Hiện Nhật Bản và Hàn Quốc là hai quốc gia mới nhất lên tiếng về việc siết chặt quản lý đối với các doanh nghiệp công nghệ, đặc biệt trọng tâm là nhóm Big Tech.
Theo đó, các doanh nghiệp công nghệ như Google, Apple, Facebook và Amazon sẽ buộc phải công bố các điều khoản của những hợp đồng ký với các khách hàng và thông báo cho Chính phủ Nhật Bản về hoạt động của họ.
Hiện Nhật Bản đang lên kế hoạch thắt chặt quy định của những gã khổng lồ công nghệ như Google và Facebook, sau khi một hội đồng chuyên gia kêu gọi cần giám sát tốt hơn về sự cạnh tranh bất bình đẳng và quyền riêng tư của người dùng, nhất là trong bối cảnh lo ngại rằng một số công ty đang lạm dụng thị phần của họ để bảo đảm khả năng tăng trưởng.
Tại cuộc họp đầu tiên với chủ đề cạnh tranh trên thị trường kỹ số do Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản, ông Yoshihide Suga chủ trì tại Văn phòng Thủ tướng, vị này đã cho biết: “Cần thiết phải có sự hợp tác giữa các quốc gia liên quan đến các vấn đề xung quanh cạnh tranh trên thị trường kỹ thuật số”.
Hiện các cơ quan chống độc quyền của Nhật Bản cho biết, họ có kế hoạch thăm dò xem liệu các công ty công nghệ toàn cầu có đang sử dụng vị thế dẫn đầu thị trường của mình để thao túng các nhà thầu và cản trở cạnh tranh trên thị trường.
Theo luật mới nói trên, các doanh nghiệp công nghệ lớn như Google, Apple, Facebook và Amazon sẽ buộc phải công bố các điều khoản của những hợp đồng ký với các khách hàng và thông báo cho Chính phủ Nhật Bản về các hoạt động của họ.
Bên cạnh đó, để tăng cường bảo vệ quyền riêng tư, chính phủ Nhật Bản sẽ xem xét tăng cường giám sát các công ty nước ngoài trong luật mới bằng cách trao thêm quyền hạn và chức năng cho Ủy ban bảo vệ thông tin cá nhân, một cơ quan chính phủ để giám sát việc xử lý dữ liệu riêng tư.
Để bảo vệ dữ liệu cá nhân, Chính phủ Nhật Bản sẽ điều chỉnh luật bảo vệ thông tin cá nhân để cho phép các cá nhân yêu cầu các doanh nghiệp kỹ thuật số ngừng sử dụng dữ liệu cá nhân của họ.
Có thể bạn quan tâm
02:01, 07/08/2019
06:00, 19/11/2019
15:00, 08/11/2019
Động thái mới nhất của Nhật Bản đã đi theo bước chân của các quốc gia khác trong việc xem xét vai trò chi phối của các công ty công nghệ thông tin lớn nhất trên thế giới, bao gồm Google, Apple, Facebook và Amazon.
Chỉ trong thời gian ngắn, Liên minh châu Âu (EU) đã ban hành nhiều mức phạt tỷ USD cho Google vì tội lạm dụng vị trí để độc quyền trong quảng cáo tìm kiếm trực tuyến. Hồi tháng 3, EU đã yêu cầu Google trả 1,5 tỷ euro (tương đương 1,7 tỷ USD) vì lợi dụng quyền lực để cạnh tranh không lành mạnh. Trong khi trước đó vào tháng 7/2018, Ủy viên châu Âu phụ trách cạnh tranh Margrethe Vestager đã công bố số tiền phạt 4,3 tỷ euro (gần 5 tỷ USD) đối với Google vì các vi phạm cạnh tranh của tập đoàn công nghệ này. Đây là mức phạt chống độc quyền cao nhất từ trước đến nay của EU.
Google đã kháng cáo quyết định này, cho rằng những cáo buộc của EU là không có cơ sở, nhưng tháng trước, doanh nghiệp này cho biết họ sẽ tuân thủ quyết định này để tránh bị phạt thêm.
Trong khi đó, tại Hàn Quốc, Bộ Kinh tế và Tài chính của Hàn Quốc đã thông báo về việc thành lập một nhóm công tác đặc biệt nhằm cân nhắc việc đánh thuế đối với những quảng cáo đăng tải bởi các "gã khổng lồ" công nghệ như Google hay Facebook.
Nhóm công tác đặc biệt gồm nhân viên thuộc Bộ Kinh tế và Tài chính Hàn Quốc phối hợp với các chuyên gia về hệ thống thuế quốc tế. Nhóm sẽ tham gia các cuộc thảo luận quốc tế về thuế số và giúp Chính phủ Hàn Quốc xây dựng biện pháp thu thuế này. Đây là một phần trong các nỗ lực của Hàn Quốc nhằm chống tình trạng xói mòn thuế và chuyển dịch lợi nhuận của các công ty đa quốc gia.