọc Tuấn giới thiệu và tặng lưu niệm Bí thư Tỉnh Ủy Đồng Nai - Ông Nguyễn Hồng Lĩnh cuốn sách
Ths Nguyễn Ngọc Tuấn giới thiệu và tặng lưu niệm Bí thư Tỉnh Ủy Đồng Nai - Ông Nguyễn Hồng Lĩnh cuốn sách "Lãnh đạo thắp lửa Trái tim”

Đó là những gì mà anh Nguyễn Ngọc Tuấn đã đúc kết lại được sau khi đã trải qua chặng đường hơn 20 năm kinh doanh, là giám đốc các công ty (Công ty TNHH Nai House, Công ty TNHH BeBoss Training, Công ty TNHH Thuế Kế toán Luật Việt Á...). Theo anh, để thành công, người khởi nghiệp nhiều khi đừng quá đặt nặng lợi nhuận, phải biết chấp nhận thương đau, thậm chí cả thất bại.

ngoctuan2.jpg

Giá trị của sự thử thách lập nghiệp

Anh Tuấn kể, bản thân đã trải qua một quá trình khó khăn và sóng gió trong suốt giai đoạn đầu khởi nghiệp. Vốn có ý thức tự lập từ rất sớm, ngay cái thời còn là sinh viên ngành kế toán, anh đã phải làm đủ thứ nghề để tự trang trải, kể cả công việc nặng nhọc như bốc xếp.

Chính thời điểm làm thêm tại một số cơ sở chế biến nông sản đã giúp anh biết được chút ít chuyên môn về lĩnh vực này để bắt tay vào mua bán đậu, bắp, cà phê. Lúc đó, tuy mới chỉ ở độ tuổi 24 - 25, ngay khi vừa tốt nghiệp đại học, nhưng vốn lận lưng sơ sơ mà anh thu được từ kinh doanh nông sản cũng đã khoảng 40 cây vàng - một con số không phải nhỏ với người mới chập chững lập nghiệp.

Tuy nhiên, giá trị của sự thử thách lập nghiệp không hề nhỏ, nhất là khi lợi nhuận ban đầu mà anh thu được là đến từ đầu cơ chứ chưa phải từ đầu tư. Năm 1997, muốn “đánh lớn”, anh dồn gần hết vốn vào đầu tư cà phê, và đến năm sau, giá cà phê tụt dốc thê thảm, anh gần như hụt vốn, chỉ còn lại khoảng 10 cây vàng.

Với chút ít vốn liếng còn sót lại, anh góp tiền xây nhà cho thuê, vậy mà vẫn không hiệu quả sau gần 10 năm nếu so với lãi suất ngân hàng hoặc kinh doanh một lĩnh vực gì khác. Điều này làm cho anh nhận ra mình đang thiếu và vướng một số điều gì đó.

Vì vậy, sau khi tốt nghiệp ngành kế toán, anh lại bắt tay học tiếp ngành quản trị doanh nghiệp. Nhưng học rồi mà công việc kinh doanh vẫn chưa thấy khởi sắc. Từ đó, anh lại cất công học tiếp về ngành quản trị tài chính và ngành luật kinh tế. Dù đã có 4 bằng đại học, anh vẫn tích cực tham gia nhiều khóa học trong và ngoài nước để trau dồi kiến thức. Đều đặn mỗi tháng, anh vẫn dành thời gian 4 ngày từ Đồng Nai lên TPHCM để tham gia vào các khóa học với những chuyên đề về quản lý doanh nghiệp, kiến thức cho doanh nhân khởi nghiệp, xu hướng kinh doanh…

Song song với niềm đam mê học hỏi, anh tiếp tục lao vào khởi nghiệp kinh doanh với lòng kiên trì. Anh đã có được thành công như ngày hôm nay từ lĩnh vực sở trường là tư vấn thuế, kế toán.

Hiện anh là ông chủ điều hành của 3 công ty trong lĩnh vực tài chính, sản xuất lắp đặt các thiết bị tổ chức sự kiện ở Đồng Nai. Trong đó, Công ty CP Thuế Kế toán Luật Việt Á hàng năm đã cung cấp dịch vụ về kế toán, thuế và xuất nhập khẩu cho hàng trăm doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh Đồng Nai.

ngoctuan1.jpg

Nỗi sợ thất bại khi khởi nghiệp

Bên cạnh các doanh nghiệp về tài chính, anh còn đứng ra sáng lập Công ty TNHH BeBoss Training tại tỉnh Đồng Nai. Công ty được lập ra với mục đích ban đầu là phi lợi nhuận) nhằm giúp các bạn trẻ học hỏi từ những doanh nghiệp thành công để có bước đi vững chắc trên đường khởi nghiệp và cũng để chia sẻ cho các bạn trẻ khởi nghiệp về kinh nghiệm mà anh đã đúc kết được từ thực tế.

Anh tâm sự, các bạn trẻ khởi nghiệp có một số nỗi sợ, đó là sợ không đủ khả năng, không đủ tiền, không đủ vốn, không có khách hàng. Bên cạnh đó, các bạn trẻ còn sợ mất lòng người khác nên không dám làm điều gì khác biệt, sợ bị chỉ trích, sợ bị cười khi lập một dự án kinh doanh khác biệt.

“Để vượt qua nỗi sợ ấy, chúng ta càng đơn giản hóa công việc kinh doanh thì càng thành công. Chúng ta nên nghĩ lớn nhưng làm từng bước nhỏ, ổn định tâm trí, ổn định niềm tin, sợ cái gì thì phải nhìn thẳng vào nó, liên tục học hỏi để phát triển bản thân để giải quyết bất cứ nỗi sợ hãi nào. Và khi thất bại, cần đúc rút kinh nghiệm, bài học” – anh nhấn mạnh.

Không phải ai khởi nghiệp cũng thành công, khi bắt tay vào “làm ăn” mà không có kiến thức, kỹ năng, không được huấn luyện, dẫn dắt thì rất dễ thất bại. Anh Tuấn cho biết đối tượng mà chương trình khởi nghiệp của anh nhắm đến là những người trẻ. Thực tế, thất bại ban đầu là việc rất dễ xảy ra đối với các doanh nghiệp mới thành lập. Ở môi trường đào tạo của BeBoss Training, các bạn trẻ không chỉ học cách để đạt thành công mà còn phải học những bài học “thất bại một cách đàng hoàng” và những kinh nghiệm xử lý để tránh được vết xe đổ của những doanh nghiệp đi trước.

Anh Tuấn nhấn mạnh rằng “con đường khởi nghiệp rất nhiều chông gai và phải biết chấp nhận. Một điều nữa là tôi muốn mang những trải nghiệm của mình và những kiến thức mà mình bỏ công sức ra học được từ những diễn giả nổi tiếng trên thế giới về chia sẻ cho những bạn trẻ mới bắt đầu khởi nghiệp, giúp họ không mất quá nhiều thời gian cũng như tiền bạc. Và tôi muốn chia sẻ kinh nghiệm này cho mọi người”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Doanh nhân Nguyễn Ngọc Tuấn: Khởi nghiệp phải chấp nhận “chông gai”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO