Các chuỗi cà phê đang chọn Singapore làm cửa ngõ ra thế giới

Diendandoanhnghiep.vn Ngày càng nhiều chuỗi cà phê mở cửa hàng tại Singapore, với niềm tin rằng những quốc gia như Singapore hoặc Malaysia có thể là bước đệm cho tham vọng mở rộng toàn cầu của mình.

>>Chuyện cà phê “ngon”

Thị trường cà phê Singapore không hề dễ thở, ngược lại còn rất đông đúc. Thế nhưng điều này không thể ngăn cản hàng loạt thương hiệu cà phê mở các cửa hàng mới tại đất nước này.

Chẳng hạn, chỉ trong vài tháng vừa qua, có ít nhất năm chuỗi cà phê chào sân Singapore, bao gồm Luckin Coffee (Trung Quốc), Kenangan Coffee, Fore Coffee (Indonesia), Tim Hortons (Canada) và Louisa Coffee (Đài Loan).

Ngoài Trung Quốc, Singapore là quốc gia đầu tiên mà Luckin đầu tư rất mạnh, với việc mở hơn 30 cửa hàng kể từ tháng 3. Trong khi đó, kể từ tháng 9, Kenangan Coffee đã mở 4 cửa hàng, Tim Hortons mở 2, Fore Coffee và Louisa Coffee mỗi bên mở 1.

Ông Edward Tirtanata, đồng sáng lập kiêm CEO của Kopi Kenangan (là Kenangan Coffee ở Singapore), bày tỏ rằng họ đang ấp ủ tham vọng mở rộng khắp thế giới. Theo ông, để bắt đầu con đường ấy, không nơi nào tốt hơn Singapore. Bởi vì quốc gia này là trung tâm của Đông Nam Á. Hành khách từ khắp nơi trên thế giới muốn đến Đông Nam Á thì đa số sẽ bay đến Singapore, hoặc chỉ đơn giản là quá cảnh, du lịch hoặc kinh doanh.

Với nhận định ấy, Kenangan Coffee chọn những địa điểm rất xịn để mở cửa hàng tại Singapore, bao gồm Nhà ga số 2 Sân bay Changi, Trung tâm thương mại Sân bay Changi, Trung tâm mua sắm Raffles City và Trung tâm mua sắm Takashimaya. Tất cả các địa điểm này đều là nơi tập trung những thương hiệu và hàng hóa cao cấp.

Tại quê nhà Indonesia, Kopi Kenangan là thương hiệu dẫn đầu trong mảng cà phê mua mang đi. Ra mắt năm 2017, đến nay họ sở hữu hơn 800 cửa hàng tại hơn 45 thành phố của Indonesia và 22 cửa hàng ở Malaysia.

Nhận định về thị trường Singapore của ông Tirtanata cũng nhận được đồng tình từ giới đầu tư. Ông Peng T. Ong, đồng sáng lập kiêm đối tác quản lý tại Monk’s Hill Ventures, chia sẻ rằng điều này cũng giống như việc các chuỗi nhà hàng thường muốn mở cửa hàng ở những trung tâm như New York hoặc London. Tại Đông Nam Á, Singapore là một trung tâm tài chính. Vậy nên các chuỗi cà phê mong muốn những nhà đầu tư trong tương lai biết về Singapore.

Cũng là một trong các thương hiệu quyết định đẩy mạnh cửa hàng ở Singapore ngoài quê nhà, Luckin Coffee lại từ chối bình luận, nói rằng họ vẫn “chỉ là người mới” ở thị trường ngoại quốc. Tại Trung Quốc, Luckin Coffee vừa vượt qua Starbucks và trở thành chuỗi cà phê lớn nhất quốc gia tỷ dân này trong năm 2023.

Trước màn xuất hiện của các đối thủ, Starbucks cho biết họ luôn chào đón sự cạnh tranh, bởi đó là thứ giúp mở rộng thị trường cà phê, hỗ trợ phổ biến văn hóa cà phê và đẩy nhanh lượng tiêu thụ.

Người Singapore rất thích cà phê, bất kể lứa tuổi, giới tính hoặc mức thu nhập. Một cuộc khảo sát tháng 7/2022 tại quốc gia này cho thấy 55% số người được hỏi cho biết họ vừa mua cà phê vào tuần trước (so với thời điểm khảo sát).

Những chuỗi cà phê lớn của thế giới như Starbucks hoặc Dunkin’ Donuts đều đạt những thành công nhất định ở Singapore. Chẳng hạn, Starbucks có hơn 140 cửa hàng ở Singapore. The Coffee Bean & Tea Leaf có hơn 70 cửa hàng.

Thị trường cà phê địa phương cũng rất đông đúc. Các thống kê cho thấy tính đến tháng 5/2023, Singapore sở hữu đến 776 quán cà phê nằm trong các khu dân cư.

Trong khi đó, những chuỗi cà phê quốc tế thường có xu hướng mở tại các trung tâm thương mại. Vậy nên giá cả cũng cao hơn các cửa hàng địa phương.

Ví dụ, một ly cold brew của Starbucks có giá khoảng 6,30 đô Sing (4,73 USD), còn một ly cà phê đen địa phương có giá bán lẻ trung bình là 1,2 đô Sing.

Thế nhưng điều này không hề ngăn cản sự phát triển của các chuỗi cà phê quốc tế ở Singapore. Bởi nếu tính theo chi phí sinh hoạt và mức thu nhập, thì giá của Starbucks không hề đắt. Hay nói cách khác, người Singapore không gặp khó khăn khi tiêu tiền cho Starbucks. Vậy nên khi hoạt động tại Singapore, vấn đề mà các chuỗi thương hiệu cần cân nhắc là họ muốn mở rộng đến mức nào.

Theo bảng xếp hạng của Economist Intelligence Unit trong quý 2/2023, Singapore vẫn là nơi có môi trường kinh doanh tốt nhất thế giới trong 5 năm tới nhờ các yếu tố kinh tế và chính trị ổn định.

Nếu so với xu hướng này thì các thương hiệu cà phê Việt lại tương đối “ngược dòng” khi hầu hết đều bỏ qua Singapore lúc “xuất ngoại”. Các thương hiệu như Trung Nguyên, Highland, Phúc Long, Cộng, v.v. đang “mang chuông đi đánh” xứ Mỹ, Hàn Quốc, Trung Quốc mà không phải Singapore.

Đánh giá của bạn:

Mời các bạn tham gia vào group Diễn đàn Doanh nghiệp để thảo luận và cập nhật tin tức.

Bạn đang đọc bài viết Các chuỗi cà phê đang chọn Singapore làm cửa ngõ ra thế giới tại chuyên mục Doanh nghiệp của Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác: email toasoan@dddn.com.vn, hotline: 0985698786,
Bình luận
Bạn còn /500 ký tự
Xếp theo: Thời gian | Số người thích
SELECT id,type,category_id,title,description,alias,image,related_layout,publish_day FROM cms_post WHERE `status` = 1 AND publish_day <= 1714289637 AND in_feed = 1 AND top_home <> 1 AND status = 1 AND publish_day <= 1714289637 ORDER BY publish_day DESC, id DESC LIMIT 0,11
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10