Biến vỏ cà phê từ chỗ sau khi xát lấy nhân sẽ bỏ đi, thành trà Cascara có giá trên 1 triệu đồng/kg, Phúc Sinh tăng thêm giá trị cho người nông dân lẫn nới rộng "size" cho thị trường nông sản Việt.
>>>Phúc Sinh khánh thành dây chuyền chế biến Trà Cascara đầu tiên tại Việt Nam
Phúc Sinh Group vừa ra mắt sản phẩm trà túi lọc “Cascara Blue Sơn La”. Đây là sản phẩm được Phúc Sinh Sơn La - Công ty thành viên tại Sơn La - sản xuất và đã xuất khẩu đi nhiều quốc gia.
Chia sẻ tại sự kiện ra mắt sản phẩm mới, ông Phan Minh Thông - Chủ tịch Phúc Sinh Group - cho biết trên thế giới, trà Cascara là một sản phẩm độc đáo được làm từ thịt của vỏ quả cà phê Arabica. Loại trà này đã được ưa chuộng và sử dụng tại Nam Mỹ suốt hơn 50 năm và được nhiều người tiêu dùng nước ngoài yêu thích. "Ở nước Mỹ đã bán trong nội địa từ rất lâu, tuy nhiên ở Việt Nam còn rất mới mẻ và Phúc Sinh là công ty đầu tiên khai thác sản phẩm trà Cascara này trên quy mô công nghiệp lớn với dây truyền từ Colombia đã có thương hiệu trên toàn thế giới, chúng tôi tạo ra trà Cascara với một hương vị vô cùng đặc biệt.
Trước đây, vỏ quả cà phê thường được dùng làm vật liệu đốt và phân bón cho cây. Nhưng cách làm này không thực sự tối ưu, thậm chí có thể gây ảnh hưởng xấu đến vùng trồng và môi trường. Giờ đây, việc chế biến vỏ quả cà phê thành trà Cascara là một cách làm vừa sáng tạo, vừa đem lại nhiều lợi ích cho sức khỏe con người và thiên nhiên môi trường. Đây cũng là một trong những hướng đi nối tiếp truyền thống hàng chục năm qua mà Phúc Sinh đã tiên phong về phát triển bền vững, với liên kết các hộ nông dân xây dựng vùng trồng theo chuẩn Rain Forest Alliance, đồng hành cùng người nông dân xây dựng mức sống tốt hơn và bảo vệ môi trường xanh.
"Vỏ quả cà phê khi được chế biến thành trà Cascara có rất nhiều giá trị dinh dưỡng và mang lại những lợi ích sức khỏe như: giữ được cân nặng hợp lý, hỗ trợ cải thiện hệ tiêu hoá tốt, có nhiều chất chống oxy hóa giúp cho làn da của người sử dụng được mịn màng. Việc chế biến, sản xuất trà Cascara cũng giúp giải quyết bài toán về môi trường và tạo ra một nền nông nghiệp tuần hoàn xanh mà hiện giờ đang là xu hướng trên thế giới cũng như là ở Việt Nam", ông Thông cho biết thêm.
Được biết, để có sản phẩm mới này, Phúc Sinh đã nghiên cứu và nhờ "cơ duyên" - tình yêu đã giúp ông Phan Minh Thông cùng ông Vũ Việt Thắng, cộng sự và cũng là Tổng Giám đốc CTCP Phúc Sinh Sơn La - đến với vùng trồng Arabica đặc biệt của núi rừng Tây Bắc, nơi cho loại cây công nghiệp cà phê đạt quả mọng từ độ cao trên 1.000m, hấp thụ mọi tinh hoa của nắng gió, đất trời "đúc kết" thành quả cà phê ngọt hơn, vị đặc biệt hơn. Ông Vũ Việt Thắng, Tổng Giám đốc Công ty Phúc Sinh Sơn La, chia sẻ chỉ có Arabica ở Sơn La là thích hợp để sản xuất trà Cascara, các vùng trồng khác có cà phê chủ yếu là loại Robusta có vỏ mỏng và độ ngọt thấp nên không thích hợp chế biến ra loại trà "đặc sản" này.
>>>Làm sao để phát triển ngành cà phê Việt?
Ông Thắng tiết lộ, để có nguồn cà phê Arabica đảm bảo, công ty đã liên kết với 33 nông hộ trồng cà phê tại Sơn La nhằm cung cấp 330 tấn quả cà phê chín. Phải dùng 10kg cà phê tươi mới làm ra được 2kg cà phê nhân và 1kg trà Cascara. Sau khi loại bỏ các quả không đạt chất lượng, sản lượng trà Cascara hiện cũng chỉ đạt khoảng 20 tấn/năm. Hiện có tới 90% sản phẩm trà làm ra được khách hàng nước ngoài, đặc biệt ở thị trường Mỹ và EU, đặt mua hết.
Giá trị trà Cascara mang đến lợi ích trực tiếp cho người nông dân bởi trong một năm chỉ có 3 tháng mùa vụ thu hoạch hoặc có thể tăng 4 tháng tùy vụ, thì người nông dân có thể đợt trái cây chín đỏ để hái xuống, hợp tác với công ty nhằm được hưởng lợi khi có thu nhập thêm khoảng 10.000 đồng trên mỗi ký cà phê (tính theo khối lượng cà phê nhân khô) bán cho công ty. Cũng do đó sản lượng có thể "nới size" khoảng 30 tấn/ năm và thậm chí hơn, những vẫn thấp dưới công suất mà dây chuyền chế biến trà Cascara tại Mai Sơn (Sơn La) có thể sản xuất.
Trước đó, ngày 21/10, Công ty Cổ phần Phúc Sinh đã khai trương dây chuyền chế biến trà Cascara tại Mai Sơn (Sơn La), chính thức đặt cột mốc trở thành đơn vị đầu tiên chế biến và sản xuất trà Cascara theo quy mô lớn, chuyên nghiệp tại Việt Nam nói riêng và Đông Nam Á nói chung. Dây chuyền chế biến trà Cascara được nhập khẩu có công suất đầu vào 10 tấn quả chín/ngày, tương đương 1 tấn trà thành phẩm/ngày. Dây chuyền gồm: Hệ thống rửa quả tiêu chuẩn thực phẩm, tách vỏ, sấy khử UV; hệ thống sấy lạnh đa chức năng đảm bảo sạch và giữ nguyên hương vị, màu sắc; hệ thống đóng gói tự động.
Ông Phan Minh Thông cũng chia sẻ, trước đây tại vùng Lâm Đồng, Đà Lạt cũng có cà phê Arabica. Phúc Sinh lại cũng đang có nhà máy tại DakLak sản xuất tiêu xanh và nước sốt tiêu. Tuy nhiên ngay vùng trồng đó nhưng Arabica đã dần biến mất do giá trị cà phê đạt được "khó có thể so bì so với giá trị đất đai đi theo những cơn sốt đất bùng nổ". Vì lẽ đó nên vẫn chỉ có tại Sơn La là vùng trồng lớn nhất và có tiềm năng phát triển hơn nữa trong tương lai.
Tất nhiên, do vùng trồng ở Sơn La cũng có giới hạn về đất đai, nên mặc dù có giá trị gia tăng cao nhưng khả năng khai thác nhiều hơn vẫn có hạn chế nhất định. Ngay cả như vậy, Phúc Sinh vẫn đầu tư lớn để vừa cho ra sản phẩm "có một không hai" của cà phê đặc sản - signature KCoffee Blue Sơn La, một mặt mang lại gia tăng thêm cho cây cà phê và thu nhập của người nông dân, mặt khác vừa mang đến thị trường sản phẩm là "tinh túy từ tình yêu Arabica Sơn La" với dòng trà Cascara.
"Hy vọng đây cũng là nguồn cảm hứng cho những ai đang làm nông sản Việt Nam, cũng như những người làm trong ngành gia vị, thực phẩm, ẩm thực... Chúng ta có thể làm nên sản phẩm giá trị cao với rất nhiều nguyên vật liệu mà trước nay không được đánh giá cao", ông Thông chia sẻ.
Cũng tại lễ ra mắt sản phẩm mới, đại diện CTCP Hàng tiêu dùng Phúc Sinh - một thành viên khác của Phúc Sinh Group - cho biết với định vị trà túi lọc “Cascara Blue Sơn La” hướng đến phục vụ phân khúc khách hàng trung cao, Phúc Sinh Consumer dự kiến sẽ cung cấp sản phẩm cho các hệ thống nhà hàng, khách sạn, resort và bán lẻ tại hệ thống siêu thị...
Hiện Phúc Sinh đang đẩy mạnh phát triển đa kênh xuất khẩu và nội địa. Tại thị trường Việt Nam, công ty có 42 nhà phân phối, phân phối sản phẩm ở 63 tỉnh thành thông qua các kênh tạp hoá, siêu thị, hệ thống nhà hàng, khách sạn, khối doanh nghiệp, thương mại điện tử… và tiếp cận người tiêu dùng nội địa bằng cách mở hàng loạt các cửa hàng K COFFEE. Trong thời gian tới và trước mắt là phục vụ cho mùa Lễ Tết cuối năm, Phúc Sinh đang tập trung mở rộng và phân phối các sản phẩm nông sản chủ đạo là cà phê K COFFEE, tiêu K Pepper tiệt trùng, trà Cascara qua các kênh trên và qua website www.kphucsinh.vn, ứng dụng mua sắm online App KPHUCSINH.
Có thể bạn quan tâm
Phúc Sinh Consumer ký kết hợp tác phân phối K COFFEE tại 4 thị trường lớn
11:41, 10/11/2023
Phúc Sinh Group ký kết và triển khai dự án SAP
14:49, 10/06/2023
Phúc Sinh vì sao chọn bán lẻ hàng nguyên liệu đến tận tay người dùng?
12:32, 31/03/2021
Phúc Sinh Group trên hành trình mở lối tương lai
11:02, 12/02/2021
Phúc Sinh tiên phong chuyển đổi số trong nông nghiệp, ra mắt KPhucsinh app
14:42, 05/11/2020
Phúc Sinh tái định hình thị trường hồ tiêu Việt
11:48, 04/12/2019
Phúc Sinh Sơn La: Nâng tầm cà phê arabica Việt Nam trên bản đồ quốc tế
11:45, 08/11/2018