Bốn Bộ gồm Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Công Thương, Bộ NN&PTNT và Bộ Y tế vừa cho ý kiến về nội dung dự thảo về đề xuất sửa đổi Luật thuế tiêu thụ đặc biệt. Theo đó, nhiều ý kiến phản đối đề xuất của Bộ Tài Chính và cho rằng cần đánh giá kỹ tác động của chính sách này tới sự phát triển của doanh nghiệp ngành công nghiệp đồ uống cũng như ngành mía đường, chè, cà phê...
Bộ Tài chính vừa hoàn thiện dự thảo mới nhất về đề xuất sửa đổi 5 luật thuế. Đáng lưu ý, trong Luật thuế Tiêu thụ đặc biệt, Bộ Tài chính sửa đổi: "Bổ sung thu thuế Tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng nước ngọt có đường vào đối tượng chịu thuế trừ các sản phẩm sữa".
Doanh nghiệp kêu khó
Có thể bạn quan tâm |
Theo đó, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung đề xuất bổ sung mặt hàng nước ngọt bao gồm loại có ga, không ga, tăng lực, thể thao, trà, cà phê vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt mục đích nhằm để hướng dẫn, định hướng tiêu dùng vì loại đồ uống có đường gây tăng cân, béo phì và nhiều ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.
Theo tính toán, việc áp dụng mức thuế suất 10% từ năm 2019 với mặt hàng nước ngọt có đường trừ sữa sẽ tăng thu cho ngân sách Nhà nước khoảng 5.005 tỷ đồng. Tuy nhiên, trao đổi với DĐDN, bà Natasha Ansell - Chủ tịch Hiệp hội các doanh nghiệp Hoa Kỳ tại Việt Nam (Amcham) cho biết doanh nghiệp thành viên sẽ gặp nhiều khó khăn khi áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống ngọt theo đề xuất của Bộ Tài chính.
Cụ thể, đại diện Amcham nhận định, các doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ chịu tổn hại nhiều nhất, thậm chí không thể tiếp tục hoạt động. Khi giá các sản phẩm nước giải khát tăng khoảng 12%, doanh số bán hàng sẽ giảm xuống, dẫn đến doanh thu giảm trong khi các chi phí sản xuất vẫn tăng do giá đường tăng. Hệ quả là lợi nhuận của các công ty giải khát sẽ bị ảnh hưởng. Các công ty lớn có thể có đủ tiềm lực tài chính để tiếp tục kinh doanh, nhưng những doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ bị tổn hại nghiêm trọng và thậm chí có thể bị đào thải nếu họ không có nguồn lực tài chính đủ mạnh.
Chủ tịch Amcham cho biết đã thực hiện nghiên cứu trên 158 quốc gia trên thế giới, trong đó chỉ có 40 quốc gia áp dụng thuế này. Tại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, chỉ có 4 quốc gia chiếm khoảng 2.2% dân số trong khu vực, đang áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nước ngọt.
“Chúng tôi hiểu rõ mong muốn của Chính phủ trong việc đặt ra mục tiêu sức khỏe với người dân. Tuy nhiên, đề xuất này đã phân biệt đối xử và tách rời nước ngọt ra khỏi các đồ uống và thực phẩm có chứa đường khác. Đề xuất cần chứng minh được hiệu quả trong việc bảo vệ sức khỏe. Đây chính sự không phù hợp với những thông lệ quốc tế mà chúng tôi nêu ra”, đại diện Amcham nhấn mạnh.
Đồng quan điểm về vấn đề này, ông Nguyễn Tiến Vỵ - Phó chủ tịch Hiệp hội Bia-Rượu-Nước giải khát VN cho rằng, việc áp dụng thuế TTĐB sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của ngành công nghiệp này.
“Nếu Việt Nam áp dụng thuế TTĐB với nước ngọt, thì đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa, song song với đó người dân Việt Nam sẽ nằm trong khoảng 2,2% người dân Châu Á phải trả thuế cho loại đồ uống thông dụng này. Do đó, tôi đề xuất Việt Nam cần nghiên cứu kỹ hơn và đánh giá tác động khi một sắc thuế gây tác động to lớn đến toàn xã hội, ảnh hưởng đến một nền công nghiệp đang đóng góp đáng kể cho ngân sách”, ông Vỵ nhấn mạnh.
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cũng cho rằng, việc áp thuế TTĐB đối với mặt hàng nước ngọt sẽ giúp Chính phủ có thêm nguồn thu. "Tuy nhiên, áp thuế TTĐB cũng ảnh hưởng tiêu cực tới hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, làm giảm doanh thu lợi nhuận. Từ đó, nguồn thu của Nhà nước từ các loại thuế khác như giá trị gia tăng (VAT), thuế doanh nghiệp và phần nào là thuế thu nhập cá nhân bị sụt giảm”, TS Ngô Trí Long nhận định.
Cần đánh giá kỹ tác động
Do đó, đại diện Amcham đề xuất, có rất nhiều phương thức để đạt được mục tiêu nâng cao sức khỏe cộng đồng, Chính phủ có thể tăng cường giáo dục về sức khỏe, tạo ra những môi trường khuyến khích vận động và lối sống lành mạnh, không chỉ là cấm tiêu dùng một số mặt hàng. “Cá nhân tôi là một người chạy việt dã (marathon). Tôi luôn tự đưa ra lựa chọn dinh dưỡng cho mình, ăn gì, uống gì, thay vì chỉ thay đổi thói quen khi bị cấm. Khi đề xuất một dự thảo luật có tác động sâu rộng cũng cần xét đến khía cạnh cạnh tranh. Chưa nên nóng vội khi đưa ra một đề xuất có tính phân biệt đối xử”, Chủ tịch Amcham nói.
Cho ý kiến về vấn đề này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cho rằng, cần có nghiên cứu đánh giá tác động của chính sách đối với ngành công nghiệp đồ uống, thu ngân sách nhà nước và các yếu tố khác như lao động, việc làm, cung ứng nguyên liệu nhất là nguyên liệu chè, cà phê, mía đường...
Trong khi đó, Bộ Công Thương cho rằng, nếu theo quan điểm của Bộ Tài chính thì không chỉ nước ngọt mà nhiều sản phẩm chứa đường cũng cần phải quản lý bởi đều ảnh hưởng đến sức khoẻ con người.
Đồng thời, khi liệt kê nước ngọt tại dự thảo Luật, Bộ Tài chính cũng đã liệt kê các sản phẩm được coi là nước ngọt mà không thống nhất với lý do Bộ Tài chính đưa ra. Cụ thể, coi trà, cà phê (loại không đường) là nước ngọt và loại trừ nước trái cây, nước rau quả chưa đường, sữa ra khỏi nước ngọt.
Vì vây, Bộ Công Trương đề nghị Bộ Tài chính giải trình rõ hơn sự cần thiết đưa nước ngọt vào hàng hoá tính thuế Tiêu thụ đặc biệt cũng như lý do cần thiết hạn chế mặc hàng này.
Cùng với đó, Bộ NN&PTNT cho rằng, chưa có nghiên cứu nào đề cập đến sự lạm dụng trà, cà phê uống liền dẫn đến thừa cân, béo phí đưa đến tăng rủi ro bị các bệnh về tim mạch và tiểu đường ở Việt Nam, nhất là ở trẻ em - đối tượng vốn ít tiêu thụ sản phẩm này.
Do vậy, Bộ NN&PTNT đề nghị cần xác định rõ khái niệm "đồ uống có đường" nhằm xác định rõ ở mức độ hàm lượng đường nào thì xếp vào nhóm này để áp thuế tiêu thụ đặc biệt cho phù hợp. Bộ Tài chính không nên đưa trà và cà phê uống liền vào danh mục nhóm đồ uống có đường chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.
Về phía Bộ Y tế mặc dù đồng tình với đề xuất của Bộ Tài chính nhưng cũng đề nghị bổ sung quy định cụ thể loại nước ngọt nào chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, tránh tình trạng áp dụng không thống nhất, phạm vi quá rộng.