ĐBSCL là 1 trong 7 vùng du lịch trọng điểm của quốc gia, có sự tương đồng về tài nguyên, văn hóa, sự gắn kết về hạ tầng và không gian phát triển giữa các địa phương trong vùng.
>>>5 vấn đề cốt lõi để liên kết phát triển du lịch Đông Nam Bộ
LTS: Báo cáo Kinh tế Thường niên Đồng bằng sông Cửu Long lần thứ 3 do Liên Đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp cùng Trường Chính sách Công và Quản lý Fulbright (Đại học Fulbright Việt Nam) thực hiện. Chủ đề của Báo cáo năm nay là “Các nút thắt thể chế, quản trị và liên kết vùng”. VCCI thực hiện xây dựng và công bố báo cáo này theo yêu cầu của Chính phủ tại Nghị quyết 57/NQ-CP ngày 21/4/2022 về các nhiệm vụ giải pháp hoàn thiện thể chế liên kết vùng kinh tế xã hội. Nghị quyết 57 có nêu rõ trách nhiệm của VCCI “chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan theo dõi, đánh giá độc lập và có báo cáo định kỳ về tính tổng thể trong phát triển kinh tế - xã hội các vùng, về hiệu quả hoạt động phối hợp, liên kết vùng của từng địa phương”.
Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp trân trọng giới thiệu nội dung tóm tắt báo cáo thường niên, ấn phẩm có giá trị quan trọng trên cơ sở nghiên cứu, phân tích, đánh giá các cơ hội, thách thức lớn tác động đến kinh tế của vùng, giúp cho các cơ quan quản lý, các nhà nghiên cứu, cộng đồng doanh nghiệp tìm hiểu và xây dựng chương trình hành động để thích ứng, cùng thúc đẩy vùng đồng bằng này phát triển ổn định và bền vững.
Trong các năm qua, ĐBSCL đã tổ chức nhiều loại hình liên kết theo cả chiều dọc và chiều ngang. Đó là các chương trình liên kết với các cơ quan trung ương trong việc xây dựng Quy hoạch tổng thể vùng ĐBSCL thời kỳ 2021 - 2030 tầm nhìn 2050, trong đó có hợp phần du lịch; liên kết phát triển du lịch giữa TP.HCM với 13 tỉnh, thành ĐBSCL giai đoạn 2019 - 2022.
Về liên kết nội vùng ĐBSCL, có thể kể đến các cụm hợp tác phía Đông (6 tỉnh) và phía Tây (7 tỉnh, thành) và giữa các hội viên Hiệp hội Du lịch ĐBSCL. Đối với các tổ chức quốc tế, liên kết về du lịch của các địa phương trong vùng chủ yếu dưới dạng hợp phần nhỏ thuộc các dự án như CIDA Sóc Trăng, Trà Vinh; AMD Bến Tre, Trà Vinh, và một số dự án, chương trình đào tạo khác.
Có thể nói nếu căn cứ vào số lượng các hoạt động liên kết du lịch của ĐBSCL thì thấy khá nhiều chương trình, tuy nhiên hầu như các liên kết này ít tác động đến việc nâng cao năng lực cạnh tranh điểm đến cả về quy hoạch, tiếp thị, xây dựng sản phẩm, đào tạo nguồn nhân lực và khả năng tiếp cận thị trường.
Một nguyên nhân quan trọng của tình trạng này là các chương trình liên kết hiện nay phần lớn mang tính hình thức, rời rạc, hoặc không gắn liền với nhu cầu của doanh nghiệp và thị trường. Trong đó liên kết với TP.HCM được coi là quan trọng nhất, nhưng do không có tổ chức nào triển khai mà chỉ dựa vào các cơ quan nhà nước với cán bộ kiêm nhiệm, nên hiệu quả hầu như chỉ dừng lại ở các biên bản hợp tác. Chính vì vậy, việc đổi mới hình thức liên kết và hợp tác sao cho thực chất và hiệu quả là một nhu cầu cấp thiết đối với du lịch ĐBSCL.
Một là, liên kết xây dựng thương hiệu. Lâu nay, khi nói đến ĐBSCL, du khách trong nước thường liên tưởng đến một vùng có nhiều sông - rạch, ruộng đồng, trang trại, vườn cây, chợ nổi và chùa Khmer. Còn đối với khách Âu - Mỹ, địa danh “Mekong Delta” đã có trong giáo trình các môn địa lý. Nhiều du khách cho rằng, ĐBSCL với đồng lúa mênh mông chính là điểm đến khác biệt nhất của Việt Nam so với xứ lạnh trồng lúa mì, khoai tây của họ.
Như vậy, nhìn chung, cả du khách trong nước và quốc tế đều nghĩ đến ĐBSCL như là “một khối” hay một điểm đến đồng nhất về mặt tài nguyên thiên nhiên và văn hóa. Do đó, để tiếp thị hiệu quả, các địa phương cần phải liên kết xây dựng thương hiệu chung cho toàn vùng. Từ thương hiệu này, các tỉnh, thành sẽ gắn tên địa phương theo sau, chẳng hạn “Mekong Delta/ Đồng Tháp Province”, giúp khách nhớ đến tỉnh Đồng Tháp dễ hơn.
ĐBSCL có thể học hỏi sáng kiến “Con Đường Di Sản Miền Trung” do ông Paul Stone - một nhà quản lý khách sạn cao cấp ở Đà Nẵng, đề xuất cách đây gần 20 năm, để kết nối các di sản thế giới được UNESCO công nhận là Phong Nha - Kẻ Bàng, cố đô Huế, phố cổ Hội An và thánh địa Mỹ Sơn như một điểm đến chung. Sáng kiến này đã định vị và quảng bá rất hiệu quả cho du lịch của các tỉnh, thành từ Quảng Bình đến Quảng Nam trong suốt thời gian qua.
Hai là, liên kết quy hoạch và phát triển điểm đến. Nếu 13 tỉnh, thành muốn cùng nhau phát triển dưới thương hiệu “Mekong Delta”, thì mỗi địa phương sẽ phải liên kết để xây dựng chiến lược phát triển điểm đến. Chẳng hạn, vùng sinh thái nước ngọt thì phát triển du lịch gắn với vườn cây, đồng lúa, hoa sen; vùng ven biển gắn với rừng ngập mặn, trang trại thủy sản; các tỉnh có đông đồng bào Khmer sinh sống thì du lịch cộng đồng, văn hóa; và các nhánh sông Mekong sẽ là nơi phát triển du lịch trên sông.
Để phù hợp với nguồn lực, chiến lược phát triển điểm đến nên phân theo nhiều giai đoạn. Ví dụ giai đoạn đầu tập trung phát triển sản phẩm dành cho khách nội địa đi ngắn ngày, chi tiêu trung bình; giai đoạn hai nâng cấp dịch vụ và giữ khách lâu hơn; giai đoạn ba hướng đến khách cao cấp, khách quốc tế đi dài ngày với tầm nhìn đến năm 2050 là trung tâm du lịch gắn với sông, hướng ra biển và kết nối với các nước Đông Nam Á.
Ba là, liên kết quản lý điểm đến. Khi đã xác định ĐBSCL là điểm đến chung thì các tỉnh, thành cần liên kết xây dựng quy chế phối hợp giữa các địa phương trong việc quản lý tài nguyên thiên nhiên, văn hóa, môi trường, dịch vụ, đồng thời xây dựng cổng thông tin, nội dung thông tin về điểm đến, cách xử lý các sự cố ảnh hưởng đến thương hiệu của vùng. Việc liên kết này còn nhằm bảo vệ các giá trị cốt lõi của du lịch ĐBSCL, đó là tài nguyên thiên nhiên, văn hóa và môi trường.
Bốn là, liên kết phát triển chuỗi giá trị. Một trong những lý do khách lưu lại ngắn ngày ở ĐBSCL là vấn đề trùng lắp sản phẩm giữa các địa phương. Điều này đặt ra yêu cầu là ngoài sự liên kết về quy hoạch không gian, thì cần có sự liên kết giữa các doanh nghiệp vận tải, lữ hành và dịch vụ tại điểm đến thành các chuỗi giá trị. Chuỗi giá trị sẽ đảm bảo khi một doanh nghiệp có khách, thì các doanh nghiệp còn lại trong chuỗi cũng sẽ đón được khách này và họ có trách nhiệm tạo ra các điểm tham quan, trải nghiệm không trùng lặp ở nhiều địa phương, đồng thời cùng quản lý để nâng cao chất lượng dịch vụ.
Nếu các chuỗi giá trị bao gồm cả các công ty xe khách đường dài từ TP. HCM đến các tỉnh, thành ĐBSCL; các hãng hàng không và tàu thủy, chắc chắn sẽ phát triển được thị trường khách lẻ, nhóm nhỏ - vốn dĩ đang là xu hướng du lịch.
Năm là, liên kết tổ chức lễ hội và xúc tiến du lịch. Hàng năm ĐBSCL có nhiều lễ hội nhưng ít có tác động đến việc thu hút khách du lịch. Một nguyên nhân có thể là do nhiều lễ hội có quy mô nhỏ và công tác truyền thông chưa tốt. Nếu ĐBSCL là một điểm đến chung, thì các lễ hội này nên được tổ chức theo lịch hàng năm cho cả vùng, với hình thức tổ chức như là sự kiện du lịch hoặc kết hợp với các hoạt động du lịch khác, các chương trình khuyến mãi để thu hút khách. Các lễ hội này có thể được tổ chức gần nhau về mặt thời gian và không gian, để khách thuận tiện tham dự cùng lúc nhiều lễ hội nhằm kéo dài thời gian lưu trú của họ.
Về xúc tiến thì mỗi tỉnh, thành đều có trung tâm xúc tiến với kinh phí và phương thức hoạt động riêng rẽ. Mỗi trung tâm của từng địa phương dù rất cố gắng nhưng tự thân không thể có đủ nguồn lực để thực hiện các chiến dịch quảng bá, xúc tiến lớn, vì vậy tác động đến thị trường còn hạn chế. Giữa các tỉnh, cụm tỉnh cũng có các chương trình liên kết như đã trình bày ở trên, nhưng phần lớn chỉ mang tính gặp gỡ, giao lưu.
Bên cạnh đó, nghiên cứu thị trường để hiểu khách hàng là ai, họ có nhu cầu như thế nào và xu hướng sắp tới ra sao, cũng là một việc cần nhưng chưa được làm có hệ thống. Để tạo ra sức mạnh chung trong điều kiện eo hẹp về ngân sách của từng địa phương, các tỉnh thành ĐBSCL nên liên kết nguồn lực để xây dựng một tổ chức xúc tiến du lịch chung, trong đó có sự đóng góp ngân sách của nhà nước và các doanh nghiệp. Liên kết đào tạo nguồn nhân lực
Nguồn nhân lực du lịch ở ĐBSCL đang được đào tạo ở nhiều cơ sở giáo dục trong và ngoài vùng nên không thiếu về số lượng mà thiếu về chất lượng và sự phù hợp với công việc cần tuyển dụng. Ví dụ nếu xác định du lịch nông nghiệp là thế mạnh, thì hầu như chưa có các chương trình đào tạo quản trị loại hình du lịch này ở các trường trong vùng, hay có rất ít nhân lực đủ khả năng phục vụ khách quốc tế. Như vậy cần có sự liên kết chiều dọc giữa các cấp chính quyền với các trường và doanh nghiệp du lịch để xây dựng và triển khai các chương trình đào tạo phù hợp với nhu cầu thực tế phát triển du lịch ở ĐBSCL.
Sáu là, liên kết hạ tầng. Các tuyến giao thông đường bộ, đường thủy, đường hàng không đến ĐBSCL đang được đầu tư nhiều hơn trong mấy năm trở lại đây. Nhưng cần có sự liên kết các loại hình giao thông này trong chiến lược phát triển du lịch của toàn vùng. Ví dụ các bến cảng trên sông chỉ dành cho tàu chở hàng, không có khu vực cho du thuyền; nhiều bến xe thiếu tiện nghi và thông tin dành cho khách du lịch đi lẻ. Ngoài ra xét về mặt ví trí, ĐBSCL là nơi rất gần các nước Đông Nam Á như Thái Lan, Campuchia, Singapore, Malaysia nhưng các cảng biển hiện hữu và dự kiến trong vùng đều chưa đề cập đến việc thiết kế không gian và tiện nghi để khai thác các tàu biển chở hàng ngàn khách.
Bảy là, liên kết ngành nông nghiệp và du lịch. Du lịch nông nghiệp rất phổ biến ở nhiều quốc gia công nghiệp trên thế giới và hiện đang là một trong những xu hướng du lịch mới ở Việt Nam. Loại hình du lịch này phát triển dựa trên nguồn lực sẵn có của ngành nông nghiệp, đó là trang trại, nhà vườn và thị trường khách hàng đô thị. Kinh nghiệm từ các quốc gia như Áo, Hà Lan, Philippines thì du lịch nông nghiệp phát triển tỷ lệ thuận với sự gia tăng cư dân đô thị, và đây cũng chính là xu hướng di dân hiện nay ở Việt Nam.
Tám là, Hợp tác với các tổ chức quốc tế. Hợp tác với các tổ chức quốc tế có nhiều hình thức, đó là: (1) dự án được thực hiện theo sự tài trợ của chính phủ các nước, (2) dự án của các tổ chức quốc tế (như Liên Hiệp Quốc), (3) dự án của các tổ chức phi Chính phủ (NGO) và các hiệp hội. Hầu hết các dự án đều nhằm nâng cao năng lực ở một lĩnh vực, ngành nghề, khu vực hay đối tượng cụ thể nào đó, có yêu cầu vốn đối ứng hoặc không, nhưng cần có sự chấp thuận từ các cơ quan trung ương. Để nhận được sự hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế này, thì điều kiện bắt buộc là phải có cơ quan, tổ chức Việt Nam đứng ra lập dự án với mục tiêu rõ ràng.
Tóm tắt lại, ĐBSCL có tiềm năng lớn về tài nguyên và cơ hội để đưa du lịch trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn. Tuy vậy sự phát triển trong thời gian qua còn chậm so với các vùng du lịch khác của cả nước trong đó có nguyên nhân là từ sự liên kết, hợp tác chưa tốt. Nếu từng tỉnh, thành vẫn chỉ phát triển trong không gian hành chính của mình, thì khó tạo ra nguồn lực tốt hơn để thay đổi vị thế của ngành du lịch ở từng địa phương.
Vì vậy cần chọn lựa hình thức liên kết mới, đó là liên kết nội vùng để trở thành “một khối” và một điểm đến với thương hiệu chung để khai thác nội lực, quản lý tài nguyên tốt hơn; liên kết ngoại vùng để phát triển thị trường; cải cách thể chế, chính sách phù hợp để tăng cường hợp tác với các tổ chức quốc tế nhằm tận dụng vốn, kiến thức và kinh nghiệm của họ. Đây là những việc cần phải làm để phát triển hiệu quả và bền vững du lịch ĐBSCL trong thời gian tới.
(Còn tiếp)
Có thể bạn quan tâm
Hải Dương: Tăng cường liên kết phát triển du lịch bền vững
02:00, 18/01/2024
5 vấn đề cốt lõi để liên kết phát triển du lịch Đông Nam Bộ
00:30, 24/12/2023
Hà Nội đẩy mạnh liên kết phát triển du lịch golf
13:40, 30/11/2023
Quảng Nam tăng cường liên kết phát triển du lịch biển đảo
02:12, 07/08/2023
Liên kết phát triển du lịch miền Trung
11:43, 22/07/2023