Cơ cấu tiền lương với các quy định về thang bảng lương hiện không phù hợp với cơ chế thị trường. Do đó, các chuyên gia cho rằng doanh nghiệp và người lao động cần được cung cấp thông tin thị trường để tự đàm phán tiền lương, đảm bảo công bằng.
Bộ LĐ-TB&XH vừa công bố dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 49/2013 ngày 14/5/2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về tiền lương. Trong đó, Bộ đề xuất quy định mới về nguyên tắc xây dựng thang lương, bảng lương.
Bất cập “phi thị trường”
Có thể bạn quan tâm |
Đề xuất sửa đổi này của Bộ LĐ-TB&XH được đưa ra trước thực tế, những quy định nguyên tắc khoảng cách giữa các bậc lương không còn phù hợp với cơ chế thị trường. Cụ thể, như nguyên tắc khoảng cách bậc lương ít nhất 5% đã ảnh hưởng, mức lương với lao động qua đào tạo phải cao hơn ít nhất 7% mức lương tối thiểu vùng, mức lương công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm cao hơn ít nhất 5% hoặc 7% mức lương trong điều kiện lao động bình thường…
Trao đổi với DĐDN, ông Lê Tiến Trường- Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam cho biết, Nghị định hướng dẫn xây dựng thang bảng lương, mỗi bậc cách nhau 5%, dẫn tới việc tăng lương tối thiểu hàng năm không còn là tăng mức lương thấp nhất, nó kéo đến việc dịch chuyển toàn bộ bảng lương. Chi phí tiền lương cao đã làm giảm sự cạnh tranh của doanh nghiệp.
Gặp gỡ Nguyên Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Minh Huân, PV cũng được cho biết, thực tế, quy định tăng 5-7% lương/1 thâm niên lao động nhưng không quy định trần. 5% cho mỗi bậc khiến chi phí lao động là rất lớn, quỹ lương của doanh nghiệp bị phình to qua các năm. Đồng thời, điều này tạo sự bất bình đẳng giữa những lao động làm việc đơn giản với lao động chuyên môn cao.
Thực tế, chi phí bảo hiểm cho người lao động làm 15 - 20 năm cao gấp 2 - 3 lần người mới vào làm việc. Do đó, doanh nghiệp không muốn sử dụng lao động có nhiều thâm niên, tìm nhiều cách để sa thải lao động để tuyển lao động mới.
Xu hướng phải là tự thương lượng
Do đó, Bộ LĐ-TB&XH đưa ra hai phương án thay đổi. Phương án thứ nhất, quy định mang tính chất định tính để doanh nghiệp và công đoàn cơ sở thương lượng, xác định giá trị cụ thể. Nói dễ hiểu là bỏ quy định khoảng cách 5%. Phương án hai, vẫn quy định khoảng cách mang tính định lượng nhưng giảm mức từ 5% xuống 3% để tính tới bãi bỏ quy định này. Khoảng cách chênh lệch giữa hai bậc lương liền kề phải bảo đảm khuyến khích người lao động nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ thuật.
Bộ LĐ-TB&XH hiện đang nghiêng về phương án 2. Tuy nhiên, ông Phạm Minh Huân khẳng định: “Xu thế chung phải là phương án tự thương lượng”. Trước đây đã có quy định về khoảng cách bậc lương là 1%, sau đó có hiện tượng người lao động bị o ép, dẫn tới quy định tăng lên mức 5%. Tuy nhiên, lương tối thiểu liên tục được điều chỉnh tăng trong nhiều năm qua khiến thị trường lao động méo mó.